Gelex chính thức thâu tóm Viglacera

Với việc mua vào thành công 18,6 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, Gelex đã chính thức nâng sở hữu tại đây lên 50,2% và trở thành công ty mẹ của nhà sản xuất vật liệu xây dựng này.

Tổng công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam – Gelex (GEX) mới đây đã thông báo về việc hoàn tất mua vào 18,5 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera, nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 50,2% từ 46,07% trước đó.

Tỷ lệ này cũng đồng nghĩa với việc Gelex đã chính thức trở thành công ty mẹ, đồng thời được hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera từ đầu quý II/2021.

Lượng cổ phiếu mua thêm kể trên nằm trong số 22,5 triệu cổ phiếu VGC mà Gelex đăng ký mua vào từ 8/3 đến 6/4 trước đó. Tuy chỉ mua được hơn 80% số cổ phiếu đăng ký, nhưng tỷ lệ này cũng đủ giúp Gelex hoàn tất quá trình thâu tóm Viglacera.

Trong giai đoạn này, cổ phiếu VGC dao động trong khoảng 33.500-36.400 đồng/cổ phiếu, tạm tính theo mức giá này, Gelex đã phải chi ra khoảng 650 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ nói trên.

Tham vọng thâu tóm Viglacera đã được ban lãnh đạo Gelex lên kế hoạch từ lâu. Trong đó, trở thành công ty mẹ của Viglacera được xác định là mục tiêu M&A quan trọng nhất của Gelex trong năm nay.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Gelex đã đặt ra mục tiêu sở hữu chi phối 51% vốn của Viglacera. Để hiện thực hiện, Gelex đã công bố chào mua và mua thành công hơn 94,6 triệu cổ phiếu VGC, nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại nhà sản xuất vật liệu xây dựng này từ 24,96% lên 46,15% vào cuối năm 2020.

Mục đích chính trong kế hoạch thâu tóm Viglacera của Gelex là lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, Viglacera hiện là một trong những nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất phía Bắc.

Công ty này sở hữu hàng loạt khu công nghiệp lớn tại các tỉnh phía Bắc như KCN Phú Hà (Phú Thọ) 350 ha; KCN Đồng Văn 4 (Hà Nam) 600 ha; KCN Tiền Hải (Thái Bình) 466 ha; các KCN Tiên Sơn, Yên Phong 2C, Yên phong, Thuận Thành cùng tại Bắc Ninh với tổng diện tích gần 1.500 ha…

Theo chủ trương đầu tư của Gelex vào Viglacera, công ty sẽ phát triển bất động sản khu công nghiệp theo hướng bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia trong nội khu. Tại các khu vực lân cận khu công nghiệp, dự án nhà ở giá rẻ cũng sẽ được đầu tư.

Sau hợp nhất, Gelex kỳ vọng có thể tiếp tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp do Viglacera quản lý với mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số Khu công nghiệp doanh nghiệp này quản lý lên hơn 20 khu. Trong đó, kỳ vọng trên 10 khu công nghiệp có tổng diện tích tăng thêm từ 2.000-3.000 ha và duy trì mục tiêu phát triển quỹ đất khu công nghiệp dự trữ tối thiểu gấp đôi đất cho thuê hàng năm.

Mới nhất, Viglacera đã được phê duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp Thuận Thành I (Bắc Ninh) với quy mô 249,75 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Gelex cũng đã đầu tư vào khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn nhằm mở rộng dự án thêm 100 ha, lên 600 ha tại Tây Ninh.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Viglacera dự kiến doanh thu cả năm nay sẽ đạt khoảng 12.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.000 tỷ, tăng lần lượt 27% và 19% so với năm 2020.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Gelex từng ước tính doanh thu thuần nếu hợp nhất được Viglacera trong quý II/2021 có thể đạt 28.600 tỷ đồng, tăng 59% so với năm liền trước. Lợi nhuận trước thuế sau hợp nhất cũng có thể đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 156%.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gelex-chinh-thuc-thau-tom-viglacera-post1201745.html