Gặp thầy giáo 2 lần đạt giải cao cuộc thi viết về tấm gương người tốt, việc tốt
'Khi nhận thông báo và thể lệ cuộc thi thì tôi nhanh chóng lên ý tưởng đi tìm nhân vật. Bởi lẽ, đây là cuộc thi có sức lan tỏa rất lớn về những tấm gương người tốt, việc tốt' - thầy Trần Văn Toản chia sẻ.
Thầy Toản, giáo viên môn Văn đang công tác tại trường THPT Chuyên Quốc học Huế là một trong những tác giả đã đạt giải cao cuộc thi viết "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" năm học 2020 - 2021. Tác phẩm của thầy mang tên “Chuyện về người thầy … chưa một lần được đến trường”. Nhân vật trong bài là anh Nguyễn Hồng Cương (SN 1990), trú ở 15 Đoàn Thị Điểm, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp
Thầy Trần Văn Toản, là một trong những giáo viên kỳ cựu của trường THPT Chuyên Quốc học Huế. Với 24 năm công tác tại ngôi trường nổi tiếng bậc nhất xứ Huế, thầy Toản đã có rất nhiều đóng góp trong sự nghiệp trồng người tại ngôi trường này.
Thầy Toản kể, ban mới về trường THPT Chuyên Quốc học Huế vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên, sau một thời gian thầy bắt đầu thích nghi với môi trường nơi đây, đồng thời, hàng ngày thầy luôn cố gắng trau dồi thêm kiến thức cũng như các kỹ năng chuyên môn, học hỏi thêm từ các đồng nghiệp.
Sau 22 năm giảng dạy, thầy Toản được nhà trường giao giữ chức vụ tổ trưởng bộ môn Văn. Chia sẻ về cơ duyên với “nghiệp” viết lách, thầy Toản tâm sự, vốn là giáo viên dạy môn Văn nên thầy rất thích viết lách, ngay từ những năm đầu nhận công tác giảng dạy, thầy thường viết những bài về giáo dục cộng tác cho các tạp chí và báo để thỏa mãn niềm đam mê của mình cũng như có thêm thu nhập.
Thầy Toản cho biết, bản thân biết đến cuộc thi "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" là khi được lãnh đạo nhà trường cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thiên – Huế thông báo.
“Ngay sau khi nắm được thông tin của cuộc thi và thể lệ cuộc thi thì tôi liền lên ý tưởng đi tìm nhân vật, thông qua các em học sinh nên tôi có cơ duyên biết đến bạn Nguyễn Hồng Cương. Tôi nghe nhiều học sinh kể về về một người thầy chưa một ngày đến trường”, thầy Toản nói.
Theo thầy Toản, Cương rất nghị lực khi vượt lên hoàn cảnh để vươn lên như bây giờ. Trò chuyện với Cương, em ấy chia sẻ rằng, “ngày xưa khi đến tuổi đi học Cương gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển do chân của em không thể đi lại được”. Khi tiếp xúc, Cương là một người rất thông minh, lạc quan và nghị lực. Để đạt được những thành tựu như hôm nay Cương đã phải nỗ lực rất nhiều, ngoài ra em còn là một người có tính cẩn thận.
Qua buổi trò chuyện, thầy Toản nhận thấy Cương là một trong những nhân vật điển hình về tấm gương giàu nghị lực, nhiều người cần noi theo để vượt lên số phận. Chính vì những điều phi thường mà Cương làm được nên thầy quyết định chọn em làm nhân vật trong bài viết dự thi nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp về một con người mang nghị lực phi thường, bất chấp khó khăn, gian khổ để vượt lên số phận.
Hành trình lan tỏa điều tốt đẹp qua ngòi bút
“Ngay sau khi xác định được nhân vật thích hợp để viết bài, tôi liền đặt vấn đề với em. Thật may mắn, khi nghe tôi trao đổi về cuộc thi thì em Cương đồng ý”, thầy Toản nói.
Để có thể hoàn thiện bài viết, thầy Toản đã dành rất nhiều tâm huyết và thời gian để trò chuyện, trao đổi với Cương. "Tôi và Cương thường xuyên trao đổi thông tin qua tin nhắn, Email để tìm được sự thấu hiểu sâu sắc nhất trong nội tâm của Cương. Nếu cái gì chưa chính xác thì sẽ chỉnh lại. Viết xong, tôi đưa cho Cương đọc lại để chỉnh lại cho đúng” - thầy Toản cho biết.
Trong quá trình thu thập tư liệu về Cương, thầy Toản gặp khá nhiều khó khăn, bởi lẽ, khi trao đổi thông tin với Cương thì em nói và phát âm không rõ. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của bố mẹ em, thầy cũng đã thu thập đầy đủ những thông tin, tư liệu cần thiết về Cương.
“Tôi rất khâm phục nghị lực và tài năng của em ấy. Mặc dù cơ thể không được lành lặn như bao người khác nhưng Cương lại vượt lên tất cả. Em giỏi anh văn. Mỗi lần giảng dạy cho học sinh, Cương đều nhờ người trợ giảng. Cương phụ trách phần soạn giáo án, nhận dịch topic, dịch các luận án tiếng sĩ ra tiếng Anh. Hiện tại Cương đang dạy nhiều lớp tiếng Anh, nếu em nào gia đình hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được miễn phí học phí”, thầy Toản thông tin thêm.
Cũng theo thầy Toản, bài viết dự thi của thầy được hoàn thành sau khoảng 2 tháng. Thầy cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi tác phẩm của mình mang thông điệp về một tấm gương giàu nghị lực. Thầy rất mong bài thi sẽ được đưa đến công chúng, để nhiều người được biết về nghị lực quá phi thường của em Cương.
Thầy Toản nói thêm, trước đó, vào năm 2019, thầy cũng rất may mắn khi giành được giải nhất của cuộc thi này với bài dự thi mang tên “Người ươm mầm nhân ái”. Mới đây thầy rất vui và bất ngờ khi nhận được thông báo từ ban tổ chức cuộc thi tác phẩm của thầy nằm trong danh sách đạt giải. Qua cuộc thi này, thầy mong rằng, nhiều tấm gương tốt đẹp sẽ được lan tỏa rộng đến với tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Quốc học Huế cho biết, thầy Toản là một người thường xuyên tham gia các cuộc thi viết bài về người tốt việc tốt và từng đạt rất nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi viết.
“Về công tác giảng dạy, thầy Toản luôn hoàn thành nhiệm vụ cũng như được nhiều học sinh yêu mến. Hiện thầy Toản là người bồi dưỡng và đào tạo cho các em học sinh đi thi giỏi văn và đã có nhiều em đã đạt giải cao trong các cuộc thi cấp Quốc Gia”, ông Thọ nhấn mạnh.
Cuộc thi viết "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" năm học 2020 - 2021 là cuộc thi được Báo Giáo dục và Thời đại, phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức từ năm 2018.
Cuộc thi nhằm tuyên truyền về các tấm gương thầy giáo, cô giáo trên cả nước, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng đạo đức, lối sống văn hóa, sinh viên và học sinh toàn ngành. Được phát động từ tháng 5/2020, kết thúc vào tháng 02/2021, cuộc thi "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" đã nhận được hơn 8000 nghìn bài, đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Qua 4 năm, Cuộc thi luôn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên trên cả nước; thực hiện được mục đích sâu sắc là lan tỏa những tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục; truyền cảm hứng cho thầy trò nỗ lực phấn đấu làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.