Gaza - phép thử lương tri nhân loại
Khi viện trợ bị biến thành mồi nhử và lương thực trở thành cái bẫy sinh mạng, thì lòng nhân ái - giá trị cốt lõi của nhân loại đang bị đẩy đến giới hạn cuối cùng giữa khói lửa chiến tranh.

Trẻ em xếp hàng chờ nhận thức ăn tại một bếp ăn cộng đồng ở phía Bắc Gaza. (Nguồn: MSF)
Đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột ở Dải Gaza tiếp tục rơi vào bế tắc. Hàng ngày, bom đạn vẫn cướp đi sinh mạng của những người dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Chỉ trong chưa đầy 10 ngày giữa tháng 6/2025, hơn 200 thường dân Palestine đã thiệt mạng khi xếp hàng nhận cứu trợ tại Dải Gaza – nơi lẽ ra phải là vùng trú ẩn cuối cùng của sự sống.
Đó không chỉ là bi kịch của một cuộc xung đột, mà là lời cảnh tỉnh đau đớn gửi đến thế giới văn minh: phải chăng trong bóng tối của chiến tranh, những nguyên tắc nhân đạo đang bị bóp méo một cách hệ thống?
Theo Văn phòng Điều phôínhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), chỉ từ 16-24/6 đã có ít nhất 231 thường dân thiệt mạng và gần 600 người khác bị thương khi đang nhận viện trợ tại các điểm phân phát lương thực, y tế ở Gaza - những khu vực vốn được xác lập là “hành lang nhân đạo”, cách xa vùng giao tranh trực tiếp.
Phần lớn nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và người già. Các đợt tấn công lặp đi lặp lại không thể được ngụy biện là “sai sót tác chiến”.
Theo Công ước Geneva 1949 - nền tảng của luật nhân đạo quốc tế, mọi hành động tấn công vào dân thường và cơ sở nhân đạo đều bị nghiêm cấm tuyệt đối. Khi các khu vực có dấu ấn của Liên hợp quốc trở thành mục tiêu quân sự, đó không chỉ là vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn là sự xúc phạm đến lương tri toàn cầu.
Ở Gaza, một túi bánh mì, một bình nước sạch hay vài viên thuốc - những thứ lẽ ra là biểu tượng của tình người - nay lại trở thành cái giá phải trả bằng mạng sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), nhiều dân thường đã thiệt mạng khi chen chân vào các điểm cứu trợ chỉ để có được những nhu yếu phẩm tối thiểu.
Những “vành đai an toàn” đã biến thành mục tiêu hỏa lực, nơi hy vọng bị bóp nghẹt bởi đạn pháo và tiếng khóc. Viện trợ nhân đạo bị biến thành cái bẫy máu lạnh - một hình thức bạo lực không chỉ tước đi sự sống, mà còn hủy hoại ý chí và nhân phẩm của người Palestine.
Đây không còn là “hậu quả phụ” của chiến sự, mà là một chiến lược khủng bố tinh thần, sử dụng bạo lực có tính toán để bẻ gãy sức kháng cự của cả một dân tộc.
Giữa dòng người tuyệt vọng, máu vẫn đổ. Và trong khi từng sinh mạng bị đánh đổi cho một túi gạo hay viên thuốc, thì phản ứng từ cộng đồng quốc tế chủ yếu vẫn dừng lại ở những cụm từ quen thuộc: “bày tỏ quan ngại”, “kêu gọi kiềm chế”, “tiếp tục theo dõi sát tình hình”.
Những ngôn từ vốn được thiết kế để duy trì hòa bình nay trở nên thiếu lực và rỗng nghĩa trước thực tế nơi luật nhân đạo bị chà đạp công khai. Các vụ tấn công vào hành lang viện trợ không còn là tai nạn, mà là một chiến lược có chủ ý, thách thức cả hệ thống pháp lý quốc tế.
Ngày 3/6/2025, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi điều tra độc lập và yêu cầu Israel khôi phục viện trợ nhân đạo không điều kiện. Nhưng đến nay, máu vẫn đổ, ngay cả sau lời kêu gọi ở cấp cao nhất.
Câu hỏi nhức nhối vẫn treo lơ lửng:
Phải chăng sinh mạng con người đang bị phân loại?
Một đứa trẻ ở Gaza liệu có kém xứng đáng được sống hơn một đứa trẻ ở châu Âu hay nước Mỹ?
Nếu sự im lặng tiếp tục bao trùm, thì nền văn minh mà nhân loại tự hào đang rung lên hồi chuông báo động - không phải vì bom đạn, mà vì sự thờ ơ.
Một em bé chưa kịp chạm tay vào ổ bánh mì đã vĩnh viễn ra đi. Một người mẹ gục xuống giữa dòng người đói khát, vẫn ôm chặt đứa con trong tay. Họ không phải “thiệt hại phụ”, mà là những nhân chứng sống động cho sự suy tàn của đạo lý nhân loại trong thời đại chúng ta.
Gaza, giữa hoang tàn và đổ nát, đang trở thành tấm gương phản chiếu lương tri toàn cầu.
Trước thảm kịch tại Gaza, Việt Nam nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ tại các diễn đàn quốc tế, bày tỏ quan ngại sâu sắc về thương vong dân sự, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; đồng thời kêu gọi chấm dứt sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế.
Việt Nam tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nơi Palestine và Israel cùng tồn tại hòa bình, an ninh với biên giới được công nhận; đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo tiếp cận viện trợ nhân đạo một cách kịp thời và không điều kiện.
Đây không chỉ là lập trường đối ngoại, mà là tuyên ngôn đạo lý của một dân tộc từng trải qua chiến tranh và hiểu rõ giá trị của hòa bình.
Gaza hôm nay không chỉ là một địa danh bị vây hãm - mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn thế giới. Khi lòng nhân đạo bị vũ khí hóa và sự im lặng được che chắn bằng ngoại giao lạnh lùng, thì mỗi phút trì hoãn là một nhát dao vào lương tri.
Hành động vì nhân đạo không phải là lựa chọn, mà là nghĩa vụ. Hoặc thế giới lên tiếng cho sự sống - hoặc sẽ bị cái chết lên tiếng thay mình!
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gaza-phep-thu-luong-tri-nhan-loai-320899.html