Gấu trúc ngoài ăn tre còn ăn gì? Sự thật bất ngờ về chế độ ăn thuần chay của loài gấu từng là động vật ăn thịt
Gấu trúc nổi tiếng với thói quen chỉ ăn tre, nhưng thực tế chúng có tổ tiên là loài ăn thịt và chưa hẳn đã phù hợp sinh học với chế độ ăn thực vật. Dù vậy, qua hàng triệu năm tiến hóa, loài vật này đã phát triển nhiều đặc điểm đặc biệt để thích nghi với lối sống thuần chay kỳ lạ của mình.
Với bộ lông đen trắng đặc trưng, hành vi chậm chạp và vẻ ngoài dễ thương, gấu trúc lớn (Ailuropoda melanoleuca) từ lâu đã được biết đến như biểu tượng của sự hiền lành và đáng yêu trong thế giới động vật. Tuy nhiên, đằng sau thói quen ăn tre nổi bật – một cá thể có thể tiêu thụ từ 26 đến 84 pound (12 đến 38 kg) tre mỗi ngày, dành tới 16 tiếng chỉ để gặm nhấm từng đoạn thân cây xơ xác – là câu chuyện tiến hóa phức tạp từ loài ăn thịt sang chế độ ăn gần như thuần chay.
Feng Li, nhà nghiên cứu tại Đại học Sư phạm Tây Trung Hoa, gọi gấu trúc là “máy nghiền tre di động” bởi mức độ tiêu thụ khủng khiếp. Dù vậy, liệu chúng có ăn thứ gì khác ngoài tre? Câu trả lời phổ biến là không – dù đôi khi, có một vài ngoại lệ hiếm hoi.
“Đã có những trường hợp gấu trúc hoang dã ăn động vật nhỏ,” Li chia sẻ qua email với Live Science. Trong số đó, nổi bật là ghi nhận ở vùng núi Tần Lĩnh, Trung Quốc, nơi người ta bắt gặp gấu trúc gặm xương một con takin (Budorcas taxicolor) – loài móng guốc hoang dã giống dê. Ngoài ra, chúng cũng được phát hiện thỉnh thoảng săn chuột tre Trung Quốc (Rhizomys sinensis).

Ảnh: Getty.
John Speakman, trưởng khoa Động vật học tại Đại học Aberdeen, Vương quốc Anh, xác nhận: “Những trường hợp như vậy là ngẫu nhiên và bất thường. Có ảnh chụp một con gấu trúc trong sở thú bắt và ăn thịt công, nhưng đây dường như chỉ là tình huống hiếm gặp.”
Bên ngoài vài lần “đổi gió” hiếm hoi này, gấu trúc chỉ ăn tre. Tuy nhiên, điều thú vị là hệ tiêu hóa của chúng không hề tối ưu cho chế độ ăn này. Giống như các loài gấu ăn thịt khác, gấu trúc sở hữu hệ tiêu hóa của loài ăn thịt: đường ruột đơn giản, không có dạ dày nhiều ngăn như các loài ăn cỏ, cùng hệ vi khuẩn đường ruột thiên về xử lý protein hơn là thực vật. Phân của gấu trúc vẫn chứa nhiều mảnh tre chưa tiêu hóa – bằng chứng rõ ràng cho thấy cơ thể chúng không thực sự thích hợp để tiêu hóa cây cỏ.
Các nhà khoa học cho rằng đây là di sản tiến hóa từ tổ tiên ăn tạp. Khoảng 7 triệu năm trước, một loài tổ tiên tên Ailurarctos bắt đầu ăn tre – giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi từ ăn tạp sang ăn cỏ. Feng Li nhận định, sự thay đổi môi trường khiến nguồn thức ăn sụt giảm nghiêm trọng, đẩy tổ tiên của gấu trúc vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loài ăn thịt khác. Tre – một loài thực vật phát triển nhanh và dồi dào – trở thành giải pháp sống còn. “Đây là minh chứng cho khái niệm ‘sự sống sót của kẻ thích nghi nhất’ trong sinh học tiến hóa,” Li cho biết.
Dù cơ thể gấu trúc không lý tưởng cho việc ăn tre, chúng đã phát triển nhiều đặc điểm thích nghi độc đáo. Một gen giúp cảm nhận vị umami của thịt đã bị bất hoạt trong DNA của gấu trúc – có thể khiến chúng không còn cảm giác thèm thịt. Quá trình trao đổi chất của chúng cũng chậm một cách đáng kinh ngạc – chỉ tiêu tốn 38% năng lượng mỗi ngày so với các loài động vật có vú trên cạn có cùng kích thước.
Speakman là thành viên nhóm nghiên cứu tìm ra nguyên nhân chính: một đột biến gen kiểm soát hormone tuyến giáp – yếu tố điều chỉnh tốc độ trao đổi chất. “Chúng tôi đã tạo ra những con chuột mang đột biến tương tự và phát hiện chúng cũng có tốc độ trao đổi chất thấp hơn,” ông cho biết.
Li cũng dẫn đầu nghiên cứu về vai trò của chính cây tre trong việc điều chỉnh cơ thể gấu trúc. Khi phân tích máu gấu trúc, ông phát hiện các phân tử microRNA (miRNA) – vốn tồn tại trong cả động vật và thực vật – có thể đi vào cơ thể gấu trúc qua chế độ ăn, tích tụ trong mô và ảnh hưởng đến biểu hiện gen. Một số miRNA từ tre có khả năng ức chế cảm nhận vị đắng, tăng cảm giác thèm ăn và điều chỉnh khứu giác, từ đó góp phần duy trì sở thích ăn tre – yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng hàng ngày của loài này.
Ngoài ra, hệ vi khuẩn đường ruột của gấu trúc cũng biến đổi linh hoạt theo mùa. Khi măng tre – phần giàu dinh dưỡng hơn lá – xuất hiện, vi khuẩn đường ruột thay đổi, giúp chúng hấp thụ nhiều năng lượng hơn, dẫn đến tăng cân rõ rệt trong khoảng thời gian ngắn.
Gấu trúc cũng sở hữu “ngón tay cái giả” – một phần xương cổ tay biến đổi cho phép kẹp chặt thân tre. Răng hàm của chúng rộng hơn so với các loài gấu khác, hỗ trợ việc nghiền nát thân tre cứng. Đặc biệt, cơ hàm khổng lồ giúp chúng có lực cắn mạnh hơn cả gấu Bắc Cực, tạo nên khuôn mặt tròn đặc trưng.
Từng bị xem là biểu tượng của sự kém thích nghi hay là “ngõ cụt tiến hóa”, gấu trúc hóa ra lại là chuyên gia sống sót đúng nghĩa. Như Li nhận xét: “Sự lười biếng của gấu trúc chính là trí tuệ sinh tồn.”