Gặp người đồng đội đưa liệt sĩ Vũ Xuân về đất mẹ

13 năm sau khi loạt phim về Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Vũ Xuân của Báo Thái Nguyên với tên gọi 'Hành trình theo Nhật ký liệt sĩ Vũ Xuân' phát hành, tôi lại có dịp được gặp lại Đại tá Đỗ Hà Thái - người đã trực tiếp đưa liệt sĩ Vũ Xuân về với quê mẹ Thái Nguyên. Chính ông cũng là người lưu giữ, công bố cuốn nhật ký ghi dấu những tư tưởng, hành động của một lớp người không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Mỗi lần có dịp trở về Thái Nguyên, Đại tá Đỗ Hà Thái lại đến thăm phần mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim (T.P Thái Nguyên)

Dáng người tầm thước, khuôn mặt hiền từ nhưng vẫn có nét cương nghị của người lính Cụ Hồ, Đại tá Đỗ Hà Thái xúc động: Lần nào đến Thái Nguyên tôi cũng cảm giác như trở về chính quê hương mình. Cảm xúc đó không chỉ đến từ sự đón tiếp nồng hậu của bạn bè, người thân mà đến từ tình bạn, tình đồng đội của tôi với anh Tư Xuân (liệt sĩ Vũ Xuân). Với gia đình anh, tôi như người con, về đến Thái Nguyên là bao kỷ niệm chúng tôi một thời vào sinh ra tử bên nhau lại ùa về...

Năm 1967 từ quê nhà Bắc Giang, chàng thanh niên Đỗ Hà Thái lên đường nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trước đó, năm 1963, từ quê nhà Thái Nguyên, anh Vũ Văn Xuân - chàng thanh niên sinh ra và lớn lên tại tiểu khu Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Duyên phận tình cờ đã đưa hai người lính xa lạ thành tri kỷ để rồi sau này sát cánh, chiến đấu bên nhau.

Đại tá Đỗ Hà Thái chia sẻ: Năm 1969, chúng tôi gặp nhau khi cùng đi học chuyển loại binh chủng từ pháo binh sang đặc công. Tôi và anh Xuân nhanh chóng gắn bó với nhau bởi có điểm chung đều là cán bộ từ trong chiến trường đi học chuyển loại sĩ quan và sau này được nhận nhiệm vụ chung một đơn vị, chung một chiến trường. Đặc biệt, chúng tôi vẫn tự hào là có chung một lý tưởng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để góp phần nhỏ bé của mình thống nhất đất nước.

Vì làm quân lực nên tôi với anh Xuân thường xuyên được gặp, động viên nhau. Mỗi trận chiến đấu của Tiểu đoàn 2311, đôi đều theo sát diễn biến. Trong trận quyết chiến tiêu diệt đồn Kênh 2 của địch tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, sáng ngày 13/5/1974, tôi bàng hoàng nghe tin anh Xuân không còn nữa. Sau này, nghe đồng đội kể lại, anh Xuân đã anh dũng hy sinh khi dùng súng B40 tiêu diệt đồn thù. Sự ra đi đầy quả cảm của anh đã để lại sự khâm phục, niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng đội, đồng bào nơi anh đóng quân và gia đình, bạn bè, người thân.

Sau khi đất nước đã hòa bình, tôi về thăm nhà anh Vũ Xuân thấy được sự mong mỏi của người mẹ liệt sĩ. Tôi thấy trách nhiệm của những người còn sống và được hưởng nền độc lập như tôi là phải góp phần làm vơi bớt nỗi đau của mẹ. Năm 1980, tôi đã trở lại nơi anh Vũ Xuân hy sinh và đưa xương cốt của anh về với quê hương Thái Nguyên.

Đại tá Đỗ Hà Thái cũng chính là người lưu giữ và đưa cuốn nhật ký ghi lại hành trình tham gia quân ngũ của Vũ Xuân đến với Nhà Xuất bản Quân đội để rồi sau đó cuốn nhật ký này lan tỏa, rung động trái tim bạn đọc cả nước. Ông nhớ lại: Trước khi hy sinh một thời gian, anh Xuân có đưa tôi cuốn nhật ký nhờ giữ hộ. Tôi cũng chả ngờ rằng đó lại là kỷ vật cuối cùng của anh.

Cuốn nhật ký Vũ Xuân ghi dấu những tư tưởng, hành động của một lớp người không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Những câu nói của người chiến sĩ Cộng sản Vũ Xuân ghi trong nhật ký có thể coi như là phương châm hành động của nhiều lớp người: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước” “Thế hệ chúng tôi có trách nhiệm bàn giao nguyên vẹn giang sơn gấm vóc tươi đẹp này cho thế hệ tiếp theo”.

Sau ngày giải phóng đất nước, Đại tá Đỗ Hà Thái về công tác tại Quân khu 9 cho đến khi nghỉ hưu. Ông năm nay đã ngoài 70 tuổi và hiện đang sinh sống với gia đình tại T.P Cần Thơ. Chia sẻ về cuộc sống, ông cho biết: Tôi vẫn luôn tâm niệm mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh Xuân và nhiều đồng đội khác đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Hưng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/gap-nguoi-dong-doi-dua-liet-si-vu-xuan-ve-dat-me-272443-85.html