Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019
Hôm qua, 25-7, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Ðài Truyền hình Việt Nam, T.Ư Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.
Dự lễ gặp mặt có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh. Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng: Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí Bí thư T.Ư Ðảng: Ðại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam; Phan Ðình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Ðặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Ðỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, T.Ư và địa phương. Ðặc biệt, là sự có mặt của 500 đồng chí thương binh nặng tiêu biểu, mất sức lao động 81% trở lên, đại diện hơn 12 nghìn thương binh nặng nói riêng và hơn 9,2 triệu người có công trong cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.
Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 là sự kiện quan trọng của đất nước, nằm trong tổng thể các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt
Ðã 72 năm kể từ lần đầu Ngày Thương binh, Liệt sĩ được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, đi qua mấy chục năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cho đến hôm nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển, ngày 27-7 hằng năm vẫn luôn là ngày lễ kỷ niệm thiêng liêng của dân tộc, là dịp để các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng hiếu nghĩa và tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ, những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Trong bức thư viết ngày 17-7-1947 gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc", Bác Hồ đã nhắc nhở chúng ta: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy". Cũng chính Người đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Năm 1947, từ Ðại Từ, Thái Nguyên, Người đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể T.Ư lấy ngày 27-7 hằng năm làm Ngày "Thương binh toàn quốc", là dịp để đồng bào "tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh".
Thực hiện huấn thị của Người, trong suốt 72 năm qua, Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công. Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Buổi gặp mặt này là dịp để nhắc nhở chúng ta phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ: "Cần phải chăm lo tốt hơn nữa công tác thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta".
Các đại biểu đều xúc động khi được tham dự một cuộc gặp mặt đặc biệt nhất từ trước đến nay dành cho những đồng chí thương binh nặng. Các đại biểu đều mất sức lao động 81% trở lên, trong đó có hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động hơn 90%. Tám đại biểu là thương binh nặng mất sức lao động 100%, 406 thương binh đang sống cùng gia đình và người thân, 94 thương binh hiện đang được chăm sóc tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; 30 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 44 đại biểu thương binh nặng là nữ, 35 đại biểu thương binh bị mất thị lực hoàn toàn, 68 đại biểu di chuyển bằng xe lăn, xe lắc; 29 người sử dụng chân giả. Phần đông các đại biểu ở độ tuổi từ 70 đến 80 tuổi.
Hiếm có cuộc gặp gỡ nào mà tất cả những nhân chứng được mời lên sân khấu giao lưu hay nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, người dù đôi mắt đã mù lòa, người mất đi cánh tay, bàn chân, nhiều người hoặc mất cả đôi chân, hoặc bị chấn thương cột sống phải ngồi xe đẩy… song tất cả các cô, bác đều được các chiến sĩ trẻ chu đáo, trân trọng nâng, đỡ, dìu từng bước đi với lòng biết ơn, yêu thương kính phục.
Hiếm có cuộc gặp gỡ nào hội tụ đông đảo những con người anh hùng mà giản dị; tột cùng của đau đớn mất mát thân thể mà cũng tột đỉnh lạc quan tinh thần trong một cuộc chiến đấu gian khổ để vượt lên khó khăn của thời bình như thế.
Phẩm chất tiêu biểu, là mẫu số gắn kết họ, dù đang sống cùng gia đình hay tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, các cô, bác đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động và công tác. Rất nhiều đại biểu thương binh nặng đã không quản ngại khó khăn, vất vả bởi di chứng chiến tranh quá nặng, hoàn toàn mất tự lực trong sinh hoạt nhưng vẫn cố gắng có mặt tại Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, để cùng nhau ôn lại những chặng đường lịch sử của dân tộc.
Những câu chuyện lay động lòng người
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng trong ký ức của những đại biểu thương binh nặng tham dự buổi gặp mặt đặc biệt này, tất cả mới chỉ như ngày hôm qua, bởi đó là những năm tháng hào hùng oanh liệt của đất nước, cũng là những năm tháng tuổi thanh xuân nhiệt huyết nhất họ cống hiến cho Tổ quốc. Câu chuyện của thương binh Lê Hữu Trạc (Quảng Bình) khiến các đại biểu không khỏi xúc động. Năm 1952, cha ông bị giặc Pháp giết hại. Mười năm sau đó, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ năm 1968 - ông Trạc nhớ lại, khi ấy, khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền nam, do vậy, giặc Mỹ đã sử dụng không quân, tàu chiến địch quyết tâm đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt đảo Cồn Cỏ, vọng gác tiền tiêu - con mắt của Vĩnh Linh. Dù chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ nhưng ông và các đồng đội luôn cảm thấy trọng trách và tự hào khi được chiến đấu và hy sinh cho đảo. Ông nghẹn ngào khi nhớ về những ngày tháng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Linh không tiếc công sức, xương máu tiếp tế cho bộ đội giữ đảo. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh trên biển trên đường đưa lương thực ra tiếp tế cho bộ đội.
Các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 tại buổi gặp mặt.
"Trước sự hy sinh to lớn đó, chúng tôi nguyện chiến đấu đến cùng để bảo vệ đảo, giữ trọn niềm tin yêu của Ðảng và nhân dân". Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương, ông Lê Hữu Trạc được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ. Sau này, ông từng có thời gian là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Bình. Ðược về dự lễ gặp mặt, trong ông càng trỗi dậy niềm tự hào về Ðảng quang vinh, về dân tộc anh hùng. Càng tự hào bao nhiêu, càng nỗ lực phấn đấu hơn nữa, mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. "Khi trở về đời thường, chúng tôi gương mẫu vận động gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, để mỗi gia đình thương binh nặng mãi mãi là một bông hoa đẹp, các đối tượng chính sách, người có công toàn quốc là một vườn hoa đẹp, dân tộc ta là một rừng hoa đẹp, rừng hoa xã hội chủ nghĩa"- ông Trạc xúc động chia sẻ.
Cả hội trường lắng xuống khi được nghe người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng chứa đựng sự gan dạ vô cùng có nhiều lần tham gia đánh công đồn, bắt sống nhiều tên giặc khét tiếng hung hãn. Bà là thương binh hạng 1/4 Trương Hồng Dân, từng là Trung đội trưởng nữ pháo binh huyện Giá Rai khi mới 19 tuổi. Bà Dân tham gia cách mạng khi mới 11 tuổi, khi ấy vì còn quá nhỏ, thời gian đầu, bà chỉ được giao nhiệm vụ làm liên lạc. Năm 14 tuổi, một lần khi mang tài liệu từ thành phố về đơn vị, bà bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng bà không khai báo. Sau hai năm bị giam cầm, bà được trả tự do. Trở về nhà, bà làm đơn đi bộ đội. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà là lần đánh đồn Mỹ Ðiền, bà cùng đồng đội tiêu diệt và bắt sống hàng chục tên địch. Riêng bà đã bắt sống tên đồn trưởng ác ôn khét tiếng. Cả hội trường vừa cảm phục vừa thích thú khi được nghe bà Dân kể câu chuyện mà theo bà, đó chỉ là câu chuyện nhỏ, thành tích nhỏ trong muôn vàn thành tích to lớn của các đồng đội ngồi đây ngày hôm nay. Bà Dân kể: "Ðó là lần đầu được đi đánh công đồn nên chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Khi xông vào phòng tên đồn trưởng, thấy hắn nấp trong khe cửa, tôi liền túm tóc hắn lôi ra. Sau khi biết chuyện, đồng chí đại đội trưởng đã nhắc nhở nghiêm khắc bởi chưa ai đi bắt tù binh lại nắm đầu như thế bởi rất có thể, tên đồn trưởng sẽ chống lại giết tôi để bỏ chạy".
Trong trận đánh ở xã Long Ðiền Tây, đơn vị bà Dân hy sinh rất nhiều. Riêng bà bị hơn 20 vết thương: mù một mắt, hư nửa mặt, vỡ sọ, bị thương cột sống, gãy xương đùi, cụt mấy ngón tay. Nằm lại trận địa từ 9 giờ đến 17 giờ, bà Dân tiếp tục bị trúng thêm nhiều vết đạn. Ðược đồng đội tìm thấy, cứu chữa, khi tỉnh lại, biết mình bị thương quá nặng, bà đòi chết để dành thuốc men, bông băng cho đồng đội khác nhưng mọi người đã cứu sống bà. Sáu năm sau Ngày Giải phóng miền nam, bà trải qua 20 cuộc phẫu thuật của các bệnh viện quân y từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Trở về địa phương, bà lập gia đình với một thương binh. Cuộc hôn nhân muộn màng của ông bà đơm hoa kết trái, nhưng hai người con của bà đều bị di chứng chất độc da cam.
Hai vợ chồng bà đã vượt qua mọi khó khăn nuôi hai con bệnh tật hơn 20 năm trong căn gác rộng chưa đầy 30 m2 tại phường Cái Khế (TP Cần Thơ). Dù hoàn cảnh gia đình quá nhiều khó khăn nhưng khi tham gia công tác tại địa phương, làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ phường, bà Dân lại tiếp tục giúp đỡ nhiều phụ nữ thoát nghèo. Dù di chứng chiến tranh vẫn hằng ngày hằng giờ hiện hữu trên gương mặt, trong cuộc sống ngày thường nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi người phụ nữ nhỏ bé đầy can trường, khiến ai được gặp, được chứng kiến, được nghe bà Dân kể chuyện, đều cảm phục.
Bước ra khỏi cuộc chiến, những người thương binh với thương tật trong người, trái nắng trở trời các vết thương lại tái phát, hành hạ nhưng họ bằng nghị lực, trí tuệ và sức phấn đấu phi thường đã vươn lên không chỉ ổn định cuộc sống cá nhân, mà còn trở thành những tế bào mạnh mẽ, thúc đẩy cộng đồng, xã hội phát triển. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt. Nhưng với các thương binh nặng thương tật hơn 80% thì sự nỗ lực vươn lên của họ còn vất vả, nhọc nhằn hơn nhiều.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu được giao lưu với thương binh hạng 1/4 Trần Hữu Du, sinh năm 1952 ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông Du kể, năm 1973, đơn vị của ông được nhận nhiệm vụ giữ chốt trên đường 1, địa phận huyện Phổ Châu, tỉnh Quảng Ngãi. Khi ấy, trên chốt, chỉ có bốn người nhưng đã dũng cảm chiến đấu với bốn chiếc xe tăng và một đại đội địch. Qua nhiều đợt tiến công, trung đội trưởng đã hy sinh, ông và một đồng đội nữa bị thương nhưng từ 10 giờ sáng đến chiều tối, ba người dũng cảm chiến đấu, giữ chốt an toàn đến ngày 15-1-1973.
Với thương tật 81%, ông Du trở về địa phương cùng vợ con vượt qua khó khăn, làm kinh tế gia đình: nuôi ong, trồng cây dược liệu (cây hòe) cây có giá trị kinh tế tại địa phương. Tại buổi gặp mặt, ông không quên gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chính quyền địa phương, các cấp luôn quan tâm chăm lo cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách; cảm ơn người vợ hiền thảo của mình suốt mấy chục năm thay ông làm tròn vai trò lao động chính trong nhà, người chủ của gia đình, gánh vác, chăm sóc ông và nuôi dạy ba người con trưởng thành…
Những người lính về với đời thương, giản dị, hồn hậu như thế. Nhưng nghị lực sống, ý chí vươn lên của họ trong sự thương yêu của gia đình, người thân, toàn xã hội chính là bài học lớn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự xúc động, trân trọng được gặp gỡ 500 đại biểu thương binh nặng trên cả nước. Ðồng thời, gửi lời thăm hỏi ân cần, tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc nhất tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm nghìn thương binh, bệnh binh và hàng triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, mà 500 thương binh nặng có mặt hôm nay là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng đáng khâm phục, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên. (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao món quà tặng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 500 phần quà, Bằng khen tặng các đại biểu về dự buổi gặp mặt.