Gạt bỏ cái tôi, dốc sức vì sự phát triển của thể thao Việt Nam
Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đoàn Thanh Tùng, Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) mong muốn sớm chấm dứt mâu thuẫn với tay vợt Lý Hoàng Nam để tập trung Đội tuyển quần vợt Việt Nam hướng tới chinh phục những mục tiêu mới.
Phóng viên (PV): Ông nghĩ gì khi bản thân và VTF bị chỉ trích thiếu quan tâm đến Đội tuyển quần vợt Việt Nam?
Ông Đoàn Thanh Tùng: Tôi không trách cứ ai khi họ đổ lỗi cho mình. Tôi không quá bận tâm và bỏ ra khỏi đầu cho nhẹ nhàng. Cá nhân Lý Hoàng Nam còn trẻ, suy nghĩ chưa thấu đáo nên tôi cũng không trách móc gì. Còn sai sót việc gì? Ai chịu trách nhiệm?... thì nên căn cứ vào các quy định của Nhà nước mà xem xét, kết luận.
PV: Vậy mâu thuẫn giữa ông và Lý Hoàng Nam xuất phát từ đâu?
Ông Đoàn Thanh Tùng: Sau khi Đội tuyển quần vợt Việt Nam thua Indonesia tại vòng play-off Davis Cup nhóm II thế giới năm 2023, câu lạc bộ Hải Đăng-Tây Ninh có văn bản xin rút huấn luyện viên, chuyên gia và vận động viên Lý Hoàng Nam khỏi Đội tuyển quần vợt Việt Nam, không tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 32) để tập trung cho mục tiêu Grand Slam. Ngoài ra, một số người cho rằng VTF không quan tâm đến Đội tuyển quần vợt Việt Nam khi Lý Hoàng Nam và đồng đội phải đi bộ từ khách sạn đến sân đấu; phải tạm ứng tiền túi để chi tiêu ăn uống, sinh hoạt trong thời gian thi đấu; chất lượng khách sạn không được bảo đảm; không có lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ...
Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, Đội tuyển quần vợt Việt Nam không trực thuộc VTF. Do vậy, việc đi lại, ăn, ở, tập luyện như thế nào là trách nhiệm quản lý của Tổng cục Thể dục thể thao. VTF là tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ về chuyên môn, vận động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho môn quần vợt. Trước ngày thi đấu, chúng tôi đã vận động tài trợ khi Tập đoàn Hanaka hứa thưởng 200 triệu đồng nếu Lý Hoàng Nam và đồng đội giành chiến thắng. Ngay cả khi đội tuyển Việt Nam thua trận, lãnh đạo Tập đoàn Hanaka và lãnh đạo Tập đoàn ốc đảo Fotika đã lì xì động viên tinh thần toàn đội và cá nhân tay vợt Lý Hoàng Nam với tổng số tiền gần 110 triệu đồng.
PV: Ông nghĩ sao về đề nghị được nhận lương 50 triệu đồng/tháng và 200 triệu đồng tiền thưởng mà Lý Hoàng Nam đề xuất để dự SEA Games 32?
Ông Đoàn Thanh Tùng: Chi phí đi thi đấu nước ngoài quanh năm để nâng cao thành tích cho một vận động viên quần vợt đỉnh cao thì 50 triệu đồng/tháng cũng là hợp lý. Còn tiền thưởng thì đã có quy định của Nhà nước. Nếu vận động được tài trợ thì VTF mới dám hứa, còn nếu không được thì khó lòng có thể đáp ứng được yêu cầu trên.
PV: Qua sự việc trên, cá nhân ông có mong muốn và đề xuất gì?
Ông Đoàn Thanh Tùng: Tôi muốn các bên liên quan sớm ngồi lại trao đổi, hạ bớt cái tôi và chấm dứt câu chuyện này để tập trung thành lập Đội tuyển quần vợt Việt Nam mạnh nhất tham dự SEA Games 32 và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 với sự có mặt của Lý Hoàng Nam. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, trình Chính phủ thay đổi chính sách đãi ngộ và chế độ đầu tư kinh phí cho các đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu phù hợp với mặt bằng kinh tế hiện nay. Ngoài ra, việc chuyển giao kinh phí và quản lý đội tuyển quốc gia cho các liên đoàn thể thao cần tính tới để tránh những bất cập trên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 15-2, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao bày tỏ: "Việc đôi co, chỉ trích nhau trên truyền thông là không hay. Tôi mong các bên liên quan sớm gặp mặt để thẳng thắn trao đổi, nêu tâm tư, nguyện vọng của nhau để tìm được tiếng nói chung. Tất cả nên vì mục tiêu phát triển quần vợt Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung".