Gấp rút khống chế dịch trong trường học

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 629 cơ sở giáo dục, 251.115 học sinh. Trong đó có 13 trường nội trú, 152 trường bán trú, với 62.061 học sinh ăn, ở bán trú, nội trú. Đợt dịch diễn ra từ cuối tháng 10 đến ngày 7.11 đã có 62 trường học ở 9 huyện, thành phố xuất hiện các ca nhiễm Covid – 19. Trước nguy cơ lây lan dịch cao trong các trường học, Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Lâm Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình hình dịch bệnh, những phương án ứng phó, dập dịch trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm học sinh Trường tiểu học Trần Phú (TP Hà Giang) sàng lọc các ca nhiễm trong trường

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm học sinh Trường tiểu học Trần Phú (TP Hà Giang) sàng lọc các ca nhiễm trong trường

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu trường học xuất hiện ca nhiễm Covid -19, số lượng các ca nhiễm và tiếp xúc gần? Ngành đã có những phương án gì để dập dịch và phòng chống dịch lây lan trong trường học?

Đ/c Lâm Thế Hùng: Tính đến chiều 7.11, toàn tỉnh có 43 cán bộ giáo viên, 397 học sinh dương tính với Covid -19, trong đó có 272 trường hợp xét nghiệm PCR, 168 trường hợp test nhanh kháng nguyên; 8.028 trường hợp F1, 23.527 F2. Dịch đã xuất hiện ở 62 trường học ở 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm: Bắc Quang 2 trường (4 F0), Yên Minh 8 trường (73 F0), Vị Xuyên: 13 trường (85 F0), thành phố Hà Giang 23 trường (196 F0), Quản Bạ 3 trường (4 F0), Hoàng Su Phì 2 trường (2 F0), Quang Bình 1 trường (1 F0), Bắc Mê 2 trường (5 F0), Đồng Văn 1 trường (2 F0), 7 trường trực thuộc sở (65F0).

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Sủng Thài (huyện Yên Minh) được tổ chức lấy xét nghiệm nhanh khi trường xuất hiện F0

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Sủng Thài (huyện Yên Minh) được tổ chức lấy xét nghiệm nhanh khi trường xuất hiện F0

Trước thời điểm dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã thường xuyên bám sát diễn biến tình hình, triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của tỉnh và cơ quan y tế; chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục ứng phó với dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục. Đến khi xuất hiện các ca dịch bệnh tại một số địa bàn trong tỉnh, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch như: Thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương; tăng cường vệ sinh khử khuẩn khuôn viên trường lớp học; theo dõi sát tình hình sức khỏe cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; quán triệt thực hiện nghiêm thông điệp 5K; tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động, tự giác báo cáo những trường hợp có lịch sử tiếp xúc, di chuyển liên quan tới các trường hợp F0, F1, từ đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn tại địa phương để thực hiện các biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch.

Học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Sủng Thài (Yên Minh) được cách ly ngay tại trường khi trường có ca nhiễm Covid - 19

Học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Sủng Thài (Yên Minh) được cách ly ngay tại trường khi trường có ca nhiễm Covid - 19

Khi xuất hiện các ca F0 trong các cơ sở giáo dục, ngành triển khai ngay các nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất sớm khống chế các ổ dịch trong trường học như: Chỉ đạo các trường khẩn trương báo cáo, phối hợp với cơ quan chuyên môn trên địa bàn thực hiện cách ly y tế đối với các trường hợp F0, F1…; tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với các trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có liên quan; yêu cầu thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường, lớp học; tăng cường hoạt động tuyên truyền nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cán bộ, giáp viên và học sinh tuân thủ các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh; bình tĩnh, vững vàng tư tưởng, tâm lý, không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, dao động; không đăng tải, phát tán, chia sẻ những thông tin chưa được xác thực về diễn biến dịch Covid-19; chủ động trao đổi thông tin, phối hợp với chính quyền các địa phương quyết định cho một số cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động dạy học tập trung trực tiếp.

Khi dịch bệnh có hiện tượng lây lan trên diện rộng, ngành đã tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2263 ngày 1.11.2021 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên GDTX và GDNN trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 1.11.2021 đến ngày 13.11.2021 để phòng, chống dịch. Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, mặc dù chưa xuất hiện ca bệnh, nhưng Sở đã tham mưu quyết định để toàn bộ học sinh được tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại trường; tổ chức kiểm tra thực tế, chỉ đạo nhà trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của trường.

PV: Những ngày gần đây, nhiều hình ảnh và thông tin về tình hình dịch Covid -19 xảy ra trong các trường học của tỉnh được chia sẻ trên mạng thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân. Xin đồng chí cho biết ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục chỉ đạo thực hiện phương án cách ly như thế nào? Công tác chăm sóc học sinh các trường có ca nhiễm và cách ly y tế đang được thực hiện ra sao?

Đ/c Lâm Thế Hùng: Đối với phương án cách ly, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và ngành y tế, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác cách ly y tế. Triển khai thực hiện giãn cách tối đa giữa học sinh trong điều kiện có thể; thực hiện nghiêm túc, triệt để thông điệp 5K. Những học sinh test nhanh cho kết quả dương tính được chuyển sang địa điểm cách ly riêng; đối với học sinh có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính được chuyển sang khu cách ly tập trung theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Sử dụng tất cả các phòng học để giãn cách, cách ly học sinh, bố trí sắp xếp khu vệ sinh hợp lý thuận tiện cho việc cách ly; lập danh sách kèm thông tin liên lạc của các tổ chức, cá nhân đang thực hiện việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho bếp ăn tập thể của nhà trường, gửi các cơ quan chức năng biết để phối hợp theo dõi.

Cùng với đó tổ chức nấu ăn tại trường, thực hiện chia cơm theo suất, chia giờ ăn theo ca; tuân thủ nghiêm các quy định để hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm chéo. Đảm bảo chăn áo ấm, tăng cường dinh dưỡng cho bữa ăn học sinh thực hiện cách ly theo chế độ chính sách, định mức tiêu chuẩn học sinh bán trú; kết hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ chế độ ăn học sinh trong nguồn ngân sách Nhà nước cấp bổ sung cho khu vực phong tỏa và huy động các nhà hảo tâm. Các trường thực hiện cách ly đều có bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Yêu cầu cán bộ giáo viên tại trường thực hiện cách ly làm tốt công tác chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và ổn định tư tưởng, tâm lý cho các cháu khi thực hiện cách ly.

PV: Cần rút kinh nghiệm như thế nào trong công tác phòng, chống dịch đối với các trường học trong diễn biến dịch phức tạp hiện nay, nhất là ở các trường nội trú, bán trú?

Đ/c Lâm Thế Hùng: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở các đơn vị trường học, đặc biệt ở các trường học nội trú, bán trú, với đặc thù người học sinh hoạt, ăn, ở, học tập tập trung nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhanh, dễ lây lan dịch bệnh, các cơ sở giáo dục cần đặc biệt chủ động nắm bắt thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo cấp có thẩm quyền khi có diễn biến bất lợi để có phương án ứng phó kịp thời, phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương. Thường xuyên rà soát, bổ sung và thực hiện đầy đủ các kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tăng cường phối hợp với gia đình học sinh để nắm bắt và xử lý kịp thời những diễn biến bất thường về sức khỏe của học sinh. Chủ động, linh hoạt trong triển khai các hình thức dạy học, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Đối với các trường học nội trú, bán trú, trường có lớp bán trú, bên cạnh thực hiện các biện pháp nêu trên, cần tăng cường quản lý chặt chẽ khâu nuôi dưỡng chăm sóc, quản lý học sinh. Tăng cường vệ sinh khu vực ăn, ở, sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, thông thoáng; quản lý chặt chẽ quy trình cung cấp lương thực, thực phẩm và chế biến thức ăn...

Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Duy Tuấn (thực hiện)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202111/gap-rut-khong-che-dich-trong-truong-hoc-784082/