Gặp nhau trên đường hành quân

Tuy chiến tranh đã lùi xa và ký ức không còn vẹn nguyên nhưng mỗi khi có cơ hội gặp nhau, ông Dún và anh em của mình cùng ôn lại, kể cho con cháu nghe về những ngày tháng gian khó mà hào hùng.

Mỗi lần gặp nhau, ông Dún (bên phải) và anh cả Phùng Văn Lễnh lại ôn lại chuyện chiến trường năm xưa

Mỗi lần gặp nhau, ông Dún (bên phải) và anh cả Phùng Văn Lễnh lại ôn lại chuyện chiến trường năm xưa

Gia đình ông Phùng Văn Dún (sinh năm 1934) ở thôn Nam Thượng, xã An Thượng (TP Hải Dương) có 4 anh em ruột đều tham gia kháng chiến. Mặc dù xông pha ở những chiến trường ác liệt nhưng rất may mắn cả 4 anh em ông đều trở về đoàn tụ cùng gia đình sau ngày đất nước thống nhất.

Trong những năm tháng chiến đấu, kỷ niệm ông Dún nhớ nhất là trên đường hành quân vào Nam ông và người em út Phùng Văn Khau (sinh năm 1948) tình cờ gặp nhau trên đất Campuchia. Sau đó, cả 2 anh em cùng tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1965, ông Dún nhập ngũ làm lính thông tin ở Trung đoàn 14, Bộ Tư lệnh B3. Ba năm sau, ông Khau cũng tiếp bước vào Nam chiến đấu ở Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Bộ Tư lệnh B2. Theo lời ông Dún kể, cuối năm 1968, ông cùng đơn vị dừng chân ở một trạm đón tiếp trên đất Campuchia. Lúc này khoảng 3 giờ chiều, biết thông tin đơn vị bộ đội có người Hải Dương cũng dừng chân tại đây, ông rất vui. Ba năm đi chiến đấu, gặp được người cùng quê là cơ hội hiếm có để hỏi thăm tin tức quê nhà và nếu may mắn hơn thì gặp người cùng xã. Khi đơn vị này đến, ông Dún ra tận đường chào đón và hỏi thật to: "Có đồng chí nào ở Hải Dương không?". Tiếng rất nhiều người hô: "Có". Ông Dún với giọng phấn khởi hỏi tiếp: "Có ai ở Nam Sách quê tôi không?". Im ắng vài giây thì có tiếng đáp lại: "Có tôi đây". Ông Dún và người lính nhận quê ở Nam Sách vừa gặp nhau thì chàng trai trẻ ồ lên: "Có phải là anh Dún không? Em là Khau đây! Anh không nhận ra em à?".Quá bất ngờ, ông Dún trấn tĩnh lại nhìn ngắm người lính trẻ rồi hai anh em ôm chầm lấy nhau, vui mừng khôn xiết.

Cả hai ông có khoảng 30 phút để hỏi thăm tình hình gia đình, họ hàng, quê hương. Hết thời gian dừng chân, hai anh em bịn rịn chia tay để mỗi người theo đơn vị hành quân một ngả và không quên chúc nhau sức khỏe, chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công để đến ngày toàn thắng cùng đoàn tụ.

Từ năm 1968 đến đầu năm 1975, đơn vị của ông Dún lần lượt đóng quân ở tỉnh Kon Tum, rồi Gia Lai, Đắk Lắk. Do tuổi đã cao, ông Dún chỉ nhớ trận chiến cuối cùng mình tham gia là ở tỉnh Tiền Giang. Trưa 30.4, nghe tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, ông Dún và đồng đội hò reo. Sau đó, ông được chuyển sang Quân khu 9 làm nhiệm vụ trông giữ, giáo dục, cảm hóa những tù binh bị quân đội ta bắt hoặc địch đầu hàng.

Phục vụ ở Quân khu 9 được 2 năm, ông Dún xuất ngũ trở về công tác và sinh sống ở địa phương. Với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương. Năm 2018, ông được trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông vẫn nhớ như in kỷ niệm những ngày gian khó nơi chiến trường. "Lúc ở Kon Tum, một buổi tối đi kiểm tra đường dây thông tin, tôi bị cơn sốt rét hành hạ đã ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy thấy mình đang ở đơn vị. Đồng đội bảo, tôi bị ngất 1 ngày 1 đêm trong rừng", ông Dún kể.

Còn về phía người em, theo lời kể của ông Dún, sau ngày 2 anh em chia tay ở Campuchia, chàng lính trẻ Phùng Văn Khau cùng đơn vị hành quân và tham gia chiến đấu từ đất mũi Cà Mau đến Vĩnh Long. "Em tôi được giao nhiệm vụ chuyên dùng súng B40, B41 diệt xe tăng và chiến đấu rất dũng cảm, luôn ở tuyến đầu trong mỗi trận chiến. 8 năm chiến đấu thì 7 lần bị thương. Năm 1978, chú ấy xuất ngũ về quê. Sống ở nhà 4 năm, em tôi vào tỉnh Tiền Giang lấy vợ và sinh sống trong đó cho đến giờ".

Ngoài ông Dún và em út Phùng Văn Khau, người anh cả là ông Phùng Văn Lễnh (sinh năm 1931) tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1950 bị giặc bắt và giam ở nhà tù Phú Quốc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lễnh được thả và năm 1968 lại tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ác liệt. Người em thứ ba là Phùng Văn Núi, lính pháo binh phục vụ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch ở tỉnh Quảng Bình.

Tuy chiến tranh đã lùi xa và ký ức không còn vẹn nguyên nhưng mỗi khi có cơ hội gặp nhau, ông Dún và anh em của mình cùng ôn lại, kể cho con cháu nghe về những ngày tháng gian khó mà hào hùng.

DANH TRUNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/gap-nhau-tren-duong-hanh-quan-134839