Gặp nghệ nhân hát Xoan cao tuổi nhất Việt Nam

Những ngày tháng 3 (âm lịch) này, tất cả những người con đất Việt cùng hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Chúng tôi đã đến Phú Thọ để gặp các nghệ nhân, để đắm mình trong những làn điệu Xoan cổ xưa được cất lên từ đất Tổ linh thiêng. Trong số những nghệ nhân ấy, có một cụ bà năm nay đã ngót nghét 104 tuổi - cụ Lê Thị Đá.

Tuy đã hơn 100 tuổi nhưng cụ Lê Thị Đá vẫn say sưa với làn điệu hát Xoan. Ảnh:Hạnh Vân

Vùng đất cổ khởi thủy của hát Xoan xưa...

Hát Xoan có những "quả cách" riêng không phải ai cũng biết. Quả cách là một trong 3 phần của hát xoan. Quả cách trong hát xoan là những áng thơ khuyết danh với nhiều đề tài khác nhau. Ông trùm hoặc một kép ngân nga các quả cách sau phần đầu lễ nghi tôn giáo. Mỗi quả cách gồm 3 phần: Giáo cách (mở đầu), đưa cách (phần giữa), kết cách (phần cuối). Theo cụ Đá thì tất cả có 14 quả cách, nhưng hiện tại chỉ còn biết được 13, một quả cách đã bị thất truyền.

Cách thành phố Việt Trì 15km, vùng đất Kim Đức nằm ngay gần ngọn núi thiêng- nơi thờ các vị Vua Hùng - vốn là nơi phát tích làn điệu hát xoan cổ xưa. Làng Kim Đức xưa kia còn có hẳn một ngôi miếu cổ thờ thủy tổ của hát Xoan nhưng do chiến tranh, sự tàn phá của thời gian mà ngôi miếu cổ nay không còn. Nhưng trên chính nền ngôi miếu cũ, một ngôi miếu mới đã được phục dựng - miếu Lãi Lèn - vừa là nơi hương khói nhớ công ơn người xưa đã sáng tạo nên điệu hát Xoan, vừa là nơi sinh hoạt của các phường Xoan trong vùng.

Hát Xoan vốn là điệu hát nghi lễ. Đây chính là những lời hát thờ tín ngưỡng Quốc Tổ Hùng Vương. Ngoài phần lễ nghi, đây còn là tập hợp những điệu hát trữ tình giao duyên, vừa nôm na, dân dã lại vừa duyên dáng. Trong lễ hội của làng Xoan, sau hát lễ đều có phần vui chơi mà người phường Xoan gọi là "Hát chơi" gồm có hát đố, hát đối đáp mang dáng dấp các bài dân ca, hát ví giao duyên, hát trống quân. Chính vì thế điệu hát này tồn tại lâu dài, được cả người già lẫn người trẻ đều yêu thích.

Hát Xoan theo lối hát chơi thì rất nhiều người ở các phường Xoan Phú Thọ hát được; Nhưng hát thờ, hát nghi lễ thì không phải ai cũng biết và hát được. Cụ Đá là một trong số ít những nghệ nhân còn mang trong mình niềm say mê Xoan cổ và có khả năng hát những điệu Xoan nghi lễ cổ xưa.

Ngôi nhà của cụ Đá cách ngôi miếu cổ Lãi Lèn chừng vài trăm mét, chênh vênh giữa một ngọn đồi đất đỏ au. Cụ vốn là người gốc làng Kim Đức, vùng đất cổ xưa gắn liền với truyền thuyết về các vị vua Hùng. Trong ngôi nhà nhỏ là vô số những bức ảnh chụp cụ đang biểu diễn hát Xoan, tấm Bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian và cả những kỷ niệm chương khác. Có một tấm Huy chương Bạc treo nơi trang trọng, được cụ Đá giữ gìn cẩn thận nhất.

Cụ bảo: "Đó là thành tích từ hồi chiến tranh và cũng là thành tích lớn nhất của tôi đấy. Hồi ấy, cùng với huy chương bạc, tôi còn được tặng một đôi dép quai hậu Tiền Phong, tuy là dép nam nhưng thời bấy giờ quý lắm, còn mỗi người trong đoàn đều được tặng hai cuộn len gai màu xanh về đan áo"- Ấy là vào những năm chiến tranh chống Mỹ, hai mẹ con cụ Đá cùng 6 người khác trong xã đã mang Xoan của đất Phú Thọ đi dự Hội diễn dân ca toàn quốc ở tỉnh Hà Bắc (cũ). Cả đoàn được nhận được huy chương vàng, còn cá nhân cụ Đá thì được Huy chương bạc. Dịp ấy, nghệ nhân Lê Thị Đá "hụt" mất chuyến đi nước ngoài biểu diễn bởi Mỹ ném bom khốc liệt quá.

90 năm mới được phong... nghệ nhân!

Tiếng hát vẫn thi thoảng cất lên bên sườn đồi khi cụ đang hái chè, múc nước tưới rau hoặc khi cụ ra đồi nhặt củi. Dù đã già, sức đã yếu, nhưng tiếng hát Xoan của cụ Đá vẫn vang xa réo rắt. Cụ bảo: Hát Xoan độc đáo ở chỗ khẩu hình của nghệ nhân không cần mở rộng, mà cần có kỹ thuật lấy hơi và ngân nga nền nảy, nên tiếng hát không cuồn cuộn mà cứ thánh thót, trong veo...

Dường như số phận đã định cho cụ Lê Thị Đá cái nghiệp hát Xoan, hát từ khi tóc còn để chỏm đến khi mắt mờ, chân chậm, tay run. Mẹ của cụ khi xưa vốn là đào hát Xoan nên ngay từ khi còn bé, tuổi thơ của cụ Đá đã thấm đẫm trong những làn điệu Xoan cùng giọng ru ầu ơ của mẹ.

Năm 10 tuổi, cô bé Lê Thị Đá đã bắt đầu học hát theo mẹ. Rồi khi lấy chồng, bố chồng là trùm phường Xoan nên cô gái Lê Thị Đá ngày ấy càng có cơ hội được đi hát nhiều hơn, biết nhiều làn điệu Xoan cổ hơn. Hát Xoan từ khi tóc còn để chỏm cho đến nay cụ Đá có tới hơn 90 năm hát Xoan, là người hát Xoan lâu đời nhất.

Cụ còn dạy biết bao thế hệ hát Xoan khi từng đoàn, từng đoàn người dưới thành phố lên nhà cụ "đóng đô" hàng tuần để học. Nhiều người trong số ấy đã được phong nghệ nhân hát Xoan từ lâu. Ai cũng ngỡ, với “thâm niên” lâu nhất ấy, cụ Đá hẳn phải được phong danh nghệ nhân lâu lắm rồi! Nhưng hóa ra, mãi tới năm 2010 vừa qua, cụ bà kỳ cựu nhất trong làng Xoan Phú Thọ mới được phong danh nghệ nhân!

Nhưng tất cả những sự trớ trêu của cuộc đời ấy không thể nào làm nguôi ngoai niềm say mê Xoan trong cụ. Tiếng hát vẫn thi thoảng cất lên bên sườn đồi khi cụ đang hái chè, múc nước tưới rau hoặc khi cụ ra đồi nhặt củi. Dù đã già, sức đã yếu, nhưng tiếng hát Xoan của cụ Đá vẫn vang xa réo rắt. C

ụ bảo: Hát Xoan độc đáo ở chỗ khẩu hình của nghệ nhân không cần mở rộng, mà cần có kỹ thuật lấy hơi và ngân nga nền nảy, nên tiếng hát không cuồn cuộn mà cứ thánh thót, trong veo như tiếng nước suối rừng.

Cụ cất tiếng hát kể về những sinh hoạt bình dị trong đời sống, cầu cho mùa màng tốt tươi mỗi độ xuân về: "Nay mừng xuân tiết mới sang/Xướng ca tiệc mở dân làng ta đây, Trông ơn thánh đế muôn vàn/ Dân ta mở tiệc ca Xoan phụng thờ". Những điệu Xoan có nội dung gần gũi như tả về ngư, tiều, canh, mục; tả về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Và cả những đoạn thơ hát tả tình cảm yêu đương trai gái rất thiết tha và đằm thắm ở các phần hát như: Bợm gái, Bỏ bộ, Xin huê - Đố chữ, Cài huê - Mó cá v.v...

Các thiếu nữ Phú Thọ trong điệu hát Xoan truyền thống. Ảnh:?PV

Các nam thanh nữ tú vùng đất Tổ đang tập hát Xoan. Ảnh:Hạnh Vân

104 tuổi vẫn hát hay múa dẻo

Hát Xoan thực chất chính là đọc chéo đi của từ "hát xuân", ra đời từ thời Hùng Vương. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang xưa, nên hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại thuở xưa.

Cụ Đá bảo, hát Xoan rất sống động, khi hát có lúc người ta đứng im, lúc di chuyển uyển chuyển, bàn tay luôn cong 5 ngón như bông hoa nở . Trong hát Xoan, nam thường giữ giọng chính, nữ chủ yếu hòa theo, như trong một câu hát trong điệu "Xe chỉ vá may": Kép đưa: "A á a a/Ngư tiều canh mục cách/Bắt ngay thuyền lại/Hỏi ngư ông có cá bán chăng?/Dạ dạ thưa rằng/Thuyền còn đang bổ lưới/Những mảng trông nguyệt hút liên không/Ới gọi là ngư thiều/Ứ a là canh mục/Ới gọi là ngư phú/Ới a là phong lưu"; thì Đào sẽ đưa:"Ngư phú ban cho/Là là cá hở a hở đầu"...

Hát Xoan có hàng âm thanh đơn giản, 4-5 âm, nhưng nó là gốc gác, tạo thành nền tảng âm thanh quen thuộc của người dân. Cụ Đá bảo, phải hiểu hát Xoan thì mới yêu, mới say mê, mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Hát Xoan quý giá vì đây là một di sản có tính đồng bộ và có nhiều giá trị cổ xưa.

Đau đáu với niềm say mê hát và giữ gìn Xoan cổ, hơn 90 năm gắn bó với Xoan, cụ Đá đã truyền dạy lại cho biết bao thế hệ. Bây giờ, đã ngoài 100 tuổi, cụ vẫn mang trong mình niềm say mê không nguôi với những làn điệu Xoan cổ xưa. Tận mắt chứng kiến, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước một cụ bà 104 tuổi mà vẫn cất cao giọng hát những làn điệu Xoan thánh thót và còn múa, lượn tay cùng những động tác rất khó mà nhiều đào Xoan ngày nay khó mà thực hiện nổi. Tiếng hát khúc xuân ca của nghệ nhân "lão làng" nhất trong làng Xoan cổ xưa vẫn vang lên đây đó trên ngọn đồi nơi vùng đất cổ linh thiêng: "Năm trống cơm thiên hạ thái bình/ Năm trống cơm nhà no mọi đủ/ Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay/ Được mùa hòa thăng lấy cơm bưng trống (trích trong Giáo trống).

Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Trưa 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia), Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Hồ sơ hát Xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận, đó là tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác; đó là sức sống mạnh mẽ của hát Xoan cũng như các cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiên đại. Đây là một số ít những hồ sơ nhận được toàn bộ sự ủng hộ của hội đồng tư vấn khoa học xét duyệt sơ khảo trước đó.

Tìm về nguồn cội

Ngày 18/2 vừa qua, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ vinh danh và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản hát Xoan Phú Thọ. Dự Lễ vinh danh có bà Katherine Muller Marin- Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động chính của Chương trình "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam" năm 2012 và Chương trình "Du lịch về cội nguồn và vinh danh hát Xoan Phú Thọ".

Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương, hát Xoan Phú Thọ, cũng được đánh giá là một bộ môn nghệ thuật dân gian giàu tính nghệ thuật với các yếu tố: nhạc, hát, múa... trong các trò diễn hội làng, thường được gọi là lối hát cửa đình. Các làng Xoan gốc đều là làng cổ ở trung tâm nước Văn Lang xưa, vì vậy hát Xoan bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời dựng nước...

Chính vì vậy, khi xem xét hồ sơ hát Xoan Phú Thọ, báo cáo của Ban thẩm định hồ sơ thông báo tại Hội nghị UNESCO (tổ chức gần đây ở Indonesia) đã đánh giá: Hồ sơ hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là hồ sơ duy nhất nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban thẩm định. Các chuyên gia ghi nhận giá trị di sản và đánh giá cao những cố gắng của cộng đồng tại Phú Thọ trong nỗ lực bảo tồn các làn điệu Xoan.

Tại lễ vinh danh, 7 cá nhân đã được trao tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương, 12 tập thể và 59 cá nhân đã được trao tặng Bằng khen vì những nỗ lực và đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Hội ở phường Xoan Phù Đức, Phú Thọ cho biết: "Tôi rất tự hào được tỉnh, Bộ Văn hóa, Viện Âm nhạc tạo điều kiện quan tâm để mọi người duy trì gìn giữ được nền hát Xoan Phú Thọ cho tỉnh nói riêng và nhà nước nói chung".

Hiện nay, Phú Thọ còn 3 phường xoan cổ là: Phù Đức, Thét và Kim Đới và 1 phường Xoan An Thái mới được thành lập lại. Đây chính là niềm hy vọng cho sự phục hồi và phát huy giá trị của hát Xoan Phú Thọ trong tương lai. V.V

Hạnh Vân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/2012032909396815p0c1003/gap-nghe-nhan-hat-xoan-cao-tuoi-nhat-viet-nam.htm