Gạt tâm lý sợ thua, tuyển Việt Nam sẵn sàng đôi công với Oman?
Tuyển Việt Nam có thể chơi trận gặp Oman với tâm thế cởi mở hơn, sau những lời góp ý, phản biện mà thầy trò HLV Park Hang Seo phải nhận sau trận thua Trung Quốc.
Cuộc so tài với Oman lúc 23h đêm nay (12/10) là trận đấu đặc biệt với tuyển Việt Nam, không phải bởi bối cảnh (toàn thua 3 trận đầu), mà đây là lần hiếm hoi sau giai đoạn thành công, HLV Park Hang Seo cùng học trò đối diện với hoài nghi về đẳng cấp và thực lực.
Lời nhận xét HLV Park Hang Seo "lười làm mới" và "bảo thủ" của bầu Hiển đã khiến HLV người Hàn Quốc phật lòng. Ông nói rằng tuyển Việt Nam đã tiến bộ. Sự tiến bộ ấy sẽ thể hiện thế nào ở trận gặp Oman tối nay?
Tuyển Việt Nam từ bỏ sở trường?
Ở cả 3 trận thua đầu tiên, dễ thấy lối chơi chủ đạo của tuyển Việt Nam là phòng ngự phản công. Đây là lựa chọn hợp lý, bởi lối đá này đã gắn bó với thầy trò HLV Park Hang Seo suốt 4 năm.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương thì "yêu cầu HLV Park Hang Seo phải bỏ chơi phòng ngự phản công cũng như bảo HLV Pep Guardiola bỏ kiểm soát bóng, hay bảo Jurgen Klopp bỏ gegen-pressing". Mỗi HLV có một triết lý nền tảng. HLV Park Hang Seo đề cao sự an toàn. Đây là lối chơi phù hợp với thực lực của cầu thủ Việt Nam hiện tại.
Tuyển Việt Nam đã chơi tiến bộ ở 4 trận gần nhất với 5 bàn thắng. Ở trận gặp UAE, Việt Nam gỡ 2 bàn trong 10 phút cuối để thu hẹp cách biệt từ 0-3 xuống 2-3. Đến trận gặp Ả Rập Xê Út, tuyển Việt Nam còn có bàn dẫn trước do công của Nguyễn Quang Hải. Đây cũng là bàn thua duy nhất của Ả Rập Xê Út từ vòng loại ba tới nay.
Video: Quang Hải sút tung lưới Ả Rập Xê Út
Trận gặp Trung Quốc, tuyển Việt Nam cũng ghi 2 bàn trong 10 phút cuối và ở rất gần 1 điểm. Trận gặp Australia, các học trò của Park Hang Seo không ghi bàn, nhưng dứt điểm gấp đôi đối thủ và 2 cơ hội rõ ràng, cũng trong 10 phút cuối.
5 bàn thắng cho thấy khi HLV Park Hang Seo chấp nhận mạo hiểm, tuyển Việt Nam có thể làm nên chuyện. Chỉ khi bị đặt vào thế không còn đường nào khác ngoài tấn công, đội bóng áo đỏ mới thể hiện được khả năng làm bàn.
Như thế có nghĩa, tuyển Việt Nam có thể ghi nhiều bàn hơn nếu chơi tấn công ngay từ đầu? Bóng đá không có logic đó.
Tuyển Việt Nam làm rung lưới UAE 2 lần, nhưng đó là khi đối thủ chơi chậm lại, không còn nhu cầu tấn công. Khi đối thủ lùi về, tuyển Việt Nam có khoảng trống để dâng lên, phối hợp và ghi bàn. Tương tự là trận gặp Trung Quốc.
Ở trận gặp Ả Rập Xê Út, pha lập công của Quang Hải diễn ra khi đối thủ chưa kịp chỉnh đốn đội hình.
Tuyển Việt Nam có bàn thắng nhờ tấn công, nhưng là ở những thời điểm cụ thể, tấn công khi đối thủ chủ động lùi về. Đó không phải "đầu ra" của thế trận đôi công, hai bên ra đòn ăn miếng trả miếng nhau.
Một thế trận đôi công đòi hỏi nền tảng thể lực, phối hợp và nhuần nhuyễn của tập thể, kết hợp với sự xuất sắc của các cá nhân ở cả khâu luân chuyển bóng lẫn dứt điểm. Ở bảng này, chỉ có Australia, Nhật Bản và Ả Rập Xê Út là đủ mạnh để đá theo phong cách ấy.
Theo chuyên gia Steve Darby, Quang Hải cùng đồng đội cần tiếp tục chơi cẩn trọng, toan tính và thực dụng như trước đây, còn tấn công trước những đội hàng đầu châu Á là lựa chọn sai lầm.
4 năm trước, Thái Lan của HLV Kiatisak Senamuang thua tan nát ở vòng loại cuối, thua 24 bàn vì không biết lượng sức như thế.
Cần thêm mảng miếng tấn công
Nhưng nói vậy không có nghĩa, tuyển Việt Nam không có điều gì cần cải thiện. Giữ triết lý phòng ngự phản công, song khi có thời cơ tấn công, đội bóng của Park Hang Seo cần chơi đa dạng hơn.
Không thể chỉ có một "bài vở" là chờ đối thủ dâng lên rồi đáp trả, bởi mọi đội bóng đều nghiên cứu rất kỹ cách vận hành của tuyển Việt Nam. Cả 3 trận vừa qua, tuyển Việt Nam không thay đổi cách đá lẫn nhân sự: vẫn là 5-4-1 cùng một lối chơi lặp đi lặp lại như thế.
Đội hình tuyển Việt Nam dường như đã đạt ngưỡng về trình độ. Dù không muốn, nhưng phải thừa nhận khoảng cách giữa Việt Nam và các đối thủ sừng sỏ ở châu Á còn rất xa. Muốn vươn lên, tuyển Việt Nam cần thay đổi.
Những sự điều chỉnh có thể trả giá đắt, như trường hợp của Nguyễn Thanh Bình, nhưng cũng có thể mang lại hiệu quả như Hồ Tấn Tài hay Trần Minh Vương.
Khi một công thức độc nhất không còn phát huy tác dụng, đó là lúc đội tuyển cần điều chỉnh. Không cần chơi đôi công, nhưng phải có thêm mảng miếng tấn công, và sẵn sàng đẩy cao đội hình "đánh úp" khi đối thủ sơ hở.
Oman mạnh hơn Trung Quốc, nhưng không sắc sảo, nguy hiểm bằng Ả Rập Xê Út và Australia - những đối thủ tuyển Việt Nam đã chơi rất tốt. Đây là thời cơ để HLV Park Hang Seo điều chỉnh từng chút một, mạnh dạn tin tưởng vào những cầu thủ mới và tấn công nhiều hơn.
"Những quan điểm cho rằng HLV Park Hang Seo cần mạnh dạn hơn đều có lý. Mạnh dạn, quyết đoán là chờ đợi thời điểm, thấy đối phương hơi chùng xuống là đẩy lên, nhưng chỉ trong vài phút thôi, còn đôi công liên tục thì rất khó.
Đến lúc này, tuyển Việt Nam vẫn phát huy được nhiều khi chơi kiểu cửa dưới với các đội mạnh. Có thêm phương án cho hàng công, đội tuyển sẽ có thêm lựa chọn, miếng đánh cho từng thời điểm. Quan trọng là biết 'điểm huyệt' đối thủ đúng lúc", BLV Vũ Quang Huy nhận định.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/gat-tam-ly-so-thua-tuyen-viet-nam-san-sang-doi-cong-voi-oman-ar640972.html