Gặp nhà nghiên cứu 105 tuổi - 'cha đẻ' tên đường Hoàng Sa, Trường Sa ở TP.HCM

Ít ai ngờ rằng, 'cha đẻ' tên đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc bờ kênh Nhiêu Lộc là nhà nghiên cứu 105 tuổi, người đã chứng kiến bao sự chuyển giao của TP.HCM.

Con hẻm nhỏ trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP.HCM dẫn chúng tôi đến căn nhà tĩnh lặng của cụ Nguyễn Đình Tư. Trước mắt chúng tôi, cụ ông tuổi 105 ngồi bên bàn làm việc, xung quanh là chồng sách cao ngất với những trang được lật dở ngập mùi giấy cũ…

"Cha đẻ" của tên đường Hoàng Sa - Trường Sa

Trong căn phòng ngập sách báo cũ, cụ Nguyễn Đình Tư đưa chúng tôi quay về 50 năm trước - ngày Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất. Lúc này cụ đã là một nhà nghiên cứu, chứng kiến trọn vẹn khoảnh khắc lịch sử trọng đại của đất nước.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nhắc đến những năm tháng lịch sử ấy, ánh mắt của cụ ánh lên sự trăn trở. Cụ nhớ về những ngày đầu sau giải phóng, khi đất nước bắt đầu khôi phục và xây dựng lại từ đống tro tàn chiến tranh.

"Đó là một cột mốc lịch sử quan trọng, là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh dài đằng đẵng, là khởi đầu của một thời kỳ mới. Sài Gòn ngày đó không chỉ là một thành phố, mà là một biểu tượng của sự thay đổi, của những con người kiên cường vượt qua nghịch cảnh để tạo dựng lại mọi thứ từ đầu”, cụ trầm ngâm.

Những năm tháng đầu sau giải phóng, cả đất nước phải đối mặt với bao khó khăn. Cuộc sống của cụ Nguyễn Đình Tư trong những ngày tháng đó cũng không hề dễ dàng.

Không có việc làm, tiền bạc eo hẹp, để chạy ăn từng bữa, cụ phải bán hết sách vở quý giá mà mình đã tích lũy bao năm. Cụ mua bộ đồ nghề sửa xe đạp ra ngồi ở Cổng xe lửa số 7 vá xe cho khách qua đường. Vậy mà trong những ngày tháng vá xe lề đường, cụ đã hoàn thành 6 tập tiểu thuyết lịch sử "Loạn 12 sứ quân" - tác phẩm lớn về lịch sử dân tộc.

Khi các con tốt nghiệp đại học và đi làm, cụ giã từ hòm đồ nghề và chuyên tâm với công việc nghiên cứu lịch sử.

Trong thời gian này, cụ đã đóng góp cực kỳ quan trọng cho TP.HCM: Đề xuất đặt 1.000 tên đường mới sau giải phóng.

Sau khi đất nước thống nhất, nhiều con đường ở Sài Gòn được đổi tên, song tên các con đường mới không được phổ biến rộng rãi khiến người dân loay hoay.

“Đổi tên đường làm mấy ông xích lô, ba gác chở khách không biết đường nào mà chạy. Do vậy, tôi nghĩ cần phải có quyển sách viết về các tên đường của TP.HCM để phục vụ dân chúng”, cụ Nguyễn Đình Tư nhớ lại.

Đường Trường Sa - Hoàng Sa chạy dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay.

Đường Trường Sa - Hoàng Sa chạy dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay.

Nghĩ là làm, mỗi ngày, trên chiếc xe đạp cũ, cụ rong ruổi hết mọi ngõ ngách các con đường nội thành, ghi chép lại từng nút giao, biển hiệu nổi bật. Sau nửa năm, khi nắm được sơ đồ đường, cụ liên hệ với các phòng văn hóa thông tin để xin tiểu sử nhân vật, hoặc vào thư viện tra cứu.

"Xong bản thảo, tôi tự đánh máy, rồi in thành cuốn tập. Lúc đó là tôi đã đặt được 700 tên đường rồi, nhiều tên đường để số vì chưa tìm được nhân vật. Xong xuôi, tôi đưa cho cụ Nguyễn Đình Đầu. Cụ ấy khen lắm. Năm 1994, Nhà xuất bản TP.HCM nhận in bản đầu tiên với tên "Đường phố nội thành TP.HCM", cụ Nguyễn Đình Tư kể.

Sau khi cuốn sách xuất bản, cụ được Sở Văn hóa Thông tin mời vào Hội đồng đổi, đặt tên đường TP.HCM với vị trí Ủy viên thường trực thứ nhất. Tại đây, cụ có nhiệm vụ đề xuất tên đường mới để hội đồng thảo luận và thông qua.

Gần 7 năm làm thành viên hội đồng, cụ Nguyễn Đình Tư đã đề xuất đặt tên gần 1.000 con đường và hầu hết đều được sử dụng. Trong số đó, có tên đường Hoàng Sa - Trường Sa gắn với sự kiện lịch sử.

"Lúc tôi đang là thành viên hội đồng thì xảy ra vụ Trung Quốc chiếm đóng trái phép Gạc Ma ở Trường Sa. Ngay lúc đó, tôi đề xuất với hội đồng phải đặt ngay tên hai con đường dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam", cụ nhớ lại.

Nghe đề xuất, hội đồng lập tức hoan nghênh, UBND thành phố cũng ưng thuận, chấp nhận liền.

50 năm thống nhất đất nước

Có thể nói, cụ Nguyễn Đình Tư là chứng nhân thời kỳ chuyển giao. Cụ đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh lớn từ kháng chiến chống Pháp, đến chống Mỹ, rồi tới những năm tháng đất nước thống nhất. Sống qua một thế kỷ, cụ chứng kiến những thay đổi sâu sắc trong xã hội và con người Việt Nam.

Là người sống giữa sự chuyển giao của các thời kỳ lịch sử, sau 50 năm, cụ Nguyễn Đình Tư cho hay, bản thân cảm nhận rõ sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố và đất nước. Thành phố đã chuyển mình từ một Sài Gòn đầy dấu vết chiến tranh trở thành TP.HCM hiện đại, sôi động.

Đời sống người dân đủ đầy, các khu đô thị với những tòa nhà chọc trời, công trình hạ tầng bài bản là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự “thay da đổi thịt” dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Cụ Nguyễn Đình Tư và kho tàng lịch sử quý giá trong căn phòng nhỏ.

Cụ Nguyễn Đình Tư và kho tàng lịch sử quý giá trong căn phòng nhỏ.

"Dù đã phát triển rất nhanh, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng thành phố sẽ không quên đi những giá trị lịch sử, những ký ức mà chúng ta đã trải qua. Đó không chỉ là những cuộc đấu tranh, những hy sinh trong chiến tranh, mà còn là những bài học về tinh thần đoàn kết, về sự kiên cường của dân tộc ta”, cụ nói, giọng trầm đi.

Cụ cũng không quên nhấn mạnh rằng, sự phát triển của TP.HCM phải đi đôi với việc bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của thành phố.

"TP.HCM là thành phố của sự giao thoa giữa Đông và Tây, giữa các thế hệ, các nền văn hóa. Chúng ta phải giữ gìn những giá trị đó, để thế hệ mai sau không quên đi những gì chúng ta đã đấu tranh để có được...

Chúng ta đã đi qua những năm tháng khó khăn, đã vượt qua những thử thách lớn lao. Và giờ, chúng ta phải bước đi vững vàng, không quên quá khứ, nhưng cũng không dừng lại trước tương lai".

Trong mắt cụ Nguyễn Đình Tư, TP.HCM không chỉ là nơi chứng kiến những biến động lịch sử, mà còn là nơi mà từng bước đi, từng hành động của mỗi người đều có thể tạo nên dấu ấn, góp phần xây dựng một tương lai vững vàng.

Trong các công trình, bộ sách được thực hiện trong hàng chục năm viết sử của Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư, có nhiều công trình, bộ sách được trao các giải thưởng cao. Trong đó, bộ sách Đường phố nội thành TP.HCM được Hội Khoa học lịch sử TP.HCM trao giải Ba trong cuộc thi tìm hiểu 300 năm Sài Gòn - TP.HCM; giải Bạc Sách hay Việt Nam năm 2009... Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11, năm 2023 với công trình Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM dặm dài lịch sử.

Tại lễ trao giải thưởng Sách quốc gia năm 2024, cuốn Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020) (2 tập), tác giả Nguyễn Đình Tư (NXB Tổng hợp TP.HCM) giành giải A.

Tháng 3/2024, cụ Nguyễn Đình Tư vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Thy Huệ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gap-nha-nghien-cuu-105-tuoi-cha-de-ten-duong-hoang-sa-truong-sa-o-tp-hcm-ar934594.html