Gấp rút hỗ trợ nhóm đối tượng lao động việc làm bị ảnh hưởng do COVID-19

Sau khi hoàn thành chi trả hỗ trợ nhóm đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các địa phương trên toàn tỉnh Quảng Trị gấp rút triển khai hỗ trợ nhóm đối tượng hộ kinh doanh, người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (gọi chung là nhóm đối tượng lao động việc làm) gặp khó khăn do COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 Thị xã Quảng Trị là địa phương thực hiện việc chi trả hỗ trợ cho đối tượng lao đông việc làm sớm nhất. Ảnh: PLĐTXQT

Thị xã Quảng Trị là địa phương thực hiện việc chi trả hỗ trợ cho đối tượng lao đông việc làm sớm nhất. Ảnh: PLĐTXQT

Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phan Văn Linh cho biết đến nay, 9/10 huyện, thị xã, thành phố đã trình danh sách đề nghị hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng, gồm: Hộ kinh doanh, NLĐ bị ảnh hưởng COVID-19. Thị xã Quảng Trị là địa phương thực hiện việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng này sớm nhất và cơ bản hoàn thành công việc. Theo đó UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách cho thị xã Quảng Trị thực hiện chi trả 1 tháng hỗ trợ (1 triệu đồng/hộ) cho 16 hộ kinh doanh có khai thuế dưới 100 triệu đồng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và 713 đối tượng lao động tự do không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm (mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng/ tháng). Đối với 12 lao động bán vé xổ số lưu động mà thị xã đề xuất, sở đang đề nghị Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Trị rà soát, xác nhận.

Một địa phương làm khá tốt công việc này là huyện Cam Lộ. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, huyện rất khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, UBND các xã, phường, thị trấn tích cực rà soát, xác minh các nhóm đối tượng thụ hưởng với tinh thần công tâm, công khai, khách quan, minh bạch; hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục cho nhóm đối tượng theo Quyết định số 15/QĐ-TTg. Đến nay huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 1 hộ kinh doanh có khai thuế dưới 100 triệu đồng với mức hỗ trợ 1 triệu đồng và 34 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng). Hiện thủ tục chi hỗ trợ đang được tiến hành để kịp thời giải quyết phần nào khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát, xác minh các đối tượng còn lại theo quy định để sớm trình UBND tỉnh phê duyệt các đợt tiếp theo.

Còn tại TP. Đông Hà, theo Trưởng Phòng LĐ-TB&XH Võ Thị Thanh Thúy, thành phố có 2 nhóm đối tượng chính là lao động tự do, hộ kinh doanh. Qua đốc thúc các địa phương thực hiện khẩn trương, rà soát, thành phố đã nhận hồ sơ của khoảng 200 lao động tự do và hơn 1.800 hộ kinh doanh doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm bị ảnh hưởng vì COVID-19. Sau khi nhận hồ sơ, thành phố tiếp tục rà soát các đối tượng để đảm bảo tính chính xác cao nên hiện nay mới có hồ sơ 9 hộ kinh doanh và hơn 200 lao động tự do được trình lên cấp trên, trong đó đã được UBND tỉnh phê duyệt 198 NLĐ. Các địa bàn còn lại, thành phố đang thận trọng xử lý hồ sơ để đảm bảo độ chính xác và trung thực, khách quan. Với đối tượng là hộ tạm ngừng kinh doanh, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thuế khu vực Đông HàCam Lộ để thẩm định hồ sơ.

Tại huyện Vĩnh Linh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nguyễn Ái Tân cho biết các đối tượng lao động việc làm trên địa bàn huyện đã được tổng hợp danh sách đợt một chuyển vào Sở LĐ-TB&XH để trình UBND tỉnh phê duyệt cho 38 hộ kinh doanh, 7 trường họp bị chấm dứt hợp đồng lao động, 1.868 NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Hiện các xã đang đề nghị thêm 182 người.

Đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho gần 5.700 hộ kinh doanh và NLĐ bị ảnh hưởng COVID-19 với kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 5,7 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho hơn 1.000 đối tượng NLĐ, hộ kinh doanh với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Số đối tượng còn lại đang được UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt. Chủ trương của tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ đến đâu, các địa phương cần phải thực hiện chi trả kịp thời đến đó.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã họp các đơn vị liên ngành để rà soát, tham mưu bổ sung đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần được hỗ trợ ngoài Quyết định 15 là 25.684 lao động mất việc làm, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo văn bản giám sát số 104, ngày 23/6/2020 của UBMTTQVN tỉnh các đối tượng đó là thợ xây, thợ mộc, thợ hàn, sơn tít, cho thuê rạp cưới, âm thanh, bán hàng rong, thợ cắt tóc, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cụ thể, cố định; nhân viên dinh dưỡng trong các trường công lập, giáo viên hợp đồng trong các trường dân lập; thu gom rác, phế liệu, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống...

Một vấn đề rất băn khoăn của tỉnh là hỗ trợ cho đối tượng người sử dụng lao động (các chủ doanh nghiệp). Sở LĐ-TB&XH cho biết tính đến nay vẫn chưa có trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn trình UBND tỉnh phê duyệt. Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiên Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh cho biết, hiện tại toàn tỉnh có hơn 4 nghìn DN. Nhiều DN kỳ vọng được tham gia gói hỗ trợ vay trả lương cho NLĐ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15. Tuy nhiên, điều kiện vay vốn và quy trình thủ tục phức tạp là rào cản lớn cho DN trong việc tiếp cận gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng. Trong đó có hai vấn đề chủ yếu là điều kiện tiền lương và doanh thu. Cụ thể DN có từ 20% hoặc từ 30 NLĐ trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020. Doanh thu của DN đang gặp khó khăn, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc trong thời gian xảy ra COVID-19. Ông Sơn cho biết, dù phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh do COVID-19, các DN ở Quảng Trị vẫn cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ bằng hình thức giãn việc, làm xen kẽ hoặc trả một phần thu nhập để giữ chân NLĐ. Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh mong muốn Chính phủ mở rộng điều kiện vay vốn để DN phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh sau COVID-19.

Theo ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 là chính sách chưa có tiền lệ và mang tính nhân văn của Chính phủ. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục gấp rút thực hiện các bước thống kê, rà soát, lập danh sách và thẩm định các đối tượng lao động việc làm được hỗ trợ. Mặc dù công việc này rất phức tạp, cần nhiều thời gian nhưng các địa phương đang nỗ lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là tính tự giác, trung thực trong kê khai của các đối tượng được thụ hưởng.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149641