Gặp rối vì mấy chữ 'thành khẩn' và 'ăn năn'
Bài: 'Thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là hai hay một?' trên Pháp Luật TP.HCM ngày 23-3, đang thu hút sự chú ý của bạn đọc vì nó không mới nhưng vẫn có hai cách hiểu khác nhau.
Theo đó VKSND TP quận Thốt Nốt đã kháng nghị bản án của TAND quận này đề nghị áp dụng quy định có lợi cho bị cáo theo Nghị quyết 109 của Quốc hội để coi thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là hai tình tiết giảm nhẹ. Từ đó Viện đề nghị tòa phúc thẩm áp dụng Điều 47 BLHS xử phạt bị cáo dưới khung hình phạt (bị cáo bị phạt 5 năm tù).
Nhưng HĐXX phúc thẩm bác kháng nghị cho rằng hiện chưa có quy định nào coi là hai tình tiết giảm nhẹ và thành khẩn là mức độ khác của ăn năn. Vì thế tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo 5 năm tù bằng mức khởi điểm của khung hình phạt là đúng…
Bỏ dấu phẩy, thêm từ hoặc vẫn rối
Theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 (đang bị tạm dừng thi hành) thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm: "Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải". Trong khi đó, điểm p khoản 1 Điều 47 BLHS hiện hành không có chữ “hoặc” mà chỉ có dấu phẩy ngăn cách hai cụm từ.
Như vậy nếu áp dụng BLHS hiện hành thì việc HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng nghị tuyên y án là đúng. Bởi thực tiễn xét xử nhiều thẩm phán chỉ coi là một tình tiết. Quá trình thi hành BLHS 1999 cũng chưa có hướng dẫn chính thức nào nói phải coi đây là hai tình tiết giảm nhẹ.
Việc thêm từ “hoặc” vào quy định trong BLHS 2015 đã khiến nhiều người hiểu đây là hai tình tiết giảm nhẹ. Chẳng hạn như ý kiến VKSND quận Thốt Nốt trong vụ này đã thể hiện trong bản kháng nghị. Vấn đề là ngay cả khi có có chữ “hoặc” thì quy định vẫn gây tranh cãi bởi hai yếu tố này được cùng quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Khi bị cáo vừa thành khẩn khai báo, vừa ăn năn hối cải thì tòa phải hiểu thế nào?
Trong các tập huấn, hội thảo nghiệp vụ của ngành tòa án trước đây có ý cho rằng có thể được áp dụng là hai tình tiết giảm nhẹ, từ đó tòa mới có thể áp dụng Điều 60,47 BLHS... Thực tiễn xét xử một số tòa đã coi thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải là2 tình tiết giảm nhẹ tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS.
Ngược lại, nhiều chuyên gia pháp lý thậm chí là đại biểu Quốc hội cho rằng yếu tố ăn năn hối cải thường phải đi liền với thành khẩn khai báo, chúng không thể đứng độc lập. Do đó, nhà làm luật mới quy định chung trong một điểm. Vì thế không nên tách ra coi đây là hai tình tiết. Bằng chứng là điểm s khoản 1 Điều 51 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được chỉnh lý lại theo hướng bỏ chữ “hoặc” giữa hai cụm từ trên.
Không được coi là có lợi
Trở lại vụ án trên chúng tôi cho rằng phán quyết của TAND TP Cần Thơ là chính xác bởi BLHS hiện hành không có quy định. Kể cả khi áp dụng theo Nghị quyết 109 của Quốc hội (thi hành BLHS 2015) như kháng nghị của VKSND quận Thốt Nốt, thì tòa cũng không thể coi hai yếu tố trên là 2 tình tiết giảm nhẹ.
Tại số thứ tự 13, trong danh mục một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015 (Ban hành kèm theo Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13 tháng 9 năm 2016 của TAND Tối cao) không coi đây là tình tiết có lợi được áp dụng. Theo đó các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 không có điểm s mà chỉ có các điểm đ, o, p, x (Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng).
Mở quán nước để chứa mại dâm
Theo hồ sơ Nguyễn Đức Thắng (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mở quán nước tại nhà trước ngày bị bắt khoảng bốn tháng nhưng không bán liên tục. Nếu mở cửa quán thì Thắng trực tiếp hỏi khách có nhu cầu mua dâm không. Nếu khách đồng ý thì Thắng thỏa thuận giá cho một lần mua dâm từ 150.000 đến 200.000 đồng. Sau đó, Thắng gọi điện thoại cho gái bán dâm đến quán của mình để gặp khách.
Để thuận tiện cho việc tổ chức mại dâm, Thắng xây hai phòng ở phía sau nhà mình để làm nơi kín đáo. Mỗi lần bán dâm, gái bán dâm phải đưa lại tiền môi giới cho Thắng 70.000-80.000 đồng. Khoảng 19 giờ 30 ngày 22-9-2016, lực lượng chức năng quận Thốt Nốt kiểm tra đã bắt quả tang hai cặp nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm tại hai phòng phía sau quán. Thắng bị khởi tố, truy tố về tội chứa mại dâm theo khoản 2 Điều 254 BLHS (có khung hình phạt 5-15 năm tù). Ngày 28-2, TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm tuyên phạt thắng 5 năm tù và VKSND cùng cấp kháng nghị như trên...
Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/toa-khong-giam-an-cho-nguoi-ban-dam-la-dung-703840.html