GDP thêm 935 nghìn tỷ đồng/năm

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế không phải tăng 23,8%, mà là tăng đến 25,4%/năm giai đoạn 2010 - 2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm.

Trong đó, năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất là 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6,294 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,3 triệu tỷ đồng so với con số 5 triệu tỷ đồng đã công bố trước đó. Về khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn. Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 25 nghìn tỷ đồng đến 46 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 5,4% - 6,2% so với số đã công bố.

Giá trị khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thêm từ 211 nghìn tỷ đồng đến 555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6% - 36,6% so với số đã công bố. Còn giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ từ 316 nghìn tỷ đồng đến 615 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 29,8%-39,6% so với số đã công bố.

Tuy thay đổi về quy mô song theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP hàng năm không có biến động lớn so với số đã công bố, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hằng năm. Theo đó, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm. Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 6,41%; 5,5%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%...

"Việc đánh giá lại quy mô GDP để đánh giá đúng bức tranh, năng lực của nền kinh tế, hiệu quả các chính sách kinh tế. Các con số này là căn cứ để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và sẽ dùng để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025" - ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, kết quả này không dùng để đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Theo ông Kamal Malhotra - điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, việc điều chỉnh cần phải được thực hiện thường xuyên và đảm bảo tính minh bạch, tránh có sự thay đổi quá lớn về số liệu.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gdp-them-935-nghin-ty-dongnam-129953.html