Gây tai nạn khi mở cửa xe không quan sát: Chủ xe hay người mở cửa chịu trách nhiệm?
Nhiều vụ việc liên quan mở cửa ô tô bất cẩn gây tai nạn cho người đi đường để lại hậu quả thương tật hoặc tử vong. Trong những trường hợp này, người mở cửa phải chịu trách nhiệm thế nào?
Mới đây, tại Lào Cai, trong lúc ô tô dừng đỗ bên đường, 1 người ngồi trong mở cửa ô tô phía sau đúng lúc 1 xe máy đang đi tới khiến cả 2 người ngồi trên xe máy ngã xuống đường. 1 trong 2 người ngồi trên xe máy đã bị xe khách phía sau đi tới chèn qua người khiến nạn nhân tử vong.
Tương tự sự việc trên, hồi tháng 9/2023, một tài xế ô tô ở Nghệ An đang dừng bên đường cũng bất ngờ mở cửa xe khiến một người phụ nữ đi xe máy phía sau va vào cánh cửa xe, ngã xuống đường và bị xe chở rác tông tử vong.
Nhiều vụ việc tương tự liên quan đến hành vi bất cẩn khi mở cửa ô tô đã được mạng xã hội trích xuất clip để cảnh báo, tuy nhiên, thỉnh thoảng các vụ việc để lại hậu quả thương tâm như trên vẫn xuất hiện.
Trách nhiệm người gây tai nạn
Luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện không được mở cửa xe, để cửa xe mở, hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Việc mở cửa xe bắt buộc phải có sự quan sát kỹ lưỡng để đảm bảo không gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Qua đó, trường hợp mở cửa ô tô gây tai nạn cho người đi đường, người lái xe (hoặc người mở cửa) mở cửa xe không cẩn thận không chỉ gây ra nguy hiểm tiềm ẩn cho người đi đường mà còn khiến người gây ra tai nạn phải đối mặt với nhiều hình thức trách nhiệm pháp lý bao gồm cả trách nhiệm hình sự, dân sự và hành chính.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông khi tham gia giao thông để giảm thiểu rủi ro gây ra tai nạn cho bản thân và người khác.
Theo LS Thanh, về trách nhiệm hình sự, nếu gây tai nạn nghiêm trọng như làm chết người, gây thương tích nặng (tỉ lệ tổn thương từ 61% trở lên) hoặc thiệt hại về tài sản lớn (từ 100 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng), người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm.
Về trách nhiệm dân sự, căn cứ Điều 584 bộ luật Dân sự năm 2015, bên gây tai nạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bao gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, và tài sản của người khác.
Cũng theo LS Nguyễn Quang Huy - Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Hành vi mở cửa xe ô tô không quan sát gây tai nạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra.
Trong trường hợp mở cửa xe ô tô gây tai nạn nhưng chưa dẫn đến hậu quả chết người thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm g khoản 2, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
“Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng...”.
Căn cứ quy định trên có thể thấy rằng người mở cửa xe ô tô không quan sát gây tai nạn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.
Trường hợp mở cửa xe ô tô gây tai nạn chết người thì người gây tai nạn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo 03 khung hình phạt chính như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 30.000.000đ đến 100.000.000đ, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hậu quả làm chết 01 người.
Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với hậu quả làm chết 02 người.
Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với hậu quả làm chết 03 người trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc không làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, căn cứ quy định trên, người lái xe hoặc người ngồi trong xe ô tô có hành vi mở cửa xe ô tô mà không chú ý quan sát gây nên hậu quả chết người thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Tài xế nói gì?
Là tài xế hơn 20 năm trong nghề, anh Trường Giang (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, khi chuẩn bị mở cửa xe phía tài xế, anh luôn quan sát gương chiếu hậu đầu tiên. Thấy đủ điều kiện an toàn, anh bắt đầu mở hé cửa từ từ nhìn trực tiếp một lần nữa rồi mới mở cửa để bước xuống.
Tuy nhiên, với khách đi xe taxi, trong các hành trình anh Giang luôn bấm khóa chốt cửa sau bên trái để tất cả khách lên xuống bằng cửa bên phải nhằm bảo đảm an toàn.
"Khách lâu lâu mới đi xe nhiều khi vội sẽ dễ mở cửa để xuống xe liền nên tôi khóa chốt cửa để phòng chuyện bất trắc xảy ra. Còn với cửa xe bên phải, khi xe dừng, tôi sẽ quan sát qua gương, thấy đủ điều kiện an toàn mới báo cho người ngồi sau mở cửa", anh nói.
LS Đỗ Ngọc Thanh cũng chia sẻ thêm, để mở cửa xe ô tô một cách an toàn, đầu tiên cần tìm nơi dừng, đỗ xe an toàn với không gian rộng. Sau đó, người lái xe dùng kỹ thuật "Hà Lan" tức là sử dụng tay phải để mở cửa. Việc làm này buộc người lái xe phải quay đầu và vai để nhìn qua vai trước khi mở cửa, giúp phát hiện người đi bộ, xe đạp, xe máy hoặc các phương tiện khác đang tiếp cận từ phía sau.
Theo LS Thanh, trước khi mở cửa, người lái xe hãy dành một chút thời gian để kiểm tra gương cửa và gương chiếu hậu bên phía định mở cửa để nhìn thấy các phương tiện đang tiếp cận và đánh giá khoảng cách an toàn.
"Khi chắc chắn không có phương tiện nào đang tiếp cận gần xe, bạn có thể mở cửa chậm rãi và cẩn thận, không mở bất ngờ. Người lái xe cũng cần lưu ý khi trên xe có trẻ em và hành khách thì phải khóa chốt cửa an toàn", LS Thanh lưu ý.
Vị luật sư khuyến cáo, trên thực tế hạ tầng giao thông đang còn nhiều bất cập, lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng có thể có mặt trên mọi tuyến đường để nhắc nhở, xử lý kịp thời các lỗi vi phạm.
Bởi vậy, chính những người tham gia giao thông, cả người lái và người đi cùng trên xe cần quan sát thật kỹ và đảm bảo không gây nguy hiểm cho người và các phương tiện khác mới được mở cửa xe. Trước khi mở cửa xe hãy dừng, đỗ xe đúng quy định, không dừng xe ở những đoạn đường quá hẹp, đường giao nhau…
Khi mở cửa cần chú ý quan sát kỹ trước sau bằng mắt và gương chiếu hậu hai bên, thấy an toàn mới tiến hành mở cửa, nên mở từ từ. Với người đi cùng trên xe, tài xế nên chủ động nhắc nhở họ mở hé cửa, chú ý quan sát trước khi ra ngoài. Trong thực tế, trong điều kiện cho phép, người mở nên ưu tiên mở cửa xe bên phải.
Quỳnh Chi (t/h theo Báo Pháp Luật, Thanh Niên)