GDP 6 tháng đầu năm 2023: Chỉ tăng 3,72%, thấp thứ 2 trong 12 năm qua

Trong 6 tháng đầu năm 2023, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023, diễn ra vào sáng 29/6, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, GSP Việt Nam quý II tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Hương cho rằng, trong 12 năm qua (2011 - 2023), tốc độ tăng trưởng 4,14% của quý II/2023 chỉ cao hơn quý II/2020.

 Buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023. (Ảnh: DD)

Buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II/2023 và 6 tháng đầu năm 2023. (Ảnh: DD)

Trong 6 tháng đầu năm 2023, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Như vậy, có thể thấy rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm đang bị đe dọa.

Hầu hết, các chỉ số kinh tế như kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư FDI đều giảm.

Cụ thể, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch trong quý II/2023 ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với quý I/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,41 tỷ USD, giảm 11,9%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 121,04 tỷ USD, giảm 12,2%, chiếm 73,6%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%.

Về nhập khẩu, trong quý II/2023 tổng kim ngạch ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2% so với quý I/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,1%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

 Hầu hết, các chỉ số kinh tế như kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư FDI đều giảm. (Ảnh: PD)

Hầu hết, các chỉ số kinh tế như kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư FDI đều giảm. (Ảnh: PD)

Về đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 147 triệu USD, giảm 51,2% so với cùng kỳ năm trước; có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng hiếm hoi của tình hình kinh tế Việt Nam đến từ khu vực dịch vụ. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Tổng trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng.

Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế - xã hội toàn cầu, bà Hương cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

“Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức”, bà Hương nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gdp-6-thang-dau-nam-2023-chi-tang-372-thap-thu-2-trong-12-nam-qua-post253925.html