Gắp thành công đầu đạn nằm trong cơ thể một cựu chiến binh suốt hơn 60 năm

Ngày 3/7, BS.CKII Phạm Hồng Hà – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Quân y 7B/Cục hậu cần – Kỹ thuật/Quân khu 7 cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại chung của Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy đầu viên đạn nằm trong cơ thể bệnh nhân suốt hơn 60 năm.

Viên đạn nằm sâu trong hông đùi phải của cựu chiến binh.

Viên đạn nằm sâu trong hông đùi phải của cựu chiến binh.

Bệnh nhân là Ông Nguyễn Văn Được, quê ở Vĩnh Thuận, An Giang, 83 tuổi, nhập viện ngày 02/7/2025. Ông là cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu năm 1964 và trúng đạn vào sâu hông đùi phải. Do vị trí khó, kèm điều kiện y tế thời bấy giờ nên dù cố gắng hết sức nhưng các bác sĩ không thể lấy hết viên đạn ra khỏi cơ thể ông. Viên đạn vẫn còn kẹt lại ở hông đùi phải của ông hơn 60 năm qua và được ông xem như 1 phần cơ thể mình.

Viên đạn nằm sâu nhiều năm trong cơ thể gây khó khăn trong sinh hoạt.

Viên đạn nằm sâu nhiều năm trong cơ thể gây khó khăn trong sinh hoạt.

Mặc dù đi khám tại nhiều bệnh viện nhưng các bác sĩ đánh giá việc gắp viên đạn ra khỏi cơ thể bệnh nhân là không khả thi và việc phẫu thuật có thể xảy ra các biến chứng cho cơ thể gây liệt chi không đi lại được. Do đó, ông chấp nhận nó như là một phần của cơ thể mình và cũng phải chấp nhận những cơn đau hành hạ khi trái gió trở trời.

Hai tuần gần đây, ông Được thấy đau nhiều hơn, đi lại ngày càng khó khăn. Hơn nữa, vùng hông đùi phải có biểu hiện viêm nhiễm chảy mủ nhiều nên ông nhập viện với mong muốn giảm đau được chừng nào hay chừng đó…

Sau khi được thăm khám tỉ mỉ, đối chiếu và kiểm tra cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Ngoại chung đánh giá, viên đạn nằm mặt sau lưng hông phải, không cố định tại chỗ, chèn ép, viêm nhiễm tổ chức xung quanh. Tiến hành hội chẩn liên khoa cho thấy nhiều khó khăn nếu tiến hành phẫu thuật tìm và lấy viên đạn, vì nó nằm sâu trong các lớp cơ, nhất là vùng cơ mông dày khó định vị vì có thể di lệch khi xác định.

Ngoài ra, do viên đạn đã nằm rất lâu trong cơ thể bệnh nhân nên việc dính với các cấu trúc lân cận khiến cho việc bóc tách phức tạp hơn. Các bác sĩ đã thống nhất hướng điều trị tối ưu, thuận lợi nhất là sử dụng định vị bằng C-ARM, tìm kiếm qua các đường rò ở mông và đùi. Phương pháp này được xem là tối ưu vì dị vật cản quang và đường rò là định hướng.

Sau 60 phút phẩu thuật, các bác sỹ đã thực hiện ca mổ thành công đưa viên đạn ra ngoài.

Sau 60 phút phẩu thuật, các bác sỹ đã thực hiện ca mổ thành công đưa viên đạn ra ngoài.

Ngày 03/7/2025, ê kíp phẫu thuật do BS.CKII Nguyễn Thành Trung, Trưởng Khoa ngoại, tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Việc định vị được tiến hành tỉ mỉ, thận trọng vì chỉ cần lệch một chút viên đạn sẽ nằm ngoài phẫu trường, độ khó cuộc mổ sẽ thay đổi hơn rất nhiều lần … Các bác sĩ phải rạch da, dò từng chút một vào để tiếp cận đến tổn thương, rồi định vị bằng C-ARM, bóc tách và cầm máu. Sau khoảng 60 phút, ê kip mổ đã tiếp cận và lấy thành công đầu đạn ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Đầu đạn này vẫn sáng bóng và tương đối nguyên vẹn.

Đầu viên đạn vẫn nguyên vẹn dù nằm trong cơ thể cựu chiến binh hơn 60 năm.

Đầu viên đạn vẫn nguyên vẹn dù nằm trong cơ thể cựu chiến binh hơn 60 năm.

ít giờ sau khi mổ, triệu chứng của bệnh nhân bước đầu được cải thiện. Ông Được có thể vận động bình thường. Dự kiến ngày 10/7/2025 ông sẽ được ra viện.

Chúc mừng gia đình và kíp mổ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đây là ca mổ khó, nhưng với sự yêu nghề, và chuyên môn cao, ca mổ không chỉ là tình cảm của tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện để tri ân các chiến sĩ đã chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc mà còn là lời khẳng định về chất lượng và quyết tâm của Bệnh viện trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Chu Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/gap-thanh-cong-dau-dan-nam-trong-co-the-mot-cuu-chien-binh-suot-hon-60-nam-484711.html