Gấp rút thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn.

Trẻ em đang cách ly y tế tập trung nhận quà. Ảnh: CTV

Trẻ em đang cách ly y tế tập trung nhận quà. Ảnh: CTV

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ (NQ68), có 12 nhóm chính sách được hỗ trợ. Trong đó, tập trung chủ yếu vào hai nhóm đối tượng NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng sâu do tác động của dịch COVID-19, chủ yếu là công nhân và NLĐ trực tiếp.

Hỗ trợ nhanh các đối tượng ưu tiên

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Binh cho biết: Cơ quan chức năng đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc rà soát, thẩm định hồ sơ chi trả cho các nhóm đối tượng được hỗ trợ theo NQ68. Mặc dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, xác định và công khai danh sách đối tượng ngay từ thôn, tổ dân phố và cơ sở, việc triển khai chính sách hỗ trợ đến các đối tượng được bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Trước mắt, thực hiện NQ68 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ23), tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ theo đề nghị của các đơn vị gồm 222 đối tượng với số tiền hơn 400 triệu đồng. Trong đó, ra quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 18 viên chức hoạt động nghệ thuật và NLĐ là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; 149 trường hợp là trẻ em đã thực hiện cách ly y tế tại các cơ sở y tế của huyện Tây Hòa, TX Sông Cầu và Công an tỉnh; hỗ trợ thêm cho 18 trẻ em khác. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã phê duyệt cho vay, giải ngân cho vay ngừng việc 5 doanh nghiệp, 248 lao động với số tiền hơn 850 triệu đồng. BHXH tỉnh giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.317 đơn vị, 25.862 lao động...

Tây Hòa là một trong hai địa phương đầu tiên của tỉnh nhận được quyết định thực hiện chi trả hỗ trợ theo NQ68 đến các F0, F1. Ông Đặng Nguyên Dương, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Hòa, cho biết: Trong đợt này, tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ kinh phí cho 5 F0 và 116 F1 của huyện đủ điều kiện; hỗ trợ thêm cho các trẻ em đang thực hiện cách ly y tế để điều trị COVID-19, mỗi trường hợp 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ gần 60 hộ kinh doanh đang tạm ngừng hoạt động; tiếp tục rà soát danh sách để trình UBND tỉnh phê duyệt đối với các lao động thuộc diện được hỗ trợ khác trên địa bàn. Trong tuần này, chúng tôi sẽ chi trả cho các đối tượng thụ hưởng theo các hình thức trả qua thẻ hoặc mời từng người lên cơ quan; cử cán bộ đến nhà người dân để thực hiện chi trả, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Còn ông Lê Bá Tự, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Hòa cho biết đợt đầu, huyện đã hoàn thành 10 hồ sơ cho các đối tượng F0, F1 và thẩm định xong hồ sơ 29 hộ kinh doanh trình UBND tỉnh phê duyệt.

“Chúng tôi biết rằng NLĐ, người dân gặp khó rất mong chờ vào sự hỗ trợ theo NQ68. Do vậy, ngay khi tỉnh ra quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí, chúng tôi nhanh chóng thông báo, triển khai việc chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng”, ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết thêm.

Tiếp tục thẩm định hồ sơ

Tính đến ngày 20/8, Sở LĐ-TB-XH đã thẩm tra hồ sơ, thủ tục của các địa phương, đơn vị, lập thủ tục trình UBND tỉnh 12 tờ trình. Tổng số người đề nghị hỗ trợ 372 người, số tiền hơn 1 tỉ đồng. Hiện nay, Sở LĐ-TB-XH tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định hồ sơ, lập thủ tục trình UBND tỉnh hỗ trợ 760 đối tượng. Riêng TP Tuy Hòa đã trình hồ sơ thẩm định hơn 2.570 đối tượng với số tiền gần 5 tỉ đồng. Huyện Đồng Xuân có 9 hồ sơ hộ kinh doanh gởi về tỉnh để thẩm định và huyện đang tiếp tục tổng hợp những trường hợp đủ điều kiện theo các nhóm đối tượng của NQ68 quy định. Còn tại huyện Phú Hòa, các cơ quan tiếp tục thẩm định 40 hồ sơ NLĐ trong đợt để trình UBND tỉnh phê duyệt; thẩm định 2 hồ sơ của Công ty Xây dựng Việt Ánh (xã Hòa Thắng) để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phê duyệt cho vay hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đồng thời thẩm định, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 104 đơn vị/742 lao động với số tiền hơn 170 triệu đồng. Ngoài ra, huyện Phú Hòa cũng đang tiếp tục kiểm tra, thẩm định 50 hồ sơ hỗ trợ cho nhóm đối tượng trẻ em và người đang điều trị COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1) để trình UBND tỉnh phê duyệt…

“Sự hỗ trợ kịp thời của NQ68 giúp giảm bớt gánh nặng và là động lực cho NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vượt qua khó khăn thời COVID-19”, ông Võ Văn Binh khẳng định như vậy và cho biết: Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 là một trong những vấn đề lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và ưu tiên trước hết trong giai đoạn này, để không có trường hợp người dân phải đói, thiếu ăn, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ngay từ những ngày đầu tháng 7, sở đã gửi công văn đến các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo NQ68. Các địa phương cũng đã triển khai các bước theo đúng quy trình. Trước mắt, sở cùng các địa phương tiếp tục thẩm định hồ sơ đủ điều kiện để trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt hỗ trợ, chi trả kịp thời cho các đối tượng.

“Hiện tại, các sở, ban ngành, địa phương toàn tỉnh đang tích cực phối hợp để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả NQ68; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho nhân dân, NLĐ. Việc hỗ trợ người dân theo NQ68 đang được thực hiện khẩn trương, quyết liệt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng”, ông Võ Văn Binh cho biết thêm.

12 nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68

1. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ.

4. Chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

5. Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc.

6. Chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động.

7. Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

8. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị mắc COVID-19 (F0), hỗ trợ F1.

9. Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

10. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

11. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

12. Chính sách đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác (Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương).

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/263036/gap-rut-thuc-hien-nghi-quyet-68-cua-chinh-phu.html