Gấp rút đưa kiều bào về nước
Khi chiến sự tại Ukraine trở nên ác liệt, một trong những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đảm an toàn tính mạng, bảo hộ hợp pháp công dân Việt Nam.
Với tinh thần khẩn trương nhất, chỉ sau thời gian ngắn chuẩn bị, trưa ngày 8.3, chuyến bay đầu tiên đưa 287 người Việt Nam được sơ tán từ vùng chiến sự của Ukraine đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội. Chuyến bay khởi hành từ Thủ đô Bucharest của Romania, do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí (Dự kiến chuyến bay thứ hai và thứ ba đưa những công dân về nước sẽ về tới Việt Nam vào các ngày 10 và 11.3).
Khó có thể dùng hết ngôn từ để diễn tả cảm xúc của người con đất Việt xa quê khi trở về quê hương, nhưng “cảm động” và “biết ơn” là tâm trạng chung của những người trên chuyến bay đầy ân tình ấy. Niềm vui trở về sau bao năm, lại trong hoàn cảnh đặc biệt này, có lẽ không chỉ còn là của riêng cá nhân và gia đình họ mà trở thành niềm vui chung của người dân Việt Nam khi hướng về đồng bào mình ở vùng chiến sự, nay đã trở về an toàn, dù cho đây mới chỉ là số ít công dân Việt tại Ukraine (Theo thống kê, có khoảng 7.000 người Việt Nam ở Ukraine. Tính đến 18 giờ ngày 7.3, đã có khoảng 3.500 công dân được sơ tán khỏi vùng chiến sự sang các nước lân cận).
Để có thể tổ chức nhanh chóng, kịp thời chuyến bay về nước cho bà con, phải khẳng định tinh thần nhân đạo, sự thống nhất từ chủ trương đến hành động, sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân. Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có yêu cầu về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine; chỉ đạo bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan; đồng thời xây dựng phương án sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp ngày 6.3 với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng cũng đã nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư là “không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương”; “không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh”; quan trọng nhất là “đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn”. "Tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay", "máu chảy ruột mềm", Chủ tịch nước nói và yêu cầu cần thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12.8.2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Chuyên cơ mang số hiệu VN88 đưa các kiều bào hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 8.3
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước láng giềng như Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia… sơ tán ngay bà con ở những vùng chiến sự ác liệt nhất. Các cơ quan đại diện Việt Nam cũng đã nỗ lực để có thể hỗ trợ thủ tục, giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh, các hội đoàn người Việt ở nước sở tại hỗ trợ phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời… cho bà con.
Trong những năm qua, công tác bảo hộ công dân luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi kiều bào ta ở nước ngoài, dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn luôn hướng về Tổ quốc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Những khi thiên tai như bão lũ, hạn hán, mất mùa xảy ra ở trong nước, đồng bào xa quê cũng luôn hướng về quê hương, ủng hộ, quyên góp, chia sẻ những khó khăn, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, dù cũng đang phải gánh chịu những tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, nhưng kiều bào ta ở nước ngoài vẫn hướng về nước, ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất. Nghĩa đồng bào vì thế ngày càng bền chặt, gắn bó.
Dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tối đa tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nêu rõ: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”. Luật Quốc tịch Việt Nam cũng quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó”.
Công tác bảo hộ công dân mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam thực hiện trong suốt thời gian qua đã khẳng định chủ trương nhất quán ấy. Chúng ta hẳn còn nhớ các chuyến bay giải cứu, đưa người lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước năm 2011. Chỉ trong thời gian ngắn, khi Chính phủ chỉ đạo lập cầu hàng không, đã sơ tán an toàn trên 3.000 công dân Việt Nam từ vùng chiến sự ở Libya trở về đoàn tụ cùng gia đình. Hay thời điểm tháng 2.2020, khi Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đang là tâm dịch COVID-19, thành phố bị phong tỏa, chúng ta cũng tổ chức chuyến bay giải cứu. Và bây giờ là việc thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam sơ tán từ vùng chiến sự ở Ukraine trở về.
Cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn lại càng thấy thắm đượm nghĩa đồng bào, truyền thống tương thân tương ái quý báu của người Việt. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những tấm lòng đùm bọc, sẻ chia là nguồn động viên to lớn với kiều bào ở xa quê hương, làm ấm lòng những người con xa quê. Đây cũng chính là sợi dây bền chặt kết nối kiều bào ta ở nước ngoài với Tổ quốc, khẳng định sự gắn bó máu thịt, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/gap-rut-dua-kieu-bao-ve-nuoc-197731