Gara ô tô quá tải sau những ngày mưa lớn

Sau một ngày mưa lớn kéo dài, các gara ô tô quá tải do nhiều ô tô gặp tình trạng chết máy, ngập nước đến sửa chữa, bảo dưỡng.

Gara quá tải xử lý xe ngập nước

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 24/7, các điểm sửa chữa, bảo dưỡng ô tô trên địa bàn Hà Nội chật kín xe vào xưởng. Trong đó phần lớn là xe ô tô ngập nước được đưa đến để sửa chữa, vệ sinh. Dù ở tình cảnh cấp bách nhưng nhiều xe phải xếp hàng chờ đến lượt.

Nhân viên bảo dưỡng của một gara thuộc quận Hà Đông cho biết, ngay đầu giờ sáng đã có nhiều khách hàng đưa xe tới sửa chữa.

Hầu như các xe đều bị ngập nước do trận mưa ngày 23/7. Đa số các trường hợp mới gặp tình trạng chết máy và nước tràn vào nội thất.

Nhiều xe ô tô xếp hàng đợi tới lượt sửa chữa, vệ sinh. Ảnh: Mạnh Hưng.

Nhiều xe ô tô xếp hàng đợi tới lượt sửa chữa, vệ sinh. Ảnh: Mạnh Hưng.

Anh Trung chủ gara này cho biết, các dịch vụ được khách hàng sử dụng nhiều chủ yếu là kiểm tra máy móc và vệ sinh nội thất cũng như sàn xe. Công việc này bao gồm tháo sàn, vệ sinh, xì khô, đảm bảo sàn không bị ngấm nước gây hỏng hóc.

Các chi tiết trên xe, đặc biệt là hệ thống điện cũng sẽ được kiểm tra kĩ, làm khô các dây dẫn, bảng mạch, áp dụng dung dịch chống rỉ sét.

Chi phí dự tính cho mỗi lần vệ sinh như vậy vào khoảng 2-3 triệu đồng, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Trường hợp không may chiếc xe bị hư hỏng về động cơ, hộp số thì con số này có thể lên tới chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng tùy thuộc vào loại xe.

Những hư hỏng thường gặp khi ô tô ngập nước

Sau khi ô tô đi vào vùng ngập nước và không may xảy ra tình trạng chết máy, tài xế cần tuyệt đối không được cố khởi động lại xe, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thủy kích.

Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào buồng đốt (xi-lanh) qua đường hút gió của động cơ làm xe chết máy đột ngột.

Lúc này pít-tông không thể chuyển động dọc theo xi-lanh do lực cản của nước, việc cố gắng khởi động lại xe sẽ tạo ra lực ép lớn lên các chi tiết này và gây hư hỏng hoàn toàn động cơ của xe.

Sau động cơ, hệ thống điện là thành phần tiếp theo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi bị ngâm nước hệ thống điện có thể bị chập cháy, gỉ sét các mối nối hay ảnh hưởng tới tín hiệu, các nút hay bộ điều khiển những trang bị như đèn, hệ thống giải trí, loa…

Tài xế cần lưu ý hạn chế đi qua những vùng ngập nước để tránh các sự cố ngoài ý muốn. Ảnh: Mạnh Hưng.

Tài xế cần lưu ý hạn chế đi qua những vùng ngập nước để tránh các sự cố ngoài ý muốn. Ảnh: Mạnh Hưng.

Ngoài ra, hiện tượng này cũng có thể làm hư hỏng nội thất và ngoại thất của xe. Các nỉ bọc sàn xe và đệm ghế có thể gặp tình trạng bị hư hỏng và nếu không xử lý triệt để sẽ gây ra nấm mốc và mùi khó chịu.

Để tránh xảy ra tình trạng ô tô bị ngập nước, tài xế cần lưu ý khả năng lội nước cũng như tránh đi qua những vùng ngập quá sâu.

Trong trường hợp đi qua vùng ngập nước, tài xế cần chú ý mực nước an toàn. Đối với xe gầm thấp, giới hạn lội nước an toàn là mực nước cao đến khoảng nửa bánh xe. Ở phân khúc gầm cao, khả năng lội nước sẽ tùy theo dòng xe có thể lội nước từ 500-800mm.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/gara-o-to-qua-tai-sau-nhung-ngay-mua-lon-192240724122932559.htm