Gấu hoang dã suy giảm nghiêm trọng trong 20 năm qua
Tổ chức Ðộng vật châu Á (Animals Asia), Tổ chức Bảo tồn gấu (Free The Bears), Trung tâm Môi trường và Phát triển nông thôn của Trường đại học Vinh vừa tiến hành một dự án khảo sát thực trạng và sự phân bố của loài gấu ở Việt Nam.
Kết quả khảo sát từ 22 khu bảo tồn cho thấy số lượng gấu suy giảm nghiêm trọng, không có khu bảo tồn nào được khảo sát có quần thể gấu khỏe mạnh. Ðây được coi là nghiên cứu đầu tiên trên diện quốc gia về phân bố gấu ở Việt Nam.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 4-2015 đến tháng 1-2016. Các nhà khoa học của Trường đại học Vinh đã phỏng vấn 1.441 cá nhân ở 106 làng gần với 22 khu vực bảo tồn. PGS, TS Cao Tiến Trung, Trưởng Khoa Sinh học, Trường đại học Vinh, phụ trách phỏng vấn trực tiếp người dân cho biết, 22 khu bảo tồn được lựa chọn làm địa điểm khảo sát trọng tâm, bao gồm 10 vườn quốc gia, 10 khu bảo tồn thiên nhiên, một khu bảo tồn thiên nhiên đang được đề xuất và một khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Các khu vực được lựa chọn bao phủ tổng diện tích 11,862 km2 và đại diện cho khoảng 50% số rừng đặc dụng của Việt Nam.
Tại mỗi khu vực bảo tồn, phần lớn người dân được hỏi đều cho biết họ nhìn thấy gấu trong rừng ít nhất một lần trong đời. Mặc dù có rất ít người cho rằng số lượng gấu còn nhiều, 77% số người được hỏi tin rằng gấu vẫn còn trong khu vực rừng địa phương. 98% số người được phỏng vấn cho rằng số lượng gấu đã giảm trong 10 năm vừa qua. Dữ liệu cho thấy số lượng gấu ngày một giảm và sự giảm sút này bắt đầu từ năm 1990 đến 2005. Thậm chí, một số người tin rằng gấu đã không còn ở địa phương nữa trong những năm từ 1995 đến 2005. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Chư Prông là những trường hợp ngoại lệ khi phần lớn người dân đều cho rằng không còn gấu nữa.
Trong số 98% số người được phỏng vấn cho rằng số lượng gấu giảm đi, phần đông ý kiến nhấn mạnh săn bắt và đặt bẫy là nguyên nhân hàng đầu. Ðiều này trùng hợp với thời điểm các trang trại nuôi gấu lấy mật mở rộng nhanh chóng ở Việt Nam. So sánh với một nghiên cứu khác năm 2006 cho thấy, từ năm 1999 đến năm 2005, số lượng gấu trong các trại nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam tăng hơn mười lần, từ khoảng 400 cá thể gấu lên tới hơn bốn nghìn cá thể, tăng khoảng 600 cá thể mỗi năm. Trong thời gian nói trên, tính cả số lượng gấu có thể chết tại trang trại cũng như số lượng chết trong quá trình săn bắt, ước tính có khoảng 1.000 cá thể gấu hoang dã bị bắt và giết mỗi năm để cung cấp cho các trang trại ở Việt Nam. Thêm vào đó là những cá thể bị buôn lậu qua đường biên giới hay những cá thể sống trong trang trại mà không được khai báo. Các cá thể gấu trong các trại gấu chủ yếu là gấu đen châu Á, hay còn gọi là gấu ngựa, thường xuyên bị chích hút mật đầy đau đớn và thiếu vệ sinh để làm thuốc y học cổ truyền. Ðây là bằng chứng cho thấy các trang trại nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam và sự tiếp cận công nghệ mới đã làm gia tăng áp lực săn bắt gấu ngoài hoang dã. Thực tế, hầu như ai cũng có thể tham gia săn bắt trộm gấu bởi nhu cầu tăng cao, luật pháp còn nhiều "kẽ hở" và lợi nhuận lớn.
Ông B.Cru-dơ, Trưởng Dự án và Quản lý chương trình nghiên cứu của Tổ chức Free the Bears phân tích, những hình ảnh từ bẫy ảnh đã xác định sự hiện diện của gấu ngựa châu Á ở một số địa điểm và bằng chứng về sự tồn tại của gấu cũng được khẳng định qua việc săn bắt chúng. Tuy nhiên, những cá thể gấu được phát hiện qua bẫy ảnh hoặc bị bắt bởi những kẻ săn trộm những năm vừa qua có thể là những cá thể cuối cùng còn sót lại của số lượng gấu vốn có ít hoặc không có khả năng phục hồi mà không có đầu tư trực tiếp vào bảo tồn. Kết quả khảo sát đã đóng góp thêm bằng chứng, chứng minh rằng việc nuôi nhốt gấu lấy mật không hề có giá trị bảo tồn đối với quần thể gấu hoang dã, nhiều khả năng còn góp phần làm tăng nhu cầu và đẩy mạnh nạn săn bắn gấu. Việt Nam nên tiếp tục củng cố các nỗ lực nhằm chấm dứt triệt để các trang trại nuôi gấu lấy mật. Số liệu gần đây nhất chỉ ra rằng vẫn còn khoảng 1.200 cá thể gấu trong các trang trại nuôi gấu lấy mật và các hộ gia đình ở Việt Nam. Nếu nghề nuôi gấu lấy mật vẫn còn tồn tại thì sức ép sẽ tiếp tục đặt lên số lượng gấu ngoài hoang dã. Nhằm đẩy nhanh việc loại bỏ việc nuôi gấu lấy mật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hợp tác cùng các đối tác phi chính phủ thực hiện một cuộc đánh giá sâu rộng và nhanh chóng những cơ sở hiện có để xác định chính xác số lượng gấu còn lại, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và nhu cầu chăm sóc thú y của chúng. Một chiến lược quản lý cần được triển khai càng sớm càng tốt nhằm tái định cư và chăm sóc dài hạn cho gấu ở những cơ sở cứu hộ. Các đơn vị cứu hộ cần được đầu tư hỗ trợ về mặt tài chính và chính quyền cần thiết để đón nhận gấu kịp thời.
Ông M.Hăn, Tổng Giám đốc điều hành của Tổ chức Free the Bears, đồng Chủ tịch Nhóm chuyên gia về gấu đen châu Á thuộc Nhóm chuyên gia gấu của Liên hiệp Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nhận định: "Lần đầu tiên, các kết quả khảo sát đã cho thấy rõ rằng việc nuôi nhốt gấu lấy mật là một bước đi sai lầm. Hy vọng duy nhất của chúng ta là quần thể gấu hoang dã vẫn còn khả năng tự phục hồi ở Việt Nam và các quốc gia còn tồn tại nạn nuôi nhốt gấu lấy mật khác sẽ rút kinh nghiệm, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật trước khi quá muộn".
Theo TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức động vật châu Á, gấu đang phải chịu bạo hành và khổ sở trong những chiếc lồng sắt tại các trại nuôi gấu. Sự tồn tại của ngành công nghiệp này không mang lại kết quả gì tốt đẹp trên cả phương diện phúc lợi và bảo tồn. Hiện nay số lượng gấu ngựa đã ít hơn trước đây rất nhiều. Việt Nam và các quốc gia châu Á cần rút ra bài học và phải quyết tâm bảo đảm tương lai cho các sinh vật này ngoài tự nhiên.