Gặp người viết nhạc trên sóng nước Tây Nam
Chỉ vài ngày sau khi đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức bắt đầu chuyến đi kết nối yêu thương giữa đất liền với các đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, 2 ca khúc lần lượt được ông hoàn thiện và thể hiện ngay trên tàu. Đó là bản tình ca, sự chờ đợi của những trái tim son sắt. Đó là hành trình sôi nổi mang sắc xuân hương tết đến với cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và Nhân dân nơi hải đảo, trên sóng nước Tây Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương chính là tác giả 2 ca khúc đó.
Báo Phú Yên phỏng vấn vị đại biểu khá đặc biệt trong đoàn công tác về 2 nhạc phẩm vừa ra đời trên hải trình này.
Những ca khúc “mang niềm tin son sắt của đất liền”
* Thưa ông, từ sự thôi thúc đặc biệt nào, ông sáng tác 2 ca khúc chỉ trong vài ngày trên sóng nước?
- Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, khi nhắc đến biển đảo bao giờ cũng dội lên cảm xúc, vì đó là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Được vinh dự tham gia đoàn công tác đi thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và Nhân dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tôi có những cảm xúc đặc biệt. Và tôi nghĩ rằng khi đến với các đảo, những người khác trong đoàn công tác: các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam, những nhà báo, cán bộ, chiến sĩ... cũng có nhiều cảm xúc.
Trong mùa gió chướng, những chiếc tàu của Hải quân vẫn đưa đoàn công tác, vẫn đưa quà tết đến các đảo tiền tiêu, đến tận các bờ cương vực của Tổ quốc. Điều đó càng thể hiện sự gắn kết của tình quân dân, của đất liền đối với biển đảo, và đặc biệt là niềm tin son sắt đối với những người lính, những lực lượng trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trong tôi có một chút năng khiếu về âm nhạc. Chính vì vậy, tôi đã sáng tác 2 ca khúc: Biển hát khúc tình yêu và Xuân về trên biển Tây Nam.
Biển hát khúc tình yêu được tôi ấp ủ từ khi được cử tham gia chuyến công tác và mượn ý thơ của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh. Tôi đã hoàn thiện và trình bày ca khúc này ngay trong đêm giao lưu văn nghệ đầu tiên trên tàu (tối 17/1, 2 ngày sau khi đoàn công tác khởi hành - PV). Ca khúc nói về niềm tin, sự chờ đợi của một người con gái có người yêu đang làm nhiệm vụ trên vùng biển. Và sự chờ đợi thủy chung đã được đền đáp bằng ngày trở về hạnh phúc.
Ý tưởng sáng tác ca khúc thứ hai xuất hiện khi tôi nhìn thấy hình ảnh quà tết được chuyển xuống thuyền nhỏ để đưa lên các đảo, và tôi sáng tác ca khúc Xuân về trên biển Tây Nam. Ca khúc này nói lên sự vượt khó để đến với cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và Nhân dân trên những đảo tiền tiêu ở phía Tây Nam của Tổ quốc. “Biển Tây Nam giữa mùa gió chướng/ Những con tàu vẫn rẽ sóng ra khơi/ Biển vẫn hát những lời của sóng/ Sóng gối đầu lên chân đảo tiền tiêu/ Biển Tây Nam những ầm ào sóng gió/ Cánh mai, đào vẫn vượt sóng ra khơi/ Tàu mang tết đến tận bờ cương vực/ Mang niềm tin son sắt của đất liền...”.
Âm nhạc là cầu nối không giới hạn
* Từ cơ duyên nào, ông đến với âm nhạc và yêu thích âm nhạc?
- Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có cha là người có năng khiếu văn nghệ. Có lẽ tôi được thừa hưởng “gen văn nghệ” từ cha nên từ nhỏ tôi đã thích ca hát, đàn nhạc. Điều này được cha tôi cổ vũ, động viên. Cha tôi thường nói “Thay vì nhiễm những câu nói tục tĩu thì hãy học những lời bài hát, thay vì chơi những trò nghịch vô bổ thì đàn hát hát lên cho đời thêm vui”.
Năm tôi học lớp 10, thấy tôi ham mê đánh đàn, cụ đã bán đi một nửa số thóc của cả gia đình ăn trong nửa năm để mua cho tôi cây đàn guitar. Trong suốt thời gian học THPT, tôi đều được bầu làm lớp phó phụ trách văn nghệ. Học chuyên nghiệp cũng như đi công tác sau này, tôi luôn được cử phụ trách các hoạt động văn nghệ của lớp, cơ quan và tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, giao lưu, hội diễn… Có được niềm đam mê và được thỏa sức đàn hát, sáng tác nhạc như hôm nay, tôi vô cùng biết ơn người cha yêu kính của mình!
* Thật thú vị! Ca khúc đầu tiên của ông ra đời như thế nào, thưa ông?
- Một cơ duyên khiến tôi đi đến sáng tác nhạc là khi tôi học sư phạm, được học học phần về âm nhạc. Qua các tiết nhạc, tôi hiểu biết về nhạc lý cơ bản, cộng với chút ít năng khiếu văn chương nên tôi đã có ý định sáng tác nhạc. Nhưng do công việc và điều kiện nên những sáng tác đầu tiên của tôi chưa hoàn thiện và chưa được công bố.
Mãi đến năm 2000, tôi chính thức chuyển sang ngành tuyên giáo. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành, tôi đã mạnh dạn sáng tác ca khúc Hát về người cán bộ tuyên giáo. Ca khúc này đã được đăng trên tạp chí của ngành, tạp chí văn nghệ của địa phương và được đồng nghiệp nhiều địa phương trong cả nước sử dụng trong các hoạt động giao lưu, hội diễn văn nghệ của ngành.
Gần đây, có sự hỗ trợ của phần mềm soạn nhạc encore, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và tích cực sáng tác. Có thể nói, từ tháng 7/2023 đến nay, tôi đã sáng tác được khá nhiều ca khúc, trong đó có một số bài tôi phổ thơ của các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và thơ của một số bạn bè đồng nghiệp.
* Được biết, ông đã sáng tác ca khúc về Phú Yên. Ông có thể chia sẻ về cảm hứng sáng tạo dẫn đến sự ra đời của ca khúc đó?
- Từ lâu, tôi đã biết về Phú Yên - tỉnh kết nghĩa với Hải Dương từ năm 1960. Tuy nhiên mãi đến năm 2005, trong một lần đi thực tế, lần đầu tiên tôi được đến thăm Phú Yên. Được đón tiếp nồng hậu như đón người thân trở về, được đi thăm các địa danh nổi tiếng, thưởng thức những sản vật đặc sắc của Phú Yên, tôi có những cảm xúc khó tả. Ngay trong chuyến đi đó, tôi sáng tác bài thơ Về thăm Phú Yên.
Bài thơ được đăng trên cuốn đặc san kỷ niệm 60 năm Hải Dương - Phú Yên do Hội Văn học Nghệ thuật hai tỉnh phối hợp xuất bản năm 2020. Bài thơ này là chất liệu chủ yếu, cùng với nhiều lần tiếp xúc với người Phú Yên, trải nghiệm trên mảnh đất Phú Yên, tôi đã sáng tác và hoàn thiện ca khúc Thương nhớ Phú Yên.
* Âm nhạc mang lại cho ông những gì, thưa ông?
- Âm nhạc chính là món ăn tinh thần, là cầu nối không giới hạn giữa con người với con người, không phân biệt vùng miền, quốc gia, dân tộc, giới tính, lứa tuổi… Âm nhạc giúp tôi thể hiện khả năng của mình. Qua âm nhạc, tôi được thỏa đam mê. Hơn thế, qua âm nhạc, tôi có thể giao lưu, gắn kết với nhiều người, có thêm những người bạn mới.
Cũng qua âm nhạc, tôi nhìn cuộc sống với những cung bậc cảm xúc, những giai điệu tươi vui khiến tôi lạc quan hơn, làm việc hiệu quả hơn, sống tình nghĩa hơn, yêu thiên nhiên con người, yêu quê hương, đất nước hơn. Âm nhạc với tôi như một phần tất yếu của cuộc sống.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Mạnh Thắng sinh năm 1966, quê ở xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, hiện sống cùng gia đình tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngành Ngữ Văn, sau đó tiếp tục học và có bằng cử nhân Kinh tế, thạc sĩ Quản lý xã hội...
YÊN LAN (thực hiện)
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/312949/gap-nguoi-viet-nhac-tren-song-nuoc-tay-nam.html