Gấp rút hoàn thành xây dựng, nâng cấp hàng loạt cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, tỉnh Lào Cai đã dành nguồn lực lớn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất y tế đồng bộ, sẵn sàng triển khai các kỹ thuật mới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Ba năm trở lại đây, Lào Cai đã đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng để xây dựng, nâng cấp hàng loạt cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 dự án đầu tư cơ sở vật chất được triển khai các tuyến từ tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực.

Tổng mức đầu tư của các dự án là 1.903,8 tỉ đồng gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng; Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương; Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai-giai đoạn 2; Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai; Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên....

Điển hình như Dự án mở rộng quy mô Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai lên 1.000 giường bệnh (xây mới khối nhà 9 tầng, diện tích sàn xây dựng trên 29.000m2 với tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng); xây mới nhà hợp khối các đơn vị tuyến tỉnh.

Tuyến huyện xây mới 6/9 bệnh viện với quy mô là 250 giường bệnh, tổng mức đầu tư mỗi công trình đều trên 200 tỉ đồng.

Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương có tổng mức đầu tư 219,722 tỷ đồng. Công trình gồm: Khối nhà ngoại trú, hành chính, dược, cấp cứu, kỹ thuật nghiệp vụ cao 5 tầng; khối nhà nội trú cao 7 tầng; các hạng mục phụ trợ như nhà chống nhiễm khuẩn, khoa dinh dưỡng, khoa truyền nhiễm, nhà tang lễ 1 tầng.

Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương có tổng mức đầu tư 219,722 tỷ đồng. Công trình gồm: Khối nhà ngoại trú, hành chính, dược, cấp cứu, kỹ thuật nghiệp vụ cao 5 tầng; khối nhà nội trú cao 7 tầng; các hạng mục phụ trợ như nhà chống nhiễm khuẩn, khoa dinh dưỡng, khoa truyền nhiễm, nhà tang lễ 1 tầng.

Các Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên đều đã xây xong phần cứng, hiện đang hoàn thiện, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025. Ngoài ra, Lào Cai còn đầu tư xây mới 6/9 trung tâm y tế các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà, Bát Xát Si Ma Cai.

Hiện, Lào Cai có 5 bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phục hồi chức năng và 5 trung tâm tuyến tỉnh. Đối với tuyến huyện, toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm y tế; 18 phòng khám đa khoa trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện; 152 trạm y tế xã, phường thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Dự án BVĐK huyện Bát Xát với tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư đang được gấp rút hoàn thiện.

Công trình khởi công vào năm 2023, với quy mô xây dựng gồm: khu nhà điều trị nội trú 7 tầng, nhà kỹ thuật nghiệp vụ và khám bệnh, khối nhà hành chính và trung tâm y tế, cùng các hạng mục phụ trợ khác.

Sau hơn 1 năm thi công, đến nay Dự án đã hoàn thành được hơn 80% khối lượng công việc, dự kiến, sẽ đưa công trình đi vào hoạt động trong quý I/2025. Tiếp đó là Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai với vốn đầu tư 140 tỉ đồng khởi công vào năm 2023 đã hoàn thiện một số hạng mục để đón tiếp bệnh nhân. Riêng Dự án BVĐK huyện Mường Khương với tổng vốn gần 220 tỉ đồng, quy mô 250 giường bệnh đã được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2024.

Ngoài ra, Dự án BVĐK tỉnh Lào Cai giai đoạn 2 với vốn đầu tư 250 tỉ đồng, BVĐK huyện Văn Bàn 200 tỉ đồng… cũng đang được đơn vị thi công tiến hành xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết: "Đây được coi là các hạng mục đầu tư quan trọng để nâng cao năng lực y tế cho tỉnh Lào Cai, giúp thực hiện tốt các mục tiêu y tế dân số, chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu. Từ đó từng bước đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đảm nhận chức năng bệnh viện vùng theo quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở đến năm 2030 mà Thủ trướng Chính phủ đã phê duyệt”.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, xây Bệnh viện Phục hồi chức năng giai đoạn II và thi công các hạng mục phụ trợ (xây kè, hàng rào) của Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nội tiết.

Đây được coi là các hạng mục đầu tư quan trọng để nâng cao năng lực y tế cho tuyến cơ sở, giúp thực hiện tốt các mục tiêu y tế dân số, chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao năng lực điều trị, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.

K. Cúc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gap-rut-hoan-thanh-xay-dung-nang-cap-hang-loat-co-so-y-te-tren-dia-ban-tinh-lao-cai-169241124175946538.htm