GĐ BV Bạch Mai: 'Tri thức là của nhân loại, chúng tôi không giữ riêng'

Với mong muốn chia sẻ tri thức y khoa, hơn 200 nhà nghiên cứu, bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai đã cùng nhau tạo nên cuốn 'Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa'.

 PGS.TS Đào Xuân Cơ (đứng giữa) - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai - thảo luận với các đồng nghiệp về cuốn sách. Ảnh: Việt Hà.

PGS.TS Đào Xuân Cơ (đứng giữa) - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai - thảo luận với các đồng nghiệp về cuốn sách. Ảnh: Việt Hà.

Hiện nay, sự biến đổi môi trường dẫn đến việc nổi lên của nhiều bệnh lạ. Nghiêm trọng hơn, các hình thái bệnh cũng xuất hiện nhiều triệu chứng không điển hình. Để đối mặt với thách thức đó, các nhà khoa học tại Việt Nam và trên thế giới đã phát triển những kỹ thuật mới liên quan đến chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm.

Dù vậy, phần lớn bác sĩ tuyến cơ sở - lực lượng tuyến đầu của hệ thống y tế công - lại chưa có điều kiện tiếp cận tài liệu mang tính tổng quát và cập nhật tri thức. Trước thực trạng đó, đội ngũ cán bộ tại bệnh viện Bạch Mai đã cùng nhau viết nên tác phẩm Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa. Để độc giả hiểu rõ hơn về cuốn sách, PGS.TS Đào Xuân Cơ (chủ biên) - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai - đã có những chia sẻ cụ thể về quá trình biên tập cũng như mong muốn của đội ngũ biên soạn.

Tác phẩm được viết bởi hơn 200 nhà nghiên cứu

- Thưa ông, ý tưởng của cuốn sách "Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa" này được bắt nguồn từ đâu?

- Bên cạnh công tác điều trị, bệnh viện Bạch Mai còn có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ y tế. Trên hai cương vị, thầy thuốc và thầy giáo, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của một cuốn cẩm nang tổng hợp và hệ thống hóa các kiến thức y khoa.

Đặc biệt, những kiến thức chuyên sâu trong cuốn sách này về các lĩnh vực nội khoa như hồi sức, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp... đều là những lĩnh vực mà bệnh viện Bạch Mai có thế mạnh vượt trội. Cùng với những bài học kinh nghiệm, tác phẩm còn cập nhật nhiều thành tựu của y học hiện đại. Nhờ đó, chúng tôi đã tạo nên một tài liệu mang tính ứng dụng cao, vừa chính xác, vừa dễ tiếp cận.

Cuốn sách này không chỉ phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân, mà còn là nguồn tài liệu giảng dạy cho các thế hệ bác sĩ tương lai. Nó đại diện cho sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa những kinh nghiệm lâu đời và những tiến bộ khoa học tiên tiến, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và toàn ngành y tế Việt Nam nói chung.

- Với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học, quá trình tổ chức thực hiện cuốn sách này đã được lên kế hoạch như nào để đảm bảo sự thống nhất?

- Quá trình tổ chức thực hiện cuốn Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai được tiến hành với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản. Ngay từ những bước đầu, các tiểu ban chuyên môn theo từng chuyên khoa đã được thành lập, mỗi nhóm phụ trách biên soạn từng phần nội dung cụ thể của cuốn sách.

 PGS.TS Đào Xuân Cơ xem các nội dung trong cuốn sách Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa.

PGS.TS Đào Xuân Cơ xem các nội dung trong cuốn sách Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa.

Các bài viết và chương mục do các nhóm này soạn thảo sau đó được gửi lên hội đồng thẩm định ở cấp khoa và phòng chuyên môn. Hội đồng này gồm những chuyên gia hàng đầu trong và ngoài bệnh viện, từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam, và có sự tham gia của các chuyên gia quân dân y, đảm bảo quá trình nghiệm thu diễn ra nghiêm túc và chặt chẽ.

Cuốn sách được biên soạn với tinh thần hướng tới tính thực tiễn cao, giúp các bác sĩ, đồng nghiệp ở nhiều tuyến khác nhau có thể dễ dàng tham khảo và áp dụng vào quá trình chẩn đoán và điều trị.

PGS.TS Đào Xuân Cơ

Cuốn sách được biên soạn với tinh thần hướng tới tính thực tiễn cao, giúp các bác sĩ, đồng nghiệp ở nhiều tuyến khác nhau có thể dễ dàng tham khảo và áp dụng vào quá trình chẩn đoán và điều trị. Việc lựa chọn ngôn ngữ và cấu trúc viết luôn đặt mục tiêu là dễ hiểu, dễ thực hành, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học và cập nhật. Điều này giúp cuốn sách không chỉ mang tính phổ biến mà còn có giá trị cao về mặt chuyên môn.

Quá trình biên soạn kéo dài hơn một năm, từ việc viết bài, nghiệm thu, đến chỉnh sửa theo ý kiến của các chuyên gia.

- Trong khoa học, để đi đến kết luận cuối cùng, tranh luận là điều không thể tránh khỏi. Mọi người đã đối diện với điều này ra sao?

- Với một số kiến thức y học còn tranh cãi hoặc chưa thống nhất, bệnh viện đã tạo điều kiện cho các tác giả trao đổi một cách công khai và cởi mở. Mọi ý kiến đóng góp được tiếp nhận một cách toàn diện, qua đó giúp các bên đi đến sự thống nhất về nội dung trước khi chốt phương án biên soạn cuối cùng.

Không dừng lại ở lần xuất bản đầu tiên, Bệnh viện Bạch Mai còn dự kiến tiếp tục lấy ý kiến từ các đồng nghiệp trên cả nước để chỉnh sửa và cập nhật cho những lần tái bản tiếp theo. Điều này nhằm đảm bảo rằng cuốn sách luôn theo kịp với những tiến bộ y học hiện đại trên thế giới.

- Trong tương lai, khi y học được cập nhật và đổi mới, đội ngũ tác giả sẽ tiếp tục phát triển cuốn cẩm nang này ra sao?

- Chúng tôi sẽ cập nhật và đăng tải tác phẩm này lên nền tảng trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho bác sĩ cả nước tiếp cận được cuốn cẩm nang.

Chia sẻ tri thức là sứ mệnh

- Trong quá trình làm cuốn sách này, đâu là kỷ niệm đáng nhớ của ông?

- Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi trong quá trình thực hiện cuốn Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa là cuộc gọi bất ngờ từ GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Vào khoảng 22h30', tôi nhận được cuộc gọi từ thầy Trí. Ban đầu, tôi nghĩ thầy gọi về việc hỗ trợ bệnh nhân như thường lệ. Tuy nhiên, thầy gọi để chia sẻ cảm nhận sau khi đọc cuốn sách. Thầy nói với tôi: "Các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã viết ra một cuốn sách rất hay và có giá trị thực tiễn lớn”.

Ngay lúc đó, tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì công sức của cả đội ngũ đã được thầy đánh giá cao như vậy. Đêm ấy, tôi hầu như không thể chợp mắt, vì niềm vui quá lớn. Hôm sau, tôi ngay lập tức chia sẻ niềm câu chuyện này với các đồng nghiệp trong bệnh viện. Tại cuộc họp giao ban, tôi báo cáo với Ban giám đốc về phản hồi tích cực từ thầy Trí. Điều này khiến toàn thể đội ngũ cảm thấy phấn khởi và càng tin tưởng vào giá trị của cuốn sách.

Cuốn sách có hình ảnh minh họa ở mỗi phần để tăng độ trực quan.

Cuốn sách có hình ảnh minh họa ở mỗi phần để tăng độ trực quan.

- Đối với riêng ông và đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai, tác phẩm này có giá trị tinh thần như thế nào?

- Tôi và các đồng nghiệp rất tự hào về cuốn cẩm nang này. Nhờ nó, tôi đã được làm việc với những con người xuất sắc ở bệnh viện Bạch Mai. Đây là điều không gì có thể mua được.

Gần đây, tôi đã có dịp đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhiều đồng nghiệp nói rằng họ đã tìm cách cuốn sách này nhiều tháng trời. Tôi đã gửi tặng họ những cuốn sách này. Nhìn thấy niềm hào hứng trong ánh mắt họ, tôi cũng vui lây.

Tri thức là của nhân loại, chúng tôi không giữ cho riêng mình. Chúng tôi khao khát được chia sẻ cho các đồng nghệp trên cả nước.

PGS.TS Đào Xuân Cơ

- Với các bác sĩ ở tuyến dưới, tuyến cơ sở, tác phẩm này có giá trị ra sao?

- Một trong những tiêu chí chúng tôi chủ trương khi biên soạn cuốn sách này là cách viết dễ hiểu, gần gũi và dễ ứng dụng trong thực tiễn hàng ngày. Tác phẩm không quá hàn lâm, phức tạp, mà được biên soạn sao cho các bác sĩ ở mọi cấp độ, từ trung ương đến cơ sở, có thể dễ dàng tiếp cận và áp dụng trong công việc chẩn đoán và điều trị của mình.

Cuốn sách được xây dựng trên nền tảng kiến thức y học hiện đại nhưng vẫn giữ được tính thực hành cao. Các phác đồ điều trị và hướng dẫn được thiết kế chi tiết, rõ ràng, giúp các bác sĩ tại các tuyến cơ sở có thể áp dụng nhanh chóng và hiệu quả trong việc chăm sóc bệnh nhân. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bác sĩ ở tuyến dưới, nơi điều kiện về trang thiết bị và nguồn lực y tế còn hạn chế. Cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn hướng dẫn các bước thực hành cụ thể, dễ áp dụng trong mọi tình huống.

- Để biên soạn và in ấn cuốn sách này phải mất rất nhiều vật lực và nhân lực. Tại sao đội ngũ quyết định sẽ phát hành miễn phí nó trên mạng mà không bán?

- Tri thức là của nhân loại, chúng tôi không giữ cho riêng mình. Chúng tôi khao khát được chia sẻ cho các đồng nghệp trên cả nước. Hơn hết, tôi tin rằng đây cũng là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tại bệnh viện Bạch Mai, những người vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo.

Điều này xuất phát từ quan điểm của tôi: Sự giàu có không đến từ việc lương bao nhiêu mà là cơ hội được sẻ chia.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tri-thuc-la-cua-nhan-loai-chung-toi-khong-giu-cho-rieng-minh-post1507696.html