Gặp mặt, động viên đội tuyển tham gia chung kết Quốc gia Cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp' lần thứ VII
Chiều 16/4, tại Trường THPT Nho Quan C, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, gặp mặt động viên đội tuyển học sinh Trường THPT Nho Quan C, Trường THPT Nho Quan B tham gia chung kết Quốc gia Cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp' lần thứ VII.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng hoa chúc mừng, động viên đội tuyển đạt giải cao trong Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII.
Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Trường THPT Nho Quan C, Trường THPT Nho Quan B; ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hướng dẫn, nhóm tác giả tham gia chung kết Quốc gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII. Dự án "Gốm sành nghệ thuật-Clay Heart" của nhóm 5 học sinh Trường THPT Nho Quan C và Trường THPT Nho Quan B đã lọt vào vòng chung kết Quốc gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII, thuộc lĩnh vực công nghiệp. Đây là một trong 40 dự án của khối học sinh THCS, THPT tham gia vòng chung kết toàn quốc diễn ra từ ngày 18-20/4/2025 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm tác giả đã phối hợp với làng nghề gốm Gia Thủy (Nho Quan) để triển khai Dự án "Gốm sành nghệ thuật-Clay Heart" nhằm góp phần bảo tồn làng nghề và đưa làng nghề phát triển vươn xa hơn trên thị trường. Doanh thu của Clay Heart đến từ 2 nguồn: nguồn bán các sản phẩm Gốm sành nghệ thuật; kinh doanh dịch vụ trải nghiệm làng nghề. Bộ sản phẩm gốm nghệ thuật đã đưa ra thị trường 2 mẫu chính là: Bộ trà Hương đào bóng tre; Bộ sản phẩm gồm tích trà, ấm pha trà, chén, đĩa, hũ đựng trà.

Quang cảnh buổi gặp mặt.
Với dịch vụ trải nghiệm làng nghề, Clay Heart đã triển khai thử nghiệm tour học tập trải nghiệm hướng nghiệp tại xưởng gốm Gia Thủy; kết hợp với các đối tác tổ chức mô hình kinh doanh trải nghiệm tạo ra sản phẩm gốm cho du khách trong và ngoài nước. Gốm sành nghệ thuật Clay Heart khác biệt so với các dòng gốm hiện có trên thị trường với sự độc đáo và sáng tạo vượt trội, nằm ở sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với thiết kế sáng tạo, đa năng, dễ ứng dụng trong cuộc sống. Với mức đầu tư 180 triệu đồng cho quý đầu tiên, bao gồm nguyên liệu, thiết bị, marketing và vận hành, nhóm tác giả đã ra mắt bốn dòng sản phẩm gốm nghệ thuật, có giá từ 550.000 đồng đến 1.700.000 đồng. Ngoài ra, dịch vụ trải nghiệm làm gốm với giá 40.000 đồng/người, đang mở ra nguồn doanh thu du lịch tiềm năng… Phát biểu tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận thành tích của nhóm tác giả và nhà trường khi xuất sắc lọt vào vòng chung kết Quốc gia Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII. Đặc biệt, Dự án đã gắn với truyền thống quê hương - làng nghề gốm Gia Thủy và đã có nhiều sáng tạo về mẫu mã, quảng bá, góp phần mở hướng phát triển mới cho sản phẩm của làng nghề truyền thống. Do đó, kỳ vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của thầy cô và các em học sinh, Dự án sẽ đạt kết quả tốt, qua đó góp phần thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn các giá trị truyền thống, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách hài hòa, bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, tổ chức sự kiện của vùng, quốc gia và quốc tế, xứng với bề dày lịch sử của vùng đất kinh đô xưa.