'Gậy' Mỹ, 'khiên' châu Âu: Chia rẽ ngầm trong viện trợ Ukraine
Châu Âu đang nỗ lực huy động mọi nguồn trong những qua để cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không chống lại máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo.
Châu Âu dẫn đầu viện trợ cho Ukraine
Liên minh châu Âu cũng công bố vòng trừng phạt thứ 18 nhằm cắt đứt mọi nguồn năng lượng nhập khẩu còn lại từ Nga, đồng thời đề xuất tăng gấp 5 lần ngân sách quốc phòng chung để thúc đẩy nghiên cứu và mua sắm quốc phòng của EU. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thuyết phục Mỹ tái gia nhập Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine gồm 52 quốc gia, điều phối các khoản tài trợ quốc phòng, nhưng không phải với tư cách là một nhà tài trợ.

Nga tăng cường tấn công Ukraine trên tiền tuyến. Ảnh: TASS
Đây là cuộc họp đầu tiên có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth kể từ tháng 2/2025. Ông Pete Hegseth từng nói với các thành viên EU rằng việc đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ của Ukraine là điều không thực tế.
Trong bối cảnh sự khác biệt trong lập trường giữa EU và Mỹ về vấn đề Ukraine ngày càng lớn, Nga tiếp tục đẩy mạnh tấn công Ukraine cả trên mặt trận lẫn phía sau giới tuyến. Lực lượng Nga đã chiếm được khu vực Degtyarnoye ở Kharkov, miền bắc Ukraine, Popov Yar ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, và Kamenskoye ở Zaporizhia, miền Nam Ukraine vào ngày 17/7. Ngoài ra, Moscow cũng giành quyền kiểm soát khu vực Belaya Gora và Novotoretskoye thuộc tỉnh Donetsk.
Trong khi đó, Ukraine vừa tăng cường phòng thủ, giữ vững chiến tuyến, lại vừa tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa trong 2 tuần qua. Tại cuộc họp của các đối tác Ukraine diễn ra tại thị trấn Ramstein, Đức, Anh và Berlin đã cam kết cung cấp cho Ukraine một số lượng tên lửa không xác định để bảo vệ không phận.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healy cho biết: “Tôi và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đồng ý cùng cung cấp cho Ukraine các tên lửa phòng không cực kỳ cần thiết”.
Ukraine sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa IRIS-T do Đức sản xuất và NASAMS và SHORAD do Mỹ sản xuất để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, vốn đã gia tăng trong những tuần gần đây. Từ ngày 17 đến ngày 22/7, Ukraine đã bắn hạ hoặc chế áp 833 trong số 968 máy bay không người lái Nga nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.
Cuộc tấn công lớn nhất diễn ra vào đầu tuần này, khi Nga phóng 426 máy bay không người lái trong đêm, cùng với 5 tên lửa đạn đạo Kh-47 M2 Kinzhal, 4 tên lửa hành trình Kalibr, một tên lửa hành trình Iskander-K và 14 tên lửa hành trình Kh-101 vào các mục tiêu Ukraine.
Ukraine đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để bắn hạ hoặc vô hiệu hóa máy bay không người lái của Nga, trong đó có hệ thống phòng không xách tay, súng máy hạng nặng và phương tiện tác chiến điện tử. Nhưng đến thời điểm hiện tại, phương tiện hiệu quả nhất của Kiev là pháo phòng không Gepard 35mm được hỗ trợ radar của Đức và máy bay không người lái đánh chặn do nước này tự phát triển, theo chuyên gia tác chiến máy bay không người lái người Ukraine Olena Kryzhanivska nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xem những vũ khí do chính nước này sản xuất là ưu tiên hàng đầu: "Hiện tại, khoảng 40% vũ khí trong tay các binh sỹ của chúng ta được sản xuất tại Ukraine. Trong 6 tháng tới, con số này sẽ không dưới 50%".
“Gậy” Mỹ, “khiên” châu Âu
Ukraine không có giải pháp do chính nước này phát triển để chống lại vũ khí tầm xa nguy hiểm nhất của Nga là tên lửa đạn đạo. Hệ thống phòng thủ hiệu quả duy nhất mà Kiev sở hữu là hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hồi đầu tuần này tiết lộ "trong chuyến thăm Washington tuần trước, tôi đã nhất trí với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng Đức sẽ đóng góp vào việc cung cấp nhanh chóng 5 hệ thống Patriot rất cần thiết cho Ukraine”.
Mỗi hệ thống Patriot hoàn chỉnh bao gồm một radar và mảng ăng-ten trung tâm, cùng ít nhất 6 bệ phóng mang 4 tên lửa đánh chặn mỗi bệ. Dường như Đức sẽ chi trả cho các hệ thống này. Đổi lại, Mỹ sẽ ưu tiên cho Đức và các quốc gia khác tặng Patriot cho Ukraine.
Còn Tổng thống Zelensky cho biết, ông sẽ mua riêng các hệ thống Patriot và chi trả bằng máy bay không người lái do Ukraine chế tạo. “Tôi đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Trump và nói rằng người dân Mỹ cần công nghệ UAV mới và Washington nên có trong kho vũ khí. Tôi tin rằng đây là một thỏa thuận lớn – đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các đối tác Mỹ và châu Âu”.
Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng bán thiết bị quân sự cho Ukraine sau khi tạm dừng tài trợ thì châu Âu vẫn cam kết tăng cường tài trợ quốc phòng cho Kiev.
Liên quan đến ngân sách trong bảy năm tiếp theo của EU trị giá 1.816 tỷ euro (2.130 tỷ USD), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen đã đề xuất dành 131 tỷ euro (154 tỷ USD) cho quốc phòng và không gian, tăng gấp 5 lần so với ngân sách 2021-2027. Số tiền này, ngoài số tiền do các chính phủ quốc gia EU chi tiêu, sẽ được dùng để mua sắm hàng hóa quốc phòng châu Âu, đầu tư vào các ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng quan trọng quan trọng.
Bà Von Der Leyen cũng đề xuất thành lập Quỹ Năng lực Cạnh tranh Châu Âu cho nghiên cứu và đổi mới quốc phòng, đồng thời cho rằng cần phải tăng gấp đôi Quỹ Hỗ trợ Ukraine lên 100 tỷ euro (117 tỷ USD).
Giữa hàng loạt biện pháp mới từ EU và sự hợp tác thương mại mong manh với Mỹ, nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa hoàn toàn bị từ bỏ. Ukraine và Nga đã tổ chức vòng đàm phán trực tiếp thứ ba tại Istanbul vào hôm 23/7. Hai bên đã đồng ý tiến hành một cuộc trao đổi nhân đạo liên quan đến hơn 1.200 người. Ngoài ra, Nga gợi ý thiết lập các lệnh ngừng bắn kéo dài 24 hoặc 48 giờ nhằm tạo điều kiện sơ tán binh sĩ bị thương và thu hồi thi thể ngoài chiến trường. Ukraine cho biết vẫn đang xem xét đề xuất này.