Gậy chiến trường của 2 vị tướng
'Đây là cây gậy do Thượng tướng Nguyễn Hữu An tặng chồng tôi tháng 6-1974 trước lúc lên đường vào Tây Nguyên nhận nhiệm vụ. Nó theo ông ấy trên mọi nẻo đường, từ giải phóng Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử'-bà Việt Hoa-vợ Thượng tướng Vũ Lăng-chia sẻ về kỷ vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 3.
Chúng tôi đến Bảo tàng Quân đoàn 3 đúng lúc các cán bộ, nhân viên đang sắp xếp các tư liệu, hiện vật để chuẩn bị đón khách tham quan dịp Tết Tân Sửu 2021. Trong số hàng chục ngàn tư liệu, hiện vật được trưng bày tại đây, tôi đặc biệt ấn tượng với cây gậy đặt trong tủ kính trưng bày ở một khu vực trang trọng.
Trung tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng-cho biết: “Trong hàng ngàn hiện vật, tư liệu thì cây gậy của Thượng tướng Vũ Lăng mang từ Hà Nội vào chiến trường Tây Nguyên là một kỷ vật vô giá. Nó chứa đựng những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, nghĩa đồng bào, nặng ân tình với Tây Nguyên”.
Trung tá Minh kể: Tháng 6-1974, Thượng tướng Vũ Lăng được cử vào đảm nhận chức vụ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên với nhiệm vụ xây dựng bộ đội chủ lực Tây Nguyên trở thành binh đoàn chủ lực cơ động. Trước lúc lên đường, Thượng tướng Nguyễn Hữu An gọi ông đến và nói: “Đường vào miền Nam còn xa, chiến trường Tây Nguyên ác liệt, rừng núi hiểm trở nhưng bà con các dân tộc nơi đây rất anh dũng, kiên cường. Cây gậy này tôi được một người dân Tây Nguyên tặng rồi mang về Hà Nội, nay tôi tặng lại đồng chí. Đây không chỉ là cây gậy thông thường mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, kết đọng tình quân dân Tây Nguyên trong đó”.
Hiểu được tình cảm của đồng chí, trong suốt chặng đường chiến đấu trên địa bàn Tây Nguyên đến lúc trở thành Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 3, kỷ vật này đã theo chân vị tướng kiên trung làm nên những trận đánh đi vào huyền thoại.
Những năm tháng trên chiến trường Tây Nguyên, Thượng tướng Vũ Lăng luôn giữ gìn cây gậy và coi như máu thịt của mình. Minh chứng cho điều này, Trung tá Nguyễn Cảnh Minh dẫn chúng tôi đi xem một bức điện của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3. Bức điện chỉ hơn 30 từ, trong đó có đoạn: “Đã tìm thấy cái gậy kỷ niệm của anh, chúng tôi sẽ gửi đồng chí Sơn về họp Đảng ủy phòng để giao lại cho anh”.
Theo lời của Trung tá Minh: Cuối năm 1974, trong một lần hành quân chỉ huy trận đánh tại Gia Lai, không may Thượng tướng Vũ Lăng làm thất lạc cây gậy của mình. Ông luôn băn khoăn vì để thất lạc kỷ vật thiêng liêng ấy. Hiểu được trăn trở của thủ trưởng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cố gắng tìm lại cây gậy và trao lại cho chỉ huy của mình.
Có nhiều câu chuyện xung quanh cây gậy của Thượng tướng Vũ Lăng được nhiều người nhắc đến. Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại: Trong lúc chuẩn bị chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Thượng tướng Vũ Lăng đã chống cây gậy này cùng đồng đội đi khảo sát địa bàn. Vào gần căn cứ Đức Lập, mọi người khuyên ông dừng lại ở phía ngoài vì càng vào gần căn cứ, địch gài nhiều mìn, súng của địch ở trong căn cứ thỉnh thoảng bắn ra.
Với vai trò là người chỉ huy cao nhất của Mặt trận Tây Nguyên, Thượng tướng Vũ Lăng hiểu tầm quan trọng của trận đánh Đức Lập, để đảm bảo thắng trận, chỉ có cách vào tận nơi quan sát mới tìm ra cách đánh thích hợp. Vì vậy, ông quyết định cởi bỏ súng ngắn và cây gậy giao lại cho người cần vụ kèm theo câu nói vui: “Cậu đừng làm mất cây gậy của tớ nhé, nó quý như máu thịt đó”. Nói rồi, ông cùng mọi người vào tận hàng rào địch quan sát.
Chính sự táo bạo, quả cảm đó mà ông đã đề ra một phương án thích hợp cho Sư đoàn 10 của ta đánh Đức Lập đúng như phương án đã báo cáo với Đại tướng Văn Tiến Dũng: Dùng Sư đoàn 10 đánh Đức Lập rồi nhanh chóng cơ động về Buôn Ma Thuột sẵn sàng thực hiện 2 nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là đánh thị xã Buôn Ma Thuột nếu Sư đoàn 316 đánh Buôn Ma Thuột gặp khó khăn; nhiệm vụ thứ 2 là sẵn sàng đánh quân địch đến ứng cứu Buôn Ma Thuột. Chính từ việc chống gậy đi khảo sát chiến trường, ông và đồng đội đã làm nên chiến thắng giải phóng Tây Nguyên, rồi cùng Quân đoàn 3 cơ động về giải phóng Sài Gòn.
Nhiều người đến tham quan tại Bảo tàng Quân đoàn 3 rất xúc động khi nghe hướng dẫn viên kể về lai lịch của cây gậy. Em Võ Lâm Ngọc Quỳnh (lớp 9, Trường THCS Trần Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Em rất xúc động khi nghe câu chuyện về cây gậy này. Đây không chỉ là món quà xuất phát từ Tây Nguyên mà nó gửi gắm một thông điệp của những vị tướng về khát vọng hòa bình, tinh thần anh dũng kiên cường của nhân dân trên mảnh đất này. Cây gậy của Thượng tướng Vũ Lăng mới nhìn thì bình thường, nhưng khi tìm hiểu, em càng khâm phục tấm lòng của 2 vị tướng đối với mảnh đất Tây Nguyên”.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Việt Hoa tâm sự: Cuộc đời binh nghiệp của chồng tôi trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Lúc nghỉ hưu, ông còn giữ nhiều kỷ vật, trong đó cây gậy này là kỷ vật thiêng liêng nhất. Năm 1988 ông mất, gia đình vẫn giữ gìn và bảo quản nó. Năm 2018, chúng tôi quyết định bàn giao kỷ vật này cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 để trưng bày tại bảo tàng với mong muốn các thế hệ trẻ sẽ hiểu được những chiến công vang dội của cha ông đi trước. Chiến tranh không chỉ có súng đạn mà còn có những câu chuyện về tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Trước khi lên đường vào Tây Nguyên, ông đã nói: “Cây gậy này xuất phát từ rừng Tây Nguyên nên tôi sẽ mang theo nó bên mình đến khi giải phóng Tây Nguyên, đất nước thống nhất mới trở về”.
Nhắc đến Thượng tướng Vũ Lăng, nhiều người sẽ nhớ đến chiến thuật nghi binh, lừa địch trong Chiến dịch Tây Nguyên, những trận đánh lớn để giải phóng vùng đất này, rồi ông chỉ huy Quân đoàn 3-một trong 5 cánh quân tiến về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhưng để hiểu về ông, về tình cảm của vị tướng với mảnh đất Tây Nguyên thì cây gậy nghĩa tình này phần nào đã minh chứng cho điều đó.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202102/gay-chien-truong-cua-2-vi-tuong-5723198/