GDP quý II tăng 7,96%

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52% và là mức tăng nửa đầu năm cao nhất trong suốt giai đoạn 2011-2025.

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II của Việt Nam ước đạt 7,96%, cao thứ hai trong giai đoạn 2020-2025. Ảnh: Nam Khánh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II của Việt Nam ước đạt 7,96%, cao thứ hai trong giai đoạn 2020-2025. Ảnh: Nam Khánh.

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025.

Tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất 15 năm

Mức tăng trưởng ấn tượng này bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, chiếm tới 51,18% tổng mức tăng giá trị của toàn nền kinh tế.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 7,52%, mức cao nhất trong suốt giai đoạn 2011-2025.

Cũng theo Cục Thống kê, thị trường doanh nghiệp sôi động trở lại. Riêng tháng 6, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng tới 61% so với tháng trước và hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước cũng đón 14.400 doanh nghiệp quay lại hoạt động.

Tuy nhiên, cũng có gần 19.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó hơn 6.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, gần 10.100 doanh nghiệp chờ giải thể và 2.761 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính trong 6 tháng, đã có hơn 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024, bình quân mỗi tháng có khoảng 25.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ngược lại, số doanh nghiệp rút lui đạt 127.200 (+16%), tương ứng gần 21.200 doanh nghiệp rút lui mỗi tháng.

Dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đến 30/6 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8% và cũng là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng vọt. Trong 6 tháng, có 86 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn 357,7 triệu USD, gấp 3 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 18 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng mức tăng thêm 129,4 triệu USD, gấp 7 lần. Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 487,1 triệu USD, tăng gấp 3,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2024.

Xuất siêu hơn 7,6 tỷ USD sau nửa năm

Trước đó vào ngày 3/7, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng thông tin trong tháng 6, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 75,59 tỷ USD, giảm 4%, tương ứng 3,04 tỷ USD so với tháng trước.

Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê chỉ rõ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đạt 39,49 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước nhưng tăng mạnh 16% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính trong quý II, xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và tăng 14% so với quý I. Lũy kế 6 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,28 tỷ USD, tăng 9% và chiếm 26,5% tổng kim ngạch; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đóng góp 161,55 tỷ USD, tăng 16%, chiếm tỷ trọng áp đảo 73,5%.

Về cơ cấu hàng hóa, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ lực với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 194,28 tỷ USD, chiếm tới 88,4% tổng kim ngạch.

 Trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tháng 6 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước nhưng tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2024. Trong quý II, kim ngạch nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ và tăng 13% so với quý I. Tính chung 6 tháng, nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 72,82 tỷ USD (+10%), còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 139,38 tỷ USD (+22%). Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm ưu thế tuyệt đối với kim ngạch 198,92 tỷ USD, tương đương 94% tổng giá trị nhập khẩu.

Xét theo thị trường, Mỹ tiếp tục là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị lên tới 84,7 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 xuất siêu 2,83 tỷ USD. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, mức xuất siêu chỉ đạt 7,63 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 12,15 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu tới 14,54 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,17 tỷ USD, tiếp tục là động lực giữ thặng dư thương mại cho nền kinh tế.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/gdp-quy-ii-tang-7-96-post1566237.html