Gấp rút di dời lưới điện, đẩy tiến độ cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh trước mùa mưa lũ

Tỉnh Hà Tĩnh đang hối thúc các đơn vị liên quan, các địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua khẩn trương di dời hệ thống hạ tầng điện lưới còn lại để các nhà thầu thi công trước mùa mưa lũ.

Hạ tầng điện lưới vẫn "án ngữ" tuyến chính

Ngày 29/7, theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT - Chủ đầu tư dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng), tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng tuyến chính dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cho chủ đầu tư để triển khai thi công.

Dự án Hàm Nghi - Vũng Áng đoạn qua địa phận huyện Thạch Hà do đơn vị Tự Lập thi công đã thảm bê tông được 3km trong tổng số 4km tuyến chính.

Dự án Hàm Nghi - Vũng Áng đoạn qua địa phận huyện Thạch Hà do đơn vị Tự Lập thi công đã thảm bê tông được 3km trong tổng số 4km tuyến chính.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, hạ tầng điện lưới vẫn còn án ngữ trên tuyến chính cũng như các tuyến đường kết nối. Cụ thể, tại vị trí thi công tuyến chính dự án thành phần Hàm Nghi – Vũng Áng đoạn qua địa phận xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh do Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thi công vẫn còn vướng một số điểm chưa thể thi công hạng mục móng và mặt đường.

Ông Nguyễn Quang Thức – Chỉ huy trưởng Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập cho biết, đơn vị đảm nhận thi công 4km tuyến chính, 6 hầm chui, 29 cống thoát nước và 3 cây cầu lớn.

Đến thời điểm này, nhờ thi công 3 ca, 4 kíp, huy động máy móc, nhân lực nên khối lượng của đơn vị hoàn thành khoảng 70%. Nếu thuận lợi, nhà thầu có thể hoàn thành tất cả các hạng mục bao gồm cả đường gom trước tháng 2/2025.

"Chúng tôi đã thảm được 3km tuyến chính trong tổng số gần 4km tuyến chính bê tông nhựa rỗng C25. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn có một số điểm chưa thể thi công do vướng đường điện lưới. Mong rằng địa phương bàn giao sớm để thi công đắp nền, móng mặt đường trước mùa mưa lũ năm nay", ông Thức nói.

Hiện, vẫn còn 1 số đường dây điện chưa di dời nên nhà thầu chưa thi công liền mạch.

Hiện, vẫn còn 1 số đường dây điện chưa di dời nên nhà thầu chưa thi công liền mạch.

Tương tự, cũng tại vị trí thi công tuyến đường kết nối quốc lộ 1A với nút giao Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên có chiều dài 3,2km do nhà thầu Thành Huy thi công vẫn chưa được thi công liền mạch do vướng hệ thống đường điện 110kV và 220kV.

Trên công địa, nhà thầu Thành Huy cơ bản đã đắp xong phần đất K95 đang chuẩn bị làm đất K98. Tại vị trí thi công cầu vượt sông Rào Cái, do vướng đường điện 110kV nên hệ thống giàn khoan cọc xi măng đất nằm im lìm từ nhiều tháng nay.

"Tuyến đường đi qua khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt vào mùa mưa, đơn vị mong muốn địa phương sớm di dời hệ thống điện lưới để thi công trước mùa mưa lũ năm nay. Thời gian tới, nếu không có công địa, nhà thầu buộc phải rút giàn máy khoan cọc xi măng đất đi vị trí khác không thể chờ thêm được nữa", đại diện nhà thầu Thành Huy cho hay.

Di dời hạ tầng điện trước mùa mưa lũ

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh, do đặc thù phức tạp của hệ thống lưới điện truyền tải cao thế nên tiến độ di dời đường dây 500kV và 220kV qua địa bàn vẫn chưa được như kỳ vọng. Vừa rồi, đơn vị đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành di dời hệ thống điện phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam.

Tuyến đường kết nối từ quốc lộ 1A đến nút giao Cẩm Quan, hệ thống cọc khoan xi măng đất nằm im lìm từ nhiều tháng nay do không có công địa.

Tuyến đường kết nối từ quốc lộ 1A đến nút giao Cẩm Quan, hệ thống cọc khoan xi măng đất nằm im lìm từ nhiều tháng nay do không có công địa.

Tính đến thời điểm này, huyện Kỳ Anh thi công đạt 15% điện lưới 500kV với việc xây dựng 4/4 vị trí móng cột, đang triển khai thi công, lắp đặt phần cột điện, đường dây; thị xã Kỳ Anh thi công đạt 20% khi xây dựng 2/3 vị trí móng cột, đang thi công phần móng cột còn lại.

Về lưới điện 220kV, huyện Thạch Hà thi công đạt 30%, huyện Đức Thọ đạt 45%, huyện Cẩm Xuyên đạt 72%, đang xây dựng phần cột điện, đường dây và thực hiện thủ tục đóng cắt điện.

Với lưới điện 110kV, huyện Đức Thọ đã hoàn thành di dời, huyện Cẩm Xuyên thi công đạt 82%, huyện Thạch Hà thi công đạt 80%.

Lưới điện hạ thế, trung thế, các địa phương Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh đã hoàn thành, đang thực hiện thủ tục chuyển lưới, đóng điện; huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà thi công đạt 95%, TP Hà Tĩnh thi công đạt 90%.

Dự kiến cuối năm nay, các phương tiện có thể đi lại trên tuyến chính dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dự kiến cuối năm nay, các phương tiện có thể đi lại trên tuyến chính dự án cao tốc Bắc - Nam.

Để phục vụ thi công dự án, Sở Công thương đề nghị các địa phương tập trung đôn đốc nhà thầu huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ di dời hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện 500kV, 220kV, 110kV.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Truyền tải điện Hà Tĩnh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh lập biện pháp thi công, biện pháp an toàn, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phục vụ công tác đóng, cắt điện, chuyển đấu nối, cũng như thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu.

Chủ động phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc lập lịch đóng/cắt điện, lập biện pháp đảm bảo an toàn thi công, nghiệm thu kỹ thuật; quá trình thực hiện tuân thủ các điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện theo quy định; rà soát, kiến nghị Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh có tổng chiều dài 102,38km với 3 dự án thành phần, gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng.

Khối lượng mặt bằng mà Hà Tĩnh cần bàn giao lên tới 912ha đất các loại với gần 9.500 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang để cất bốc 1.000 ngôi mộ và di dời nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.

Hà Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gap-rut-di-doi-luoi-dien-day-tien-do-cao-toc-bac-nam-qua-ha-tinh-truoc-mua-mua-lu-192240729235110015.htm