Gặp người bị nạn, làm sao cho đúng: Có nhiều cách cứu người mà không bị phiền phức
Gọi Cấp cứu 115, gọi Cảnh sát 113, quay phim lại hiện trường, hô hào nhiều người cùng giúp... Tuyệt đối không đụng vào hoặc dịch chuyển người cần cứu giúp khỏi hiện trường
TS Nguyễn Vinh Huy-Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam:
Chỉ cần 1 người dừng lại, 1 mạng người đã được cứu
Bộ Luật Hình sự năm 2015 (BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng". Theo đó, không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi của người mà khi biết được người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị chết, mặc dù có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc tình trạng đó làm cho nạn nhân bị chết.
Hành vi không cứu giúp nạn nhân của những người đi đường trong trường hợp của anh P.H.P (tỉnh Bình Dương) có thể bị xử lý theo điều 132 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó mức hình phạt cao nhất đến 2 năm tù. Tuy nhiên, trên thực tế để xử lý tội này thì rất phức tạp. Ví dụ, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người; danh tính người đi đường; ai là người chịu trách nhiệm cho tội này trong trường hợp có rất nhiều người qua lại ngay tại thời điểm đó: Người đi trước, người đi sau cùng?...
Hiện nay không ít người tránh né, thờ ơ, vô cảm với việc cứu giúp người bị nạn, nhất là đối với tai nạn giao thông đường bộ. Bởi thực tế rất nhiều trường hợp sau khi giúp đỡ người bị nạn lại bị hàm oan, làm người muốn giúp e ngại, sợ rắc rối.
Dù vậy, trên thế gian không có gì quý giá hơn sinh mạng con người, đúng với câu nói "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa". Cứu giúp người gặp nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân. Trong vụ việc trên, nếu 1 trong 4 xe máy đi qua, chỉ cần một người dừng lại dùng xe máy chặn trước người bị nạn và ra hiệu cho những xe chạy đến, hô hào người xung quanh, đồng thời gọi Cấp cứu 115, Cảnh sát 113 thì một mạng người đã được cứu.
Một xã hội văn minh không hẳn là cơ sở hạ tầng hiện đại, người dân giàu có mà điều quan trọng nhất là ở đó phải có những con người đạo đức, có tấm lòng nhân ái. Để xây dựng được một xã hội như vậy thì phải đẩy lùi bệnh vô cảm đang ngày càng lan rộng như hiện nay.
Về việc gặp người bị nạn thì nên ứng xử như thế nào cho có tình người và đúng luật, không gặp rắc rối, đầu tiên nên làm là gọi Cấp cứu 115, Cảnh sát 113 để báo về sự việc. Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo thì hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân của họ.
Sau đó, dùng điện thoại chụp hoặc quay phim lại hiện trường; hô hào nhiều người cùng giúp hoặc nhờ họ quay phim lại toàn bộ quá trình cứu giúp người. Như vậy, ngay khi cảnh sát đến thì có thể bàn giao hình chụp hoặc phim vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra sự việc nhanh chóng, tránh khỏi việc bị cơ quan điều tra mời đến tường trình sự việc nhiều lần và cũng như sẽ không bị người thân của người bị nạn hiểu lầm.
Có đến 4 người điều khiển xe máy lần lượt đi qua, ngó sơ rồi bỏ đi. Hậu quả, anh P. bị xe khách cán phải tử vong sau đó. (Ảnh cắt từ clip)Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM):
Luật đã có nhưng khó xử lý
Việc thanh niên bị ngã xe trong đêm tối không được người đi đường giúp đỡ, sau đó bị xe khách cán tử vong khiến dư luận xót xa lẫn bức xúc. Có ý kiến đặt ra cần phải xử lý hình sự người đi đường về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo điều 132 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người đi đường về hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm là rất khó. Bởi lẽ, theo quy định của điều luật này, cấu thành cơ bản tội phạm này phải thỏa mãn các điều kiện: "Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, họ có điều kiện cứu giúp nhưng đã không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết" thì mới bị xem là phạm tội và có thể bị phạt tù với mức phạt cao nhất đến 7 năm.
Như vậy, muốn xử lý hình sự, cơ quan tố tụng phải chứng minh được 3 điểm sau: Thứ nhất, ý thức chủ quan của người đi đường là nhận thức được thanh niên kia đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng cố tình không cứu giúp. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được hiểu là tình trạng mạng sống của người cần cứu đang bị đe dọa ngay tức khắc, nếu không có sự cứu giúp kịp thời thì dẫn đến hậu quả người đó bị chết.
Thứ hai, phải chứng minh được người phạm tội phải là người có điều kiện để cứu giúp nạn nhân, tức có đủ khả năng về chuyên môn, vật chất hoặc những điều kiện cần thiết khác để thực hiện việc ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra nhưng họ đã không cứu giúp người bị nạn.
Thứ ba, hậu quả chết người xảy ra là do hành vi không cứu giúp người bị nạn. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này. Nếu hậu quả chết người không phải xuất phát từ việc không cứu giúp mà do một nguyên nhân khác thì không thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm.
Trong vụ việc này, xét về đạo đức và văn hóa ứng xử của người đi đường, xã hội hoàn toàn có thể chê trách, lên án nhưng xử lý hình sự thì không đơn giản. Cũng có ý kiến đặt ra là người đi đường có tâm lý e ngại việc giúp người gặp nạn có thể dẫn đến phiền phức không đáng có, bị các cơ quan có thẩm quyền mời lên nhiều lần để xác minh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ…
Để tránh tình trạng này, người đi đường cần gọi Cảnh sát 113 hoặc gọi tổng đài Cấp cứu 115 để thông báo tình trạng mà mình nhìn thấy. Người đi đường cũng có thể tìm đến cơ quan nhà nước gần nhất để báo hoặc kêu gọi những người dân xung quanh khu vực xảy ra vụ việc để cùng xử lý. Tuyệt đối không nên đụng vào hoặc dịch chuyển người cần cứu giúp khỏi hiện trường hoặc làm xáo trộn hiện trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự - TAND TP HCM):
Cần có tổng đài cứu hộ chuyên nghiệp
Người Việt Nam rất thích làm từ thiện, trái tim của người dân luôn hướng về những người gặp nạn, bằng chứng là sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ các trường hợp khó khăn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, để giúp một người gặp nạn giữa đường rồi đưa vào bệnh viện thì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Cụ thể, nhiều người cảm thấy sức khỏe họ không bảo đảm thì họ có quyền từ chối giúp đỡ; bên cạnh đó nếu người bị tai nạn nặng nếu sơ cứu không đúng cách cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Chưa kể, nếu đưa vào bệnh viện thì đầu tiên sẽ phát sinh vấn đề viện phí nếu người bị nạn không có thân nhân. Ngoài ra, trường hợp nạn nhân tử vong thì phía bệnh viện sẽ phối hợp với công an làm rõ ai gây tai nạn, bị nạn như thế nào. Nếu nơi đông người thì không vấn đề gì, trường hợp người gặp nạn ở đoạn đường vắng được đưa vào bệnh viện và công an lấy lời khai, người giúp đỡ sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Việc chứng minh người gặp nạn tử vong là vụ án mạng hay tai nạn, ai gây tai nạn và chứng minh tội phạm là trách nhiệm của công an. Tuy nhiên, để công an hoàn tất việc chứng minh này thì sẽ mất nhiều thời gian và có thể ảnh hưởng đến thời gian, công việc của người giúp đỡ.
Mặc dù nhiều địa phương có những đội cứu hộ SOS chuyên giúp đỡ ban đêm hoặc những trường hợp khó khăn nhưng không phải địa phương nào cũng có, ngóc ngách nào cũng hiện diện các đội cứu hộ. Trước thực trạng này, tốt nhất nhà nước nên có một tổng đài chính quy để khi phát hiện tai nạn hoặc trường hợp cần giúp đỡ thì người dân gọi vào tổng đài. Tổng đài sẽ có phương tiện đưa người gặp nạn đi bệnh viện và sẽ làm việc với cơ quan chức năng theo chức năng, nhiệm vụ của họ.