Gặp vị tướng, bác sĩ thực hiện ghép đa tạng đầu tiên tại Việt Nam
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Phóng viên Báo Sức khỏe &Đời sống đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.
PGS.TS Hoàng Mạnh An vẫn luôn được nhiều người biết đến với tư cách là một bác sĩ hàng đầu trong ngành phẫu thuật ghép tạng ở nước ta.
Ước mơ ghép tạng đã được các nhà khoa học Việt Nam thai nghén từ trong những năm tháng còn khói lửa chiến tranh. Do điều kiện khó khăn của đất nước, ước mơ đó chưa thành hiện thực.
Ngày 04/6/1992, ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam được tiến hành tại Bệnh viện Quân y 103. Sau đó tháng 01 năm 2004, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện, đặc biệt ngày 17/6/2010 ca ghép tim đầu tiên trên người Việt Nam đã một lần nữa tiến hành thành công tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y, ghi tên Việt Nam vào bản đồ một số ít nước trên thế giới ghép tim trên người thành công.
Quyết tâm gắn với nghề y vì không muốn thấy đồng đội đau đớn khi bị thương
PV: Thưa Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An, ông có thể chia sẻ cơ duyên đến với ngành phẫu thuật ngoại khoa và ghép tạng?
Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An:
Tôi đến với ngành phẫu thuật ngoại khoa thật bất ngờ. Năm 1975, sau hơn 4 năm nhập ngũ, tôi được cử đi thi và trúng tuyển vào Trường Đại học Quân y (Học viện Quân y ngày nay), thay vì tiếp tục theo ngành thủy lợi từng học trước đó. Lượng kiến thức hoàn toàn mới mẻ nhiều lần đã khiến tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Nhưng với đặc điểm nghị lực của một người lính, nhất khi chứng kiến đồng chí, đồng đội của mình hằng ngày, hằng giờ phải chịu đau đớn vì thương tật, trái tim tôi như thắt lại. Điều ấy khiến ngọn lửa quyết tâm gắn bó với nghề y, phục vụ cứu chữa đồng đội trong tôi bừng cháy hơn bao giờ hết. Cái duyên với nghề y cũng chính thức bắt đầu từ đó và gắn chặt với tôi đến tận bây giờ.
PV: Vậy, ca mổ đầu tiên trong cuộc đời làm thầy thuốc là khi nào, thưa ông?
Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An:
Năm đầu tiên ở lại trường, tôi được điều lên thực tế ở biên giới phía Bắc, công tác tại bệnh xá tiền phương của sư đoàn 337, Quân đoàn 14. Đây thực sự là quãng thời gian thử thách, thương binh được đưa về từ biên giới những ngày này khá nhiều, thuốc men thiếu thốn, hầu hết những ca bị nặng bệnh xá sư đoàn phải chuyển về tuyến sau sang nhờ Bệnh viện Lạng Sơn. Cũng chính từ đây, tôi được trực tiếp thực hiện một ca mổ đầu tiên trong cuộc đời làm thầy thuốc.
Hôm ấy, đồng đội chuyển đến một người lính trẻ, bị trúng đạn gãy xương đùi. Một chút lúng túng, lo lắng, nhưng nhìn anh bộ đội trẻ quằn quại trong đau đớn vì vết thương, bất giác, hình ảnh hai người đồng đội thông tin hi sinh bên bờ sông Thạch Hãn năm nào lại hiện về. Tôi tự nhủ: "Mình phải quyết tâm làm thật tốt ca mổ đầu tiên. Đây sẽ là một dấu ấn trong cuộc đời thầy thuốc của mình".
Ca mổ thành công tốt đẹp với những thao tác xử lý nhanh chóng, chính xác, được các bác sĩ đàn anh ở Bệnh viện Lạng Sơn đánh giá rất cao. Từ đó, mỗi lần có thương binh nặng ở tuyến sau, tôi thường được Bệnh viện Lạng Sơn mời về tham gia mổ, giúp bệnh viện trong bối cảnh thiếu bác sĩ. Vừa học, vừa làm, tôi may mắn được các đàn anh như bác sĩ Mỡi, bác sĩ Tấn, bác sĩ Quân, Minh…tận tình giúp đỡ, tay nghề của tôi dần dần được lên cao.
Sau một năm phục vụ trên biên giới, tôi trở về Bệnh viện 103 với hành trang kinh nghiệm mổ xẻ đã "kha khá" cùng niềm say mê chữa bệnh cứu người, cứu đồng đội đã được "thắp lửa" từ chiến trường, càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu.
Có kinh nghiệm nên tôi mạnh dạn xin vào khoa ngoại, là nơi mà các y bác sĩ trẻ lúc bấy giờ thường "ngại" vì nó nhiều khó khăn, vất vả. Khoa ít người, được lãnh đạo khoa quan tâm nên tôi tuy trẻ nhưng được tham gia các ca đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Say nghề, yêu nghề cộng với tác phong gần gũi, chu đáo, nhanh nhẹn, tôi không chỉ bệnh nhân mà các bác sĩ, các thầy lớp đàn anh rất quý mến. Cứ có ca mổ là các thầy lại gọi: "An đi với tụi mình".
PV: Ông đến với chuyên ngành ghép tạng có điều gì đặc biệt?
Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An:
Đất nước những năm ấy còn xiết bao khó khăn, thiếu thốn, ngay cả các bệnh viện lớn như 103, việc áp dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào công tác điều trị hết sức chậm chạp. Với tư duy đổi mới, tôi chủ động tìm hiểu, tiếp cận kinh nghiệm, cách làm mới của nhiều bệnh viện khác và đề xuất với lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện áp dụng. Các đàn anh như thầy Khánh, thầy Hùng, thầy Nguyễn Long rất tin tưởng và ủng hộ. Năm 1985, tôi đã đoạt giải Nhì cuộc thi "Tuổi trẻ sáng tạo" Hà Nội với đề tài "Điều trị phẫu thuật bệnh trĩ bằng kỹ thuật mới".
Hoạt động tại khoa ngoại, luôn ham học hỏi, cầu tiến bộ nên tôi nhanh chóng làm chủ kỹ thuật mổ dạ dày, gan, mật, đại tràng…Sau 5 năm tốt nghiệp, tôi đã có thể thực hiện thành thạo kỹ thuật cắt dạ dày. Tôi nằm trong số bác sĩ trẻ luôn được các thầy tin tưởng giao những nhiệm vụ khó nên có tiến bộ nhanh như vậy.
Nhớ về ca ghép gan lịch sử ấy, chúng tôi đã phải nhiều lần làm thực nghiệm ghép gan trên…lợn. Nhiều con không sống được lâu, chỉ vài giờ đã…ra đi. Sau này tiến hành, mặc dù có sự giúp đỡ của giáo sư Nhật Bản nhưng chính sự thận trọng, nghiêm cẩn một cách chủ động của chúng tôi đã làm nên thành công. Phải tự mình làm chủ, không được chờ đợi vào ai khác.
Vào năm 2010, tôi tổ chức và tham gia thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam. 4 năm sau, năm 2014, tôi tiếp tục là Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu, ứng dụng ghép tụy-thận trên người" và cũng chính là người chủ trì, đảm nhiệm của ca mổ ghép tụy-thận đầu tiên tại Việt Nam.
Tâm nguyện và những trăn trở
PV: Có thể khẳng định chuyên ngành ghép tạng hiện đã đạt được những thành tựu đáng kể, chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đó. Thiếu tướng có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An:
Chúng ta có thể khẳng định chuyên ngành ghép tạng đã đạt được những thành tựu đáng kể, chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đó. Thành công của ghép tạng là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các nhà khoa học, đội ngũ y bác sĩ của các bệnh viện, các cơ sở y tế, quyết tâm cao của ngành y tế, sự nghiên cứu, học tập và chuẩn bị chu đáo, có sự đoàn kết hợp tác khoa học giữa các chuyên ngành và các cơ sở y tế trong nước, sự kết hợp quân dân y và sự hợp tác quốc tế.
Chúng ta mãi ghi nhớ công lao của những người mở đường: Cố GS.VS Tôn Thất Tùng, GS.TSKH Lê Thế Trung, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, GS.TS Phạm Gia Khánh, cố PGS.VS Tôn Thất Bách, GS Nguyễn Dương Quang, GS Đỗ Kim Sơn, PGS Nguyễn Văn Minh... và nhiều nhà khoa học khác, những người đã vạch nên đường đi, tổ chức, huấn luyện đội ngũ và làm nên những thành công đầu tiên của chuyên ngành ghép tạng.
Chúng ta cũng tự hào với đội ngũ các nhà khoa học hiện tại, đội ngũ thầy thuốc trẻ đã và đang nhiệt tâm cống hiến cho chuyên ngành ghép tạng. Sự nghiệp ghép tạng có được như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm, động viên của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chăm sóc, hỗ trợ to lớn của Bộ Y tế, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Quốc phòng và tấm lòng hào hiệp của bạn bè quốc tế.
Chúng ta cũng không quên sự đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả của nhiều công ty dược và vật tư y tế, đặc biệt là sự bảo đảm, hỗ trợ vô tư cho những ca ghép đầu tiên.
Đặc biệt, các thầy thuốc ghép tạng Việt Nam rất biết ơn những người bệnh tham gia ghép đầu tiên. Họ không chỉ là người bệnh, mà còn là những người anh hùng, góp phần làm nên một thành tựu mới của y tế Việt Nam.
Trong những năm tới, chuyên ngành ghép tạng cần phải được phát triển hơn nữa để đáp ứng với nhu cầu của bệnh nhân. Để cho chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam tiếp tục phát triển, mang lại cơ hội kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân suy tạng, chúng ta cần tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh các loại hình ghép tạng truyền thống, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và kết quả ghép tạng. Tích cực chuẩn bị cho lấy ghép đa tạng từ bệnh nhân chết não. Triển khai nghiên cứu ghép các mô, tạng khác.
Để thúc đẩy chuyên ngành ghép tạng tiếp tục phát triển, đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ; ngay từ bây giờ chúng ta cần phải tiếp tục có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của lĩnh vực ghép tạng. Đầu tư kinh phí đúng mức, mua sắm các máy móc, trang thiết bị, phương tiện, thuốc và vật tư tiêu hao đáp ứng yêu cầu của kỹ thuật ghép tạng. Xúc tiến và làm tốt việc chuẩn bị nguồn tạng hiến, đặc biệt là tạo nên dư luận tốt và sự ủng hộ việc người chết não hiến tạng, xây dựng quỹ hỗ trợ ghép tạng, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, làm tốt công tác truyền thông và vận động hiến tạng. Cần có sự phối hợp đồng bộ và sự chung tay góp sức nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân và cả sự đồng tình giúp đỡ của toàn xã hội.
Hy vọng và tin tưởng rằng, chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân mà trước hết là các bệnh nhân có chỉ định ghép tạng.