Gặp người cuối cùng của điện ảnh bưng biền
Ông là nhà quay phim lão thành, gạo cội của điện ảnh Việt Nam; là người cuối cùng còn sống của điện ảnh bưng biền. Hôm nay, cảm thấy thời gian không còn nhiều, nên ông mong muốn truyền lại những gì ông có... Đó là đạo diễn Hồ Văn Tây (Hồ Tây).
Người tiền bối điện ảnh Việt Nam
Nghề chính của đạo diễn Hồ Văn Tây là quay phim, ông là nhà quay phim gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Cuối năm 1948, khi mới 16 tuổi, cùng với lớp thanh niên thời đó “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, ông rời Trường Trung học kháng chiến Huỳnh Thúc Kháng (Vĩnh Long) vô Đồng Tháp Mười tham gia Tổ Nhiếp - điện ảnh Khu 8.
Ông cùng với hai nghệ sĩ nòng cốt là Mai Lộc, Khương Mễ và các ông An Như Sơn, Đoàn Tý, Nguyễn Đảnh, Vũ Sơn, Lý Cương, Lưu Văn Phá, Nguyễn Phụ Cấn... góp phần tạo nên một nền “điện ảnh bưng biền” tuy sơ khai, non trẻ nhưng đầy nhiệt huyết, vô cùng độc đáo, hiệu quả.
Những tác phẩm điện ảnh Trận Mộc Hóa, Trận La Bang, Chiến dịch Trà Vinh - Cầu Kè, Chiến dịch Sóc Trăng, Công binh xưởng trong rừng… góp phần động viên rất lớn cho tinh thần quân dân ta.
Đạo diễn Hồ Tây nhớ lại: “Khi đó làm phim, chiếu phim thô sơ lắm. Để làm phim Một năm Philatop ở Việt Nam, tôi lội sâu vào kinh 30 của Vàm Chắc Băng ròng rã suốt 3 tháng, giữa kênh rạch nước nửa ngọt nửa mặn, trên những chiếc ghe rày đây mai đó. Thuốc in thuốc tráng đều khan hiếm. Thời đó, phim chưa được lồng tiếng nên khi chiếu phải chọn anh nào nói năng lưu loát, giọng lớn… để thuyết minh. Đến đoạn súng bắn phải “pằng, pằng”, bom rơi phải la “ầm, ầm” thiệt vang. Bà con đi ghe ngồi tàu kéo về coi đông ken, vui thiệt vui…”.
Nhà làm phim Hồ Tây bùi ngùi: “Đó là những thước phim chúng tôi quay bằng xương máu và sinh mạng của mình”.
Dấu chân ông “phiêu du, lãng tử” theo nghề. Hiệp định Genève (tháng 7-1954) ký kết, ông có mặt trong Ban Liên hiệp đình chiến tại Cao Lãnh, Phụng Hiệp, ra Phú Quốc chiếu phim, từ giã đồng bào rồi đi chuyến tàu cuối cùng ở Sông Đốc tập kết ra Bắc. Năm 1965, ông trở về Nam, Tết Mậu Thân 1968, ông bị địch bắt tại Sài Gòn, đưa ra trại giam Phú Quốc. Năm 1973, ông được trao trả trong chuyến bay cuối cùng từ Phú Quốc tới sân bay Lộc Ninh…
Ông cũng có mặt ngay khi thủ đô Pnom Penh (Campuchia) được giải phóng (năm 1979). Ám ảnh nhất là tại nhà tù Tuol Sleng, nơi ông và nhà báo Đinh Phong đã chứng kiến 4 đứa trẻ còn sống, lớn nhất là Norng Chan Phal mới 8-9 tuổi trong tình trạng vô cùng hoảng sợ, không mảnh vải che thân.
“Chúng tôi phải bước qua những xác người thối rữa, vẫn còn cùm ở cổ chân họ”, ông Hồ Tây nhớ lại. Năm 2009, khi tham dự phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC), ông đã gặp lại cậu bé Norng Chan Phal khi xưa, với vai trò nhân chứng. Dịp này, một phóng viên hãng Reuters đã nhanh nhạy chụp được tấm hình hết sức ý nghĩa, Norng Chan Phal - một người từ cõi chết trở về và người đã trực tiếp chứng kiến, tham gia cứu sống - nhà quay phim Hồ Tây.
Người truyền lửa
“Tôi hối sang gặp để giao hết những phim ảnh còn lưu giữ, tùy anh em sử dụng. Năm nay tôi 88 tuổi, yếu rồi. Chọn mặt gửi vàng đó nha”, ông Hồ Tây nói với nhiếp ảnh gia Văn Ngọc Nhuần. Tại đây, có hàng trăm tấm phim, ảnh cùng mấy chiếc máy ảnh mà ông cất giữ cẩn thận hàng chục năm được lôi ra, bày hết lên bàn…
Đó không chỉ là “kỷ niệm những chuyến đi, những người từng gặp” như ông tâm sự, mà còn lưu lại bao cảnh sắc tuyệt vời của quê hương, đất nước, hoặc gắn với lịch sử, với một thời kỳ, giai đoạn hào hùng của dân tộc. Sau mỗi tấm ảnh là một câu chuyện xúc động, là nguồn cảm hứng về tình đất tình người. Những bức hình của một người nghệ sĩ, chiến sĩ. Một tập sách tuyển chọn từ những tấm ảnh của ông là điều mong mỏi của những người kế tiếp.
Dù đã 88 tuổi, trí nhớ giảm sút nhiều, nhưng cứ “động” vô nghề là ông nhớ từng chi tiết. Ông bồi hồi nhắc lại kỷ niệm với bao người bạn xưa, nhớ chính xác tên đạo diễn, năm sản xuất những bộ phim đầu tiên của điện ảnh nước nhà như: Con chim vành khuyên, Lửa trung tuyến, Chung một dòng sông, Hai người lính... Quá khứ không thể lãng quên.
Ông gom tiền cá nhân làm tượng đài trận Vàm Thủ Cừu, trận đánh mà cha ông từng tham dự; tham gia xây dựng Tượng đài kỷ niệm Điện ảnh cách mạng - Điện ảnh Khu 8 (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An); làm cố vấn và góp kinh phí cho Bia tưởng niệm Điện ảnh - Nhiếp ảnh Tây Nam bộ (ở Cà Mau), ghi lại lịch sử điện ảnh Nam bộ... Ngồi nói chuyện, ông nhắc mấy lần, ráng liên hệ với con của người bạn ở TPHCM hiện cất giữ những tấm hình rất quý về Điện ảnh Khu 8 và Tây Nam bộ…
Nghỉ hưu khi đang công tác tại Đài Truyền hình TPHCM, ông lui về cố quán (ấp Phú Điền, xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vui với gió đồng, cảnh quê. Ngôi nhà ông ở rợp bóng cây, hoa lá, phía trước có con lộ tráng nhựa trải dài cùng những mảnh vườn trồng cam xanh mướt...
Hàng ngày, ông đọc sách, tỉa hoa. Năm 2020, ông xuống tận Cà Mau dự lễ khánh thành “Bia kỷ niệm Nhiếp ảnh - Điện ảnh Tây Nam bộ”; sang Sa Đéc chụp cảnh xuân… Dù trong người đang ôm đủ thứ bệnh, lại đặt 2 stent, thường chỉ loanh quanh trong nhà, nhưng ông vẫn “say” nghề mãnh liệt. “Hết dịch, nhớ kêu tôi xuống Cà Mau chụp ảnh nha”, ông dặn khi chia tay.
Hôm nay, cảm thấy thời gian không còn nhiều, ông mãn nguyện truyền lại những gì ông có...
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gap-nguoi-cuoi-cung-cua-dien-anh-bung-bien-748802.html