Gấp rút bảo tồn nhà cổ cụ Vương Hồng Sển
Ngôi nhà cổ 100 năm của học giả Vương Hồng Sển ở quận Bình Thạnh, TP HCM được xếp hạng di tích cấp thành phố từ năm 2003
Giới nghiên cứu sử học và di sản cho rằng cần khẩn trương tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với tất cả công trình xây dựng trái quy định của Luật Di sản văn hóa, xâm hại nghiêm trọng cảnh quan di tích nhà cổ dân dụng truyền thống của cụ Vương Hồng Sển.
Tháng 3-2025 mới có thể cưỡng chế
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành di sản văn hóa TP HCM năm 2025, ông Phạm Văn Hoa, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Bình Thạnh, cho biết nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển tọa lạc tại số 11 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14. Theo Quyết định 54 ngày 17-2-2003 và Quyết định 40 ngày 5-8-2003, UBND TP HCM đã xác lập quyền sở hữu với nhà cổ này vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, từ khi xác lập quyền sở hữu nhà cổ này đến nay, UBND TP HCM chưa bàn giao cho Sở Văn hóa - Thể thao cũng như quận Bình Thạnh trực tiếp quản lý. Bởi lẽ, 20 năm qua, các đồng thừa kế của cụ Vương Hồng Sển liên tục khiếu kiện và TAND TP HCM cũng đã thụ lý.
Vừa qua, các đồng thừa kế này đã rút đơn. Trong 20 năm qua, các đồng thừa kế ở trong nhà cổ này đã cho một số hộ bên ngoài thuê. Một số hộ trong số đó đã xây cất trái phép. Năm 2015, UBND quận Bình Thạnh đã lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép, buộc tháo dỡ mái che sau nhà cổ. Ngày 23-8-2023 và ngày 2-9-2024, UBND quận Bình Thạnh ban hành 2 quyết định buộc khắc phục tình trạng ban đầu và cưỡng chế thực hiện khắc phục hậu quả, giao UBND phường 14 thực hiện. Sau quyết định của UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 14 đã thực hiện các bước tiến hành cưỡng chế theo quy định pháp luật.
"Khi UBND phường 14 thực hiện các bước cưỡng chế theo quy định thì gặp một số vấn đề pháp lý vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, chậm nhất là vào tháng 3-2025 mới có thể cưỡng chế" - ông Phạm Văn Hoa cho biết.
Di sản quý giá
Phòng Văn hóa - Thông tin quận Bình Thạnh cho biết kinh phí để thực hiện cưỡng chế - không tính nhân công, chỉ tính việc thuê phương tiện tháo dỡ - lên đến 285.453.000 đồng. Theo quy định pháp luật, khoản kinh phí này phải tiến hành đấu thầu trong thời gian 45 ngày. Việc đấu thầu cũng phải cấp kinh phí cho UBND phường tổ chức.
Thời điểm cuối năm 2024, quận Bình Thạnh cũng thực hiện tiến hành sáp nhập các phường theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, phường 14 sáp nhập với phường 24 thành một phường mới từ ngày 1-1-2025. Từ việc sáp nhập, lãnh đạo phường cũng thay đổi nhiều.
Trong năm 2024, phường 14 chưa tổ chức đấu thầu, nguồn kinh phí từ năm 2024 được chuyển sang năm 2025 và hiện chờ quận cấp lại. Sau khi được cấp kinh phí, phường sẽ tiến hành đấu thầu rồi cưỡng chế theo quy định tại nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho rằng nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển là một di sản quý giá, cần sớm có phương án bảo tồn để không mất đi một không gian cổ, chứa đựng nhiều ký ức và cung cấp cho giới nghiên cứu khảo cổ về kiến trúc, địa lý, văn hóa Nam Bộ xưa. Cụ Vương Hồng Sển là một nhà trí thức, một nhà văn hóa… Di sản của cụ để lại sẽ là một điểm du lịch văn hóa gắn với danh nhân vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, nay là TP HCM.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, nhìn nhận: "Đô thị hóa và phát triển kinh tế mà không chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thì sẽ mất đi những tài sản vô cùng quý giá của dân tộc. Một khi di sản đã mất đi thì sẽ khó thể khôi phục được".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gap-rut-bao-ton-nha-co-cu-vuong-hong-sen-196250119212221334.htm