GDP tăng thêm 25,4%/năm khi tính lại: Tổng cục Thống kê nói gì?
Hơn 76.000 doanh nghiệp được bổ sung vào đánh giá lại quy mô GDP lần này đã khiến GDP giai đoạn 2011-2017 tăng thêm 25,4%/năm...
Hơn 76.000 doanh nghiệp được bổ sung vào đánh giá lại quy mô GDP lần này đã khiến GDP giai đoạn 2011-2017 tăng thêm 25,4%/năm. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có những chia sẻ xung quanh số liệu này.
GDP giai đoạn 2011-2017 đã tăng thêm 25,4%/năm khi tính lại. Điều này có đúng không, thưa ông?
Đúng vậy, GDP của Việt Nam bình quân trong 8 năm vừa qua khi đánh giá lại đã tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố. Trong đó, có năm GDP tăng thêm cao hơn số này, có năm tăng thấp hơn. Đây là kết quả của quá trình tính toán chi tiết đến từng 88 ngành cấp 2 trong gần 1 năm.
Quy mô GDP tăng thêm có phải là do việc bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp vào việc tính toán lại GDP như ông công bố trước đó không?
Trong dãy số liệu đánh giá lại GDP trong vòng 8 năm từ 2011-2017, số lượng doanh nghiệp được bổ sung thêm chủ yếu trong vòng 3-4 năm gần đây. Nhưng tổng hợp lại qua các năm, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực, ngành nghề nào, thưa ông?
76.000 doanh nghiệp nằm ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ, chiếm khoảng 70% số doanh nghiệp được bổ sung thêm.
Như ông từng chia sẻ, trong lần điều tra này, Tổng cục Thống kê đã "quét hết" tất cả các ngành kinh tế, trong đó có những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an – những doanh nghiệp lâu nay vốn nằm ngoài phạm vi điều tra. "Lần quét" này được thực hiện như nào, thưa ông?
Số lượng doanh nghiệp thuộc 2 bộ này không nhiều, trong đó có khoảng 136 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
"Lần quét" này được làm thông qua cuộc Tổng điều tra theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng với Tổng cục Thống kê trong thực hiện điều tra doanh nghiệp.
Trên thực tế, lãnh đạo Tổng cục Thống kê giai đoạn từ 1985-2000 đã làm việc với Bộ Quốc phòng về việc chia sẻ thông tin về doanh nghiệp. Mặc dù lãnh đạo cấp cao hai bên đã đi đến nhất trí nhưng quá trình triển khai bên dưới lại chậm trễ nên thông tin thống kê thu được không nhiều.
Vì vậy, thông qua Tổng điều tra lần này, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra, Tổng cục Thống kê phối hợp với các Ban Chỉ đạo để hỗ trợ chuyên môn, thiết kế phiếu điều tra, tập huấn điều tra viên, giám sát, dự trù kinh phí... để có được thông tin điều tra.
Vì sao chúng ta lại để sót một lượng lớn doanh nghiệp như vậy trong những lần thống kê trước, thưa ông?
Gần đây, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thuế mới bắt đầu hợp tác trong việc chia sẻ số liệu vi mô nên vì thế, số liệu cập nhật về tình hình doanh nghiệp mới được bổ sung trong thời gian này.
Trước đây, số liệu về số lượng doanh nghiệp giữa Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế và cơ quan thống kê vênh nhau khá nhiều. Trong khi cơ quan đăng ký kinh doanh có được số liệu số lượng doanh nghiệp thành lập, cơ quan thuế thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế phải nộp thuế (bao gồm doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh và doanh nghiệp không sản xuất nữa nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế và doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động để làm thủ tục khác) thì cơ quan thống kê lại nắm số liệu về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và có kết quả kinh doanh.
Hơn nữa, với một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động như hiện nay, Tổng cục Thống kê cũng chưa cập nhật kịp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Vì thế, qua việc chia sẻ dữ liệu vi mô với cơ quan thuế, Tổng cục Thống kê đã tiến hành rà soát lại danh sách doanh nghiệp mà cơ quan thống kê không thu được số liệu đầy đủ trong thời gian qua.
Vậy kết quả thu thập số liệu của Tổng cục Thống kê trong Tổng điều tra và cơ quan thuế có vênh nhau không? Và vấn đề này được xử lý như thế nào trong lần đánh giá lại quy mô GDP?
Có sự chênh lệch, chẳng hạn về chỉ tiêu doanh thu. Doanh thu của doanh nghiệp được Tổng cục Thuế ghi nhận dựa vào quyết toán thuế, trong khi Tổng cục Thống kê ghi nhận từ thông tin doanh nghiệp cung cấp khi điều tra. Trước đây, phần lớn các doanh nghiệp có 2-3 loại quyết toán, 1 loại nộp cơ quan thuế, 1 loại nộp cơ quan thống kê và 1 loại nộp bộ chủ quản.
Vì vậy, số liệu về doanh nghiệp mà 2 cơ quan có được sẽ được đối chiếu, xem xét xem số liệu nào đáng tin cậy. Chẳng hạn, nếu số liệu của Tổng cục Thống kê xác thực hơn, cơ quan thuế sẽ điều chỉnh số liệu theo cơ quan thống kê và ngược lại.
Việc điều chỉnh này được dựa trên dãy số liệu năm căn cứ trên xu hướng tình hình sản xuất - kinh doanh. Nếu số liệu doanh nghiệp có sự khác biệt, đột biến, chúng tôi sẽ phát hiện ra số liệu nào là xác thực, từ đó góp phần vào việc đánh giá lại quy mô GDP.
Vậy có thể nói là việc thu thập thông tin trong những lần trước có hạn chế, thưa ông?
Không chỉ cơ quan thống kê Việt Nam mà cơ quan thống kê các nước trên thế giới đều thực hiện điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm bởi nguồn kinh phí thực hiện tổng điều tra là quá lớn.
Theo đó, trong tổng số 560.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trong nền kinh tế, Tổng cục Thống kê sẽ phân theo từng ngành, từng quy mô doanh nghiệp (doanh thu từ thấp tới cao) để tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên để suy rộng ra từng ngành kinh tế.
Chẳng hạn, giả sử 35.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm được xếp theo độ dốc doanh thu như vậy, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành lựa chọn những doanh nghiệp có tổng số doanh thu chiếm trên 75% doanh thu toàn ngành (mức doanh thu đủ bao quát ngành đó).
Giả sử có khoảng 3.000/35.000 doanh nghiệp chiếm trên 75% doanh thu của toàn ngành thì Tổng cục Thống kê chọn mẫu chỉ điều tra 3.000 doanh nghiệp này. Những doanh nghiệp không được điều tra sẽ được suy rộng ra theo xu hướng sản xuất của những doanh nghiệp kia. Đây là cách làm mà Tổng cục Thống kê làm theo quy định của quốc tế và được quốc tế ghi nhận.
Nhưng điều tra chọn mẫu có bất cập là không phản ánh được chính xác quy mô của nền kinh tế. Có 3 nguyên nhân dẫn tới điều này.
Thứ nhất, ngành thống kê không cập nhật được đầy đủ số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động. Thứ hai, doanh nghiệp được điều tra cung cấp thông tin không đúng với tình hình thực tế. Thứ ba, điều tra viên thống kê chưa làm hết nhiệm vụ nên chưa có số liệu chính xác.
Trong điều tra chọn mẫu có sử dụng phương pháp suy rộng. Mức độ chính xác của phương pháp này là như thế nào, thưa ông?
Phương pháp suy rộng phải đảm bảo sai số dưới 5%. Đây là phương pháp khoa học thống kê. Phương pháp này được các cơ quan thống kê các nước trên thế giới áp dụng. Vấn đề là điều tra chọn mẫu thiếu so với thực tế là bao nhiêu.
Như tôi đã nói, chẳng hạn, doanh thu của doanh nghiệp đạt 30 tỷ đồng nhưng họ chỉ khai 20 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với thực tế. Vì vậy, điều tra chọn mẫu thiên về xu hướng phát triển hơn là phản ánh được chính xác quy mô.
Cuối cùng, theo ông việc đánh giá lại GDP sẽ đem lại những góc nhìn như thế nào về "sức khỏe" của nền kinh tế?
Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.
Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.
GDP được đánh giá lại cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn, phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.