GĐKT người Nhật Bản có thể giúp gì cho bóng đá Việt Nam

Việc không sở hữu lý lịch hoành tráng chẳng phải bất lợi của ông Yusuke Adachi, người được cho là sẽ ngồi vào ghế giám đốc kỹ thuật của VFF để thay thế Juergen Gede.

Thông tin về ông Yusuke Adachi không nhiều vào lúc này. Tất cả đều biết vị GĐKT tương lai của LĐBĐ Việt Nam từng có thời gian làm cầu thủ, thường xuyên gắn bó với công tác đào tạo trẻ, và từng tham gia giảng dạy, huấn luyện bằng AFC Pro cho nhiều lớp HLV hiện tại của Việt Nam.

Đặt cạnh cựu GĐKT Juergen Gede, và người được kỳ vọng Philippe Troussier, ông Adachi rõ ràng là cái tên kém danh tiếng hơn. Tuy nhiên, giám đốc kỹ thuật có cần thiết phải danh tiếng lẫy lừng và khiến ai cũng biết tới hay không?

 Ông Adachi được cho là sẽ ngồi vào ghế giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Việt Nam với mức lương 20.000 USD/tháng. Ảnh: VFF.

Ông Adachi được cho là sẽ ngồi vào ghế giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Việt Nam với mức lương 20.000 USD/tháng. Ảnh: VFF.

Vai trò của giám đốc kỹ thuật

Khác với HLV, giám đốc kỹ thuật đảm nhiệm vai trò phát triển vĩ mô trong nền bóng đá. Nói như ông Hoàng Anh Tuấn thì nếu HLV là “quan võ”, GĐKT sẽ là “quan văn”. Vai trò của chức vụ này là đề ra hướng phát triển cho nền bóng đá trong tương lai và đưa ra các giải pháp phù hợp cho những lỗ hổng còn tồn tại.

Ví dụ như việc các lứa trẻ của bóng đá Việt Nam có quá ít giải đấu để cọ xát. Trung bình 1 năm các cầu thủ lứa tuổi U16 chỉ đá chính thức khoảng 5-6 trận. Đây sẽ là kiểu vấn đề ông Adachi cần giải quyết nếu nhậm chức. Cần tổ chức thêm giải đấu ra sao, công tác chuẩn bị như thế nào, cơ cấu giải thưởng… là những vấn đề một GĐKT cần phải thể hiện tầm ảnh hưởng.

 Ông Adachi (hàng ngồi, từ trái qua, áo đen thứ hai) ngồi cạnh GĐKT hiện tại Jurgen Gede. Ảnh: VFF.

Ông Adachi (hàng ngồi, từ trái qua, áo đen thứ hai) ngồi cạnh GĐKT hiện tại Jurgen Gede. Ảnh: VFF.

Thời hạn hợp đồng của GĐKT (5 năm) cũng cho thấy sự dài hơi trong việc tin tưởng lẫn nhau. Trên thế giới, hiếm có HLV nào được ký hợp đồng có thời hạn lâu như vậy. Trường hợp cá biệt là Juergen Klopp của Liverpool. Vai trò, tầm ảnh hưởng và tầm nhìn của nhà cầm quân người Đức với đội chủ sân Anfield có lẽ không cần bàn thêm.

Nhìn trên khía cạnh này, ông Adachi dường như là một lựa chọn tốt của VFF. Chia sẻ với Zing, huấn luyện viên trưởng CLB Quảng Ninh, ông Phan Thanh Hùng, hào hứng trả lời khi được hỏi về chuyên gia người Nhật Bản: "Ông Adachi là người thực sự giỏi, từng làm trợ lý cho Giám đốc Kỹ thuật Lim Kim Chon của AFC trước đây nên không bất ngờ khi được VFF nhắm đến”.

"Ông Adachi trẻ, nhưng trình độ chuyên môn hơn nhiều giảng viên khác, có thể dạy các HLV lấy bằng Pro. Ông ấy tận tình, tỉ mỉ, thân thiện khi làm việc với các HLV. Từ góc độ cá nhân, tôi đánh giá ông ấy rất cao.

"Có kỷ niệm mà tôi luôn ấn tượng mãi với chuyên gia Nhật Bản này. Một lần lớp học tổ chức ở Khánh Hòa, lớp đang chuẩn bị bước vào bài kiểm tra thì sân 19/8 bị mất điện. Lúc ấy khoảng 20-21h, khá muộn rồi nhưng ông Adachi vẫn cố gắng tìm cách hoàn thành buổi học. Ông đã mượn tất cả xe máy gần đó và xếp thành hàng, nổ máy để tạo thành dàn đèn cung cấp ánh sáng để chúng tôi có thể hoàn thành bài kiểm tra".

Ông Hoàng Văn Phúc cũng dành những lời ngợi khen ông Adachi: "Những kiến thức của ông Adachi bổ ích, tôi tin là nhiều HLV ở V.League cũng áp dụng thành công. Ông ấy làm việc tỉ mỉ, khoa học và luôn muốn các HLV phải có tầm bao quát tốt. Adachi đồng ý về Việt Nam làm việc thì rất tuyệt vời”.

Ông Adachi có thể mang đến điều gì?

Đào tạo trẻ là xương sống của nền bóng đá. Là một người Nhật Bản, ông Adachi hiểu rõ điều này hơn ai hết. Bóng đá xứ sở mặt trời mọc đến giờ vẫn được coi là anh cả của toàn châu Á bởi sự ưu việt trong việc phát triển bóng đá trẻ, dù tại chính quốc gia này, túc cầu giáo không phải là môn thể thao số một.

Năm 2011, Nhật Bản thành lập giải U18 Premier League, sân chơi để những cầu thủ trẻ phát huy tài năng. Tuy ra đời muộn, sự phát triển của giải trẻ Nhật nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào. Đến lúc này, giải U18 Premier League Nhật đã có tới 20 đội tham dự, thi đấu theo thể thức vòng tròn, có nhà vô địch, có đội xuống hạng.

 Bóng đá Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều Đoàn Văn Hậu trong tương lai. Ảnh: AFC.

Bóng đá Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều Đoàn Văn Hậu trong tương lai. Ảnh: AFC.

Các trận đấu diễn ra quanh năm và các cầu thủ không sợ thiếu sân khấu để thi thố và rèn luyện tài năng. Các đội bóng tham dự không đơn thuần chỉ là lực lượng từ lò đào tạo trẻ của các CLB chuyên nghiệp, mà có sự góp mặt của rất nhiều đội bóng các trường trung học. Năm 2016, trường trung học Aomori-Yamada bất ngờ trở thành nhà vô địch giải miền Đông, dù giải đấu này quy tụ những “ông lớn” như Kashima Antlers, Kashiwa Reysol và FC Tokyo.

Bóng đá học đường là những hình mẫu ông Adachi có thể mang tới Việt Nam, trong bối cảnh những cầu thủ trẻ ở nước ta thiếu hẳn sân chơi có tính tranh đấu trực tiếp với tần suất đều đặn.

Ông Adachi còn có thể nâng tầm chính những HLV tại Việt Nam. Cựu danh thủ Đặng Phương Nam đồng ý với quan điểm này khi chia sẻ trên truyền hình. “30 ngày học thầy Adachi tại Nha Trang vào năm 2015 là trải nghiệm cực kỳ quý giá. Thầy đã trang bị cho toàn bộ lớp học bằng A đó nhiều kiến thức về đào tạo trẻ, đôi khi chúng làm thay đổi toàn bộ kiến thức cũng như nhận thức của một HLV”, anh nói.

“Thầy cũng có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam và quá hiểu thực trạng bóng đá Việt Nam, quá hiểu những gì bóng đá Việt Nam cần. Đấy là điều rất quan trọng.

Thầy Adachi rất giỏi trong việc đào tạo HLV, xây dựng hệ thống phát triển bóng đá trẻ. Lớp học lấy bằng Pro của chúng tôi hơn 20 người học, khóa đầu tiên chỉ có 6 người đỗ, thi lại có thêm 6 người. Điều đó cho thấy năng lực của HLV còn khó khăn, và nếu có một giảng viên hàng đầu như thầy Adachi đến giảng dạy, trang bị năng lực chuyên môn, điều đó rất tốt cho bóng đá trẻ”.

5 năm hợp đồng là quãng thời gian dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn để bắt đầu thấy thành quả. Việc ông Adachi có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay không sẽ cần thời gian để trả lời. Tuy nhiên, với những câu chuyện lạc quan tính đến lúc này của các lớp HLV Việt Nam về ông thầy người Nhật Bản, niềm tin thành công là có.

'Tương lai của Văn Hậu không chỉ dừng lại ở Hà Lan' Tiền đạo Hoàng Vũ Samson cho rằng Đoàn Văn Hậu không nên trở về Việt Nam, mà thay vào đó là kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tại châu Âu, có thể không phải trong màu áo Heerenveen.

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gdkt-nguoi-nhat-ban-co-the-giup-gi-cho-bong-da-viet-nam-post1086083.html