Gặp người nổ phát súng đầu tiên phá 'tường lửa' Rạch Chiếc năm 1975

50 năm trước, với 50 kg vũ khí buộc quanh mình, đặc công Nguyễn Đức Thọ ngụp lặn tới cầu Rạch Chiếc, nổ phát B40 đầu tiên vào 'tường lửa' - phá nút thắt cuối cùng.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, lính đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 là nhân chứng hiếm hoi cuối cùng của lực lượng đặc công nước, cũng chính là người nổ phát súng đầu tiên phá "tường lửa" Rạch Chiếc năm 1975.

“Tường lửa” Rạch Chiếc - nút thắt cuối cùng

Ngược dòng ký ức, người cựu binh năm xưa kể, năm 1972, khi vừa tròn 17 - ông quyết định rời Thanh Hóa lên đường nhập ngũ, vào đơn vị đặc công nước. Sau Hiệp định Paris 1973, bộ đội đặc công nước được chuyển hướng đào tạo cho trận đánh cuối cùng, giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, lính đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316.

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, lính đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316.

Đầu năm 1975, tình hình chiến sự rất cam go, quân Việt Nam Cộng hòa bủa vây rộng khắp. Các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh đã đánh chiếm. Chiến trường Đông Nam Bộ cũng đã rục rịch chuẩn bị. Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 của ông được giao nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Hải quân địch.

Sau khi thất bại tại Xuân Lộc (Đồng Nai) vào tháng 4/1975, quân Việt Nam Cộng hòa bắt đầu co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc bấy giờ, cầu Rạch Chiếc là một trong 4 cụm phòng ngự trọng yếu của họ trên tuyến xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (Đồng Nai).

Thời điểm đó, riêng lực lượng canh giữ thường trực của địch ở cầu Rạch Chiếc đã lên tới 400 lính, được trang bị súng chống tăng, phóng lựu, súng cối 60 ly. Hai đầu cầu có 4 lô cốt kiên cố, mép sông có nhiều bốt gác, bãi mìn. Dưới gầm cầu có hai khối thuốc nổ lớn, được chuẩn bị sẵn để chờ lệnh phá hủy cầu.

Với sự chi viện này, chính quyền Sài Gòn "vỗ ngực" khẳng định cầu Rạch Chiếc là "bức tường lửa" quân ta không thể vượt qua.

"Không chỉ là canh giữ, chính quyền Sài Gòn lúc đó thậm chí sẵn sàng cho nổ sập cầu. Lý do cầu Rạch Chiếc là cửa ngõ phía Đông, chính là nút thắt cuối cùng đưa cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn", cựu đặc công Nguyễn Đức Thọ nhớ lại.

Chính vì vậy, sau khi trinh sát và nắm bắt được tình thế, ngày 25/4/1975, Bộ Tư lệnh đổi hướng ra lệnh quân ta chiếm giữ cầu Rạch Chiếc, bằng mọi cách không được để chính quyền Sài Gòn đánh sập cầu. Để chiếm được cầu, tất cả đơn vị gồm đại đội đặc công nước và tiểu đoàn đặc công cạn của Lữ đoàn 316 đều tham gia.

Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội đánh trận Rạch Chiếc. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội đánh trận Rạch Chiếc. (Ảnh tư liệu)

"Lực lượng đặc công chúng tôi hầu hết chỉ được dạy cách phá cầu, ngăn quân địch tấn công. Tuy nhiên lần đó, chúng tôi được lệnh bảo vệ cầu nên trong mỗi người đều mang một tinh thần chiến đấu rất khác, bừng bừng khí thế", cựu đặc công Nguyễn Đức Thọ nói.

Thống nhất ngày 27/4/1975 sẽ đánh chiếm cầu, rạng sáng 26/4, bộ đội ta bắt đầu đi nhận vũ khí. Đến tối cùng ngày, các đơn vị tập hợp, bàn bạc thống nhất chọn phương án đánh cường tập, dùng B40, B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ.

Mỗi bộ đội được trang bị súng AK, 16 quả thủ pháo, 2 lựu đạn. Riêng các chiến sĩ phụ trách bắn B40, B41 được trang bị thêm 10 quả đạn.

Khi ấy, quân Việt Nam Cộng hòa đã chặn mọi ngả đường. Ta muốn đưa đại pháo vào trung tâm thành phố chỉ có cách lặn dưới sông. Ông Thọ và đồng đội đặc công nước có nhiệm vụ bơi vận chuyển pháo, thuốc nổ vào trung tâm thành phố.

Phát súng đầu tiên

Nhận chỉ đạo, khuya 26/4/1975, từ cát cứ rừng dừa nước ấp Bình Trưng (nay thuộc địa phận TP Thủ Đức, TP.HCM), ông Thọ cùng đồng đội mỗi người mang theo 1 súng AK, 16 quả thủ pháo, 2 lựu đạn và 2 nắm cơm bơi về cầu Rạch Chiếc. Riêng các chiến sĩ phụ trách bắn B40, B41 được trang bị thêm 10 quả lựu đạn.

"Tôi được phân bắn khẩu B40 đầu tiên nên được trang bị thêm 10 quả lựu đạn, cộng hết vũ khí lại phải nặng hơn 50 kg. Đoạn từ căn cứ tới cầu Rạch Chiếc không xa, chỉ khoảng 1 cây số. Tuy nhiên, do vùng sông này ngày đó rất nhiều cá sấu nên chúng tôi phải tự sắp xếp hành trang thế nào để vừa tránh được địch trên cạn, vừa tránh được cả cá sấu dưới sông", cựu đặc công Nguyễn Đức Thọ kể.

Cá sấu hồi đó bắt nguồn từ rừng Sác tỏa ra rất thích ăn thịt người.

Ký ức trong trận chiến được ông lưu lại qua những trang sách.

Ký ức trong trận chiến được ông lưu lại qua những trang sách.

Sau hải trình ngụp lặn cùng 50kg vũ khí buộc quanh mình, khuya 26/4/1975, ông Thọ cùng đồng đội áp sát mục tiêu đúng theo kế hoạch. Tuy nhiên thời gian nổ súng còn quá dài nên phải trầm mình dưới nước, chờ đợi.

Đến 17h ngày 27/4/1975 - Đúng giờ G, lấy hết bình tĩnh, Trung úy Nguyễn Đức Thọ nổ phát B40 đầu tiên. Phát súng đầu tiên bị hụt mục tiêu do ông đứng dưới sình lầy, phía trước là hàng rào kẽm gai, sợ vướng đạn nên ông phải nâng cao nòng súng.

Bắn hụt, toàn thân ông bắt đầu đổ mồ hôi nhễ nhại vì lo lắng. Ông lo do bản thân mình làm không tốt gây ảnh hưởng cho cả đội. Quả không sai, sau khi phát hiện có quân mình áp sát, phía họ liền nhả đạn liên hồi.

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 sau trận Rạch Chiếc. (Ảnh tư liệu: Quang Thành - TTXVN)

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 sau trận Rạch Chiếc. (Ảnh tư liệu: Quang Thành - TTXVN)

"Thấy tình hình nguy hiểm, Thượng sĩ Trần Đình Lạc đứng bên cạnh hối tôi: “Bắn tiếp Thọ ơi!”. Nghe vậy, tôi liền lấy hết bình tĩnh và tập trung nổ phát thứ 2. Thật may, quả này trúng ngay góc, đổ tháp canh của địch.

Thấy đang có đà, chiến sĩ Lê Xuân Nguyệt tiếp tục thúc giục: “Chỗ nào nhá lửa thì táp một trái Thọ ơi!”. Vậy là thấy chỗ nào nhá lửa, có lô cốt chìm bắn ra đều bị chúng tôi dùng B40 tiêu diệt. Cầm khẩu B40 nã đạn vào phía họ, nhiều lô cốt bị tiêu diệt, cảm giác tội lỗi ở quả hụt thứ nhất của mình vơi bớt phần nào”, cựu đặc công Nguyễn Đức Thọ kể lại giờ phút sinh tử.

Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, đơn vị ông đã chiếm được cầu Rạch Chiếc. Phía họ không kịp phản ứng, bỏ chạy, một số bị quân ta bắt sống.

Nút thắt cuối cùng bị phá

Bị quân ta phản công dữ dội, sáng 28/4/1975, địch huy động toàn bộ lực lượng hơn 2.000 quân, xe tăng, tàu chiến, trực thăng và vũ khí hạng nặng quyết tử.

Phát hiện sử dụng đạn pháo không hiệu quả, bởi đây là vùng sình lầy, nước sâu, địch chuyển sang đạn pháo chụp nổ từ trên cao. Ngay sau đó, cầu Rạch Chiếc hứng “mưa pháo”.

Từ trường sĩ quan Thủ Đức, Nhơn Trạch, Sóng Thần. Trên không, trên sông, trên xa lộ… địch đồng loạt xả bom đạn vào cầu Rạch Chiếc.

"Hứng 'mưa pháo', rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh", nói đến đây, giọng ông run run.

Trước tình hình nguy cấp, đến 12h, Bộ Chỉ huy ra lệnh cho lực lượng đặc công phải rút qua sông, bảo toàn lực lượng.

Tới tối cùng ngày, lực lượng đặc công được lệnh tiếp tục quay lại đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Yêu cầu lần này là phải chiếm được cầu, không để sập cầu, phải mở đường cho các cánh quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Cựu binh Nguyễn Đức Thọ rải hoa, tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại cầu Rạch Chiếc.

Cựu binh Nguyễn Đức Thọ rải hoa, tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại cầu Rạch Chiếc.

Trong đêm, các chiến sĩ đặc công dùng súng chống tăng B40 và B41 diệt phần lớn xe tăng địch án ngữ hai đầu cầu. Một tổ được bố trí dùng thủy lôi chặn tàu địch dưới sông, sử dụng các lô cốt và công sự có sẵn của địch tạo thành lưới hỏa lực ngăn chặn từ xa không cho tiếp viện.

Nắm giữ được tình thế, trong ngày 29/4/1975, quân Việt Nam Cộng hòa phản kích 7 đợt thì đều bị ta đánh lui cả 7 lần.

5h ngày 30/4/1975, quân ta một lần nữa nổ súng tấn công vào cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc. Phía họ tháo chạy tán loạn, số khác đầu hàng.

Đến 7h, đại quân giải phóng của ta từ hướng Đông đi qua cầu Rạch Chiếc.

"Thấy Quân đoàn 2 của ta tiến tới chúng tôi ôm nhau nhảy mừng. Chúng tôi - chưa đầy 200 chiến sĩ - đã chiến đấu với hơn 2.000 quân địch, nhưng chúng ta đã thắng lợi. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch, mở thông cánh cửa cho đại quân giải phóng tiến vào Dinh Dộc Lập”, cựu đặc công Nguyễn Đức Thọ tự hào kể lại.

11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Thy Huệ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gap-nguoi-no-phat-sung-dau-tien-pha-tuong-lua-rach-chiec-nam-1975-ar928780.html