GDP tăng trưởng cao, do đâu?
TS. Bùi TrinhNhiều người bất ngờ về tốc độ tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng của Việt Nam năm 2022. Vậy GDP tăng trưởng cao như vậy do đâu? Để ý rằng đây là con số về tăng trưởng chứ không phải số tuyệt đối. Sự tăng trưởng trên một nền cơ bản thấp cũng có thể tạo ra tăng trưởng cao. Bài viết cố gắng phần nào lý giải vấn đề gây xôn xao này.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022, GDP quý III ước tăng trưởng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng trưởng 18,86%.
GDP 9 tháng tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Đáng chú ý là nhóm ngành dịch vụ quý III và 9 tháng tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Quý III năm 2022, khu vực này tăng trưởng xấp xỉ 19% và 9 tháng tăng trưởng xấp xỉ 11%, trong khi quý III và 9 tháng năm 2021 tăng trưởng âm tương ứng là -9% và -0,05%. Đặc biệt, ngành vận tải kho bãi quý III và 9 tháng tăng trưởng đến 29% và 14% do cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm đến -19% và -5,1% tương ứng; ngành khách sạn, nhà hàng quý III và 9 tháng tăng trưởng tương ứng đến 172% và 42%, do cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm tương ứng là -59% và -26%. Tương tự là các nhóm ngành nghệ thuật, vui chơi giải trí và các ngành dịch vụ khác...
Tuy nhiên, việc các ngành đóng góp vào tăng trưởng cũng có mặt vui, buồn! Chẳng hạn nhóm ngành công nghiệp tuy đóng góp vào tăng trưởng gần 42% nhưng trên 95% do khu vực FDI, mà khu vực này đóng góp vào tăng trưởng GDP càng nhiều thì luồng tiền chạy ra nước ngoài càng lớn và nguồn lực của nền kinh tế càng yếu đi. Trong khi đó, nhóm ngành dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng cao (54,2%) lại là việc đáng vui, đặc biệt nhóm ngành liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, vận tải…
Về phía sử dụng GDP quý III năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26%, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Trong khi đó tiêu dùng cuối cùng 9 tháng năm 2021 chỉ tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này cho thấy tăng trưởng của 9 tháng năm 2022 nhìn từ phía cầu cơ bản do cầu tiêu dùng phục hồi sau thời gian chống dịch bằng cách ngăn sông cấm chợ, tăng trưởng về cầu đầu tư cơ bản do khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp Nhà nước (đầu tư của hai khu vực này tăng trưởng trên 20% trong quý III và doanh nghiệp Nhà Nước tăng trưởng 9,7%, doanh nghiệp FDI tăng trưởng 11% trong 9 tháng).
Trong khi đó, tiếp cận vốn của khu vực tư nhân trong nước dường như vẫn đầy trắc trở và chông gai. Luồng tiền cơ bản đi vào chứng khoán và bất động sản, nhưng trớ trêu là nhiều doanh nghiệp tham gia sàn chứng khoán sau khi bị kiểm tra thì đang lãi thành lỗ hoặc lợi nhuận giảm đáng kể. Dường như câu chuyện thay đổi lợi nhuận đáng kể sau soát xét vẫn luôn diễn ra bao năm nay... Theo quy định, các doanh nghiệp có sự chênh lệch giữa kết quả kinh doanh ở báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán phải giải trình nguyên do thay đổi, song những biến động này đã diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư và cổ đông. Điều này phần nào cho thấy các nhà đầu tư có thể bị “lừa” với các báo cáo về kết quả sản xuất trước khi được kiểm tra, kiểm toán. Nếu đúng, liệu có phải nguồn lực về vốn của nền kinh tế đang chảy không đúng nơi đáng ra nó phải đến. Luồng tiền phải đi vào sản xuất để tạo ra tài sản cố định và tài sản lưu động mới là luồng tiền hữu ích.
Hơn nữa, tính đến thời điểm 20.9.2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). Như vậy phải chăng chính sách tiền tệ dường như không liên quan nhiều đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế?
Tóm lại, có thể thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, một phần do chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả, nhưng chủ yếu là do năm trước dịch bệnh khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái tê liệt. Việc GDP quý III và 9 tháng tăng cao có thể là tín hiệu tốt nhưng cũng không nên quá tự hào!