Gặp nhà báo Thái Duy - Tác giả của 'Sống như anh'
Dù còn nhỏ tuổi, song sự kiện anh Nguyễn Văn Trỗi, một chiến sỹ biệt động Sài Gòn hy sinh anh dũng bởi đạn thù ngày 15/10/1964 luôn trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi...
Trong hoạt động báo chí, tôi cũng đã đôi lần gặp nhà báo Thái Duy nhưng ít khi được trò chuyện với nhà báo gạo cội này... Năm 2019, ngày 5 tháng 7, chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi mất, lại tròn 55 năm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, tôi nẩy ra ý định đến thăm nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Đình Vân) người đã giúp cho chúng ta, bầu bạn với chúng ta hiểu về gương hy sinh, phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ qua văn học, báo chí.
Tác phẩm "Sống như anh" của chi tiêu ngọ ngằn là cẩm nang gối đầu giường về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhiều thế hệ thanh niên, là một phần quan trọng trong giáo trình học tập một thời... Cũng như "Đất nước đứng lên", "Hòn Đất", "Một chuyện chép ở bệnh viện", "Gia đình má Bẩy", "Người mẹ cầm súng"... "Sống như anh" như lời non sông thúc giục lớp lớp người ra trận đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương.
Theo giới thiệu của nhà báo Trần Lan Phương - Phó Tổng biên tập báo Bắc Kạn, cháu gọi nhà báo Trần Đình Vân là bác ruột, tôi đến số 8 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội... ngôi nhà nhỏ của nhà báo Thái Duy nằm sâu trong con ngõ nhỏ....
Ở tuổi 95, nhà báo Thái Duy còn rất minh mẫn, trò chuyện cởi mở, gần gũi. Ông bảo, 70 năm làm nghề báo, ông chỉ mỗi một "chức" đó là chức phóng viên, mà cũng chỉ ở tờ báo của Mặt trận. Bây giờ lương hưu 7,6 triệu đồng một tháng, bà xã tôi về với ông bà trước rồi, một mình thì cũng tạm đủ. Tờ báo Đại Đoàn Kết thì cơ quan cũ vẫn biếu, khát xem Tuổi trẻ hay Thanh Niên thì đọc ké ở sạp báo ngoài đầu ngõ. Ông tâm sự:
- Hôm chị Quyên mất, ông bệnh tim không ngồi tàu xe được, đành ngồi nhà "Khấn vọng" rồi hồi tưởng chuyện của 55 năm trước... Cũng như 55 năm ngày hy sinh của anh Trỗi, ông khấn, cầu cho sự hy sinh lẫm liệt của anh mãi mãi là tấm gương soi chung.
Năm 1964, tôi là phóng viên của báo Giải Phóng, Cơ quan của Ủy ban Mặt trận giải phóng Miền Nam, Tòa soạn đóng ở Tây Ninh. Sau khi anh Trỗi hy sinh, báo chí chế độ Sài Gòn đưa tin dồn dập về sự kiện này. Lúc đó tôi đang công tác ở Long An, chỉ cách Sài Gòn 30 cây số. Qua đó, chúng tôi biết sâu hơn về trận đánh không thành tại Cầu Công Lý tiêu diệt Bộ trưởng quốc phòng Mỹ; khí phách anh hùng của Nguyễn Văn Trỗi và hành động cao cả của du kích Thủ đô Caracas của Mặt trận giải phóng dân tộc Venezuela, bắt cóc trung tá Mỹ Smolen để chuộc anh Trỗi... Sau đó Mỹ phản bội và hèn hạ tử hình anh Trỗi vào lúc 10g50 phút ngày 15/10/1964 tại Khám Chí Hòa, Sài Gòn.
Trò chuyện với Nhà báo Thái Duy ( tên thật là Trần Đình Vân) tác giả của " Sống như anh"
Là nhà báo chiến trường, khi nghe câu chuyện ông và các đồng nghiệp đều nghĩ sẽ phải làm việc gì đó để tôn vinh sự quả cảm của anh Trỗi. Sau đó, ông được biết chị Phan Thị Quyên, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã được các chiến sỹ biệt động Sài Gòn đưa về căn cứ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và dự Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua miền Nam.
Ông tiếp cận, ban đầu viết bài báo có tiêu đề: "Những lần gặp gỡ cuối cùng của chị Quyên và anh Trỗi" đăng trên báo Giải Phóng. Nhưng ông nhận được chỉ thị cần phải có quyển sách về anh Trỗi, nên ông quyết định đi Củ Chi gặp các đồng chí cùng hoạt động, cùng ở tù với anh Trỗi để thêm tư liệu... Viết xong cuốn sách có tên "Những lần gặp gỡ cuối cùng" ông nhờ chuyển ra Hà Nội... Nhà báo Thái Duy nhớ lại: - Sau này tôi mới biết các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến cuốn sách. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt lại tên cho cuốn sách là "Sống như anh". Bác Hồ trong lời tựa cuốn sách đã viết "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập... "Chỉ khoảng 1 tháng sau khi gửi, anh em chúng tôi ở chiến trường đã được nghe đọc "Sống như anh" qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam...
Năm 1966 nhà báo Thái Duy được điều động ra Bắc công tác. Với chị Quyên, nhà báo còn gặp vài lần. Riêng anh Trỗi, một ngày sau giải phóng, ngày 1/5/1975, Nhà báo, nhà văn Thái Duy đã tìm đến và viếng mộ anh Trỗi tại quê ngoại của anh...
Trò chuyện với nhà báo, nhà văn Thái Duy về một con người anh hùng, một thời đại anh hùng đã qua nhưng không thể nào quên, có lúc tôi thấy ông trầm ngâm tư lự. Đúng thôi, kỷ niệm một thời để nhớ mà.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gap-nha-bao-thai-duy--tac-gia-cua-song-nhu-anh-post69443.html