Gậy dẫn đường thông minh

Nhận thấy người khiếm thị, người cao tuổi đi lại khó khăn, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển trên đường hay tại khu vực có đèn tín hiệu giao thông, nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ OCR, chế tạo gậy dẫn đường thông minh để góp phần giải quyết vấn đề này.

Cuối tháng 11-2021, nhóm học sinh gồm Nguyễn Hữu Quốc Trung (lớp 11A2), Đỗ Anh Kiệt (lớp 12A6), Lê Ngọc Minh Khuê (lớp 12B2), Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm (lớp 12D3) và Phạm Minh Triết (lớp 11AB3) đã bắt đầu nghiên cứu, chế tạo gậy dẫn đường thông minh ứng dụng công nghệ OCR. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn, chỉ trong 3 tháng, các bạn đã nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm.

Gậy dẫn đường thông minh sử dụng nhiều bộ phận như camera để nhận biết đèn tín hiệu giao thông, hệ thống cảm biến ánh sáng dò phần đường di chuyển; cảm biến siêu âm, hồng ngoại giúp phát hiện vật cản, bậc thềm, hố sâu; hệ thống định vị GPS kết nối với điện thoại thông minh; khe lắp sim gửi các trạng thái sử dụng về điện thoại như số kilômét đã di chuyển, dung lượng pin, cảnh báo khẩn cấp… Khi người dùng di chuyển, các cảm biến của gậy sẽ quét và ghi nhận thông tin xung quanh, giải mã và truyền âm thanh bằng lời nói qua loa hoặc kết nối không dây bluetooth để nhắc nhở người sử dụng tuân thủ luật giao thông, tránh vật cản trên đường. Sản phẩm còn được tích hợp thêm tính năng báo hiệu cho người thân biết được vị trí người sử dụng, nhằm hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra.

OCR là công nghệ nhận dạng ký tự quang học, có thể đọc được nhiều tài liệu khác nhau như hóa đơn, hộ chiếu, danh thiếp, hình ảnh… Khi áp dụng công nghệ này vào gậy dẫn đường sẽ giúp người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị nhận biết thông tin bằng lời nói qua những hình ảnh mà camera ghi nhận trên đường. Sản phẩm có thể cải tiến và nâng cấp thêm nhiều chức năng hữu ích khác, thao tác đơn giản để người khiếm thị, người già dễ dàng sử dụng.

So với các sản phẩm khác trên thị trường, gậy dẫn đường thông minh ứng dụng công nghệ OCR có nhiều ưu điểm nổi bật, sản phẩm lắp ráp hoàn chỉnh, thử nghiệm và được nhiều người khiếm thị phản hồi tốt. Nếu được nâng cấp, cải tiến, đây sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ người khuyết tật, người già, người có bệnh lý về mắt trong tương lai. Cô Lê Thị Thúy, giáo viên bộ môn công nghệ Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết, hoạt động này giúp các học sinh đam mê công nghệ có thể ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, tuy nhiên do thời gian nghiên cứu khá ngắn, các em phải ôn luyện cho kỳ thi sắp tới nên sản phẩm cần thêm thời gian hoàn thiện để chỉn chu hơn.

BÙI TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//gay-dan-duong-thong-minh-845068.html