Thu hút đầu tư từ tư nhân, nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải

Đây là một trong những nội dung tại Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 8/7/2024.

Bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân

Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, hướng tới đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Vườn quốc gia Cúc Phương - khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Traveloka

Vườn quốc gia Cúc Phương - khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Traveloka

Quy hoạch định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên

Đối với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học quy hoạch định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học trên cơ sở củng cố, mở rộng, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn để lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, mẫu giống cây trồng và vật nuôi.

Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.

Chỉ tiêu cụ thể đối với các đối tượng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được xác định trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch

Để thực hiện những mục tiêu trên, quy hoạch đưa ra giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch gồm các hoạt động như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; gia tăng đầu tư tài chính; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Trong đó, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường thông qua khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng; cải tiến áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, theo dõi, giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường.

Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, ưu tiên công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đồng bộ, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải rắn xử lý bằng chôn lấp trực tiếp.

Phát triển và ứng dụng công nghệ trong quan trắc và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất, số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường.

Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường; phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam xứng tầm để giải quyết tốt những vấn đề môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh

Bên cạnh những giải pháp trên, quy hoạch cũng nêu kế hoạch thực hiện với một số nhiệm vụ như đối với khu xử lý chất thải tập trung, quy hoạch định hướng hình thành hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải.

Đồng thời, xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải.

Chỉ tiêu cụ thể với hoạt động xử lý chất thải đến năm 2030 hình thành tối thiểu 2 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia; tối thiểu 7 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại các vùng kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch; tối thiểu một khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường, quy hoạch định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh có tính liên kết trên phạm vi cả nước để chủ động theo dõi hiện trạng và bước đầu xây dựng năng lực dự báo diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường; bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Cụ thể, mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia sẽ thiết lập tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, tập trung tại các khu vực trọng yếu và có tính đồng bộ, liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh.

Với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh, quy hoạch định hướng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại địa phương, tập trung vào các khu vực có nguy cơ ô nhiễm do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải và các khu vực quan trọng về cảnh quan, sinh thái.

Mạng lưới này phải có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trên cả nước.

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-hut-dau-tu-tu-tu-nhan-nuoc-ngoai-vao-hoat-dong-xu-ly-chat-thai-30978.html