Gen Y tại Mỹ ngập trong nợ tín dụng
Gen Y đang là thế hệ chịu áp lực về tài chính cao hàng đầu tại Mỹ. Tình trạng này có thể thấy rõ qua các số liệu về thẻ tín dụng trong thời gian qua.
Vợ chồng Danielle Smith, những người sinh sống tại thành phố Lincoln, bang Nebraska, Mỹ, gần đây phải đối mặt với hàng loạt chi phí phát sinh, từ khám chữa bệnh, sửa bình nóng lạnh tới chi phí cho các con.
Để có tiền chi tiêu, cô phải trông cậy một phần vào thẻ tín dụng. Tính đến cuối năm 2022, mức nợ thẻ tín dụng của họ đã lên tới gần 40.000 USD - gấp đôi so với lúc trước.
“Đây là vòng đuổi bắt luẩn quẩn không hồi kết”, Smith, 35 tuổi, người cùng chồng có tổng thu nhập 80.000 USD/năm, nói với Wall Street Journal.
Smith không phải trường hợp cá biệt. Nhiều người Mỹ thuộc thế hệ Gen Y (những người sinh từ đầu thập niên 1980 tới giữa thập niên 1990) đang phải đối mặt với vấn đề tài chính gây ra bởi đại dịch Covid-19, tỷ lệ lạm phát cao và hàng loạt khoản chi phải xử lý.
Kế hoạch đổ bể
Trước đại dịch, Stacey Coquelin, 31 tuổi, đã sẵn sàng mua căn nhà đầu tiên cho mình. Sau hai năm sống với cha mẹ, Coquelin đã tích cóp đủ tiền để mua nhà theo hình thức trả góp.
Tuy vậy, khi các trường học phải đóng cửa, Coquelin lại phải chi thêm tiền - khoảng 1.200 USD/tháng - cho dịch vụ chăm sóc con cái. Khoản tiền này và lạm phát đã khiến khoản nợ của cô giờ đây đã vượt 20.000 USD, trong khi lãi suất cao khiến việc vay tiền trở nên khó khăn hơn.
“Mọi thứ đắt lên - từ dầu gội đầu - trong khi lũ trẻ lớn lên và cần nhiều thứ khác nhau”, Coquelin, người kiếm được hơn 40.000 USD/năm với công việc quản lý dự án xây dựng tại bang Florida (Mỹ), nói. “Mọi thứ không đi đến đâu cả”.
Số liệu thống kê năm 2020 - khi đại dịch mới bùng phát - cho thấy tình hình tài chính của các gia đình Mỹ không tệ như các dự báo đưa ra. Tuy nhiên, lạm phát đang buộc họ phải chi tiêu nhiều hơn - bao gồm lấy từ các khoản tiết kiệm - cho khí đốt, đồ tạp hóa hay tiền thuê nhà.
Một số tác động của đại dịch ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ Gen Y. Ví dụ, họ phải chi thêm hàng nghìn USD tiền chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa.
Giống như Coquelin, nhiều người đã phải từ bỏ kế hoạch mua căn nhà đầu tiên do giá nhà và lãi suất cho vay cùng tăng. Tháng 1 năm nay, giá trị trung vị của giá nhà mới tại Mỹ là 359.000 USD - cao hơn 90.000 USD so với ba năm trước đó. Xu thế này thể hiện rõ nhất ở các khu nhà thu nhập thấp - đối tượng thường được Gen Y hướng đến.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người trưởng thành Mỹ trong độ tuổi Gen Y đang tích lũy nợ với tốc độ lịch sử. Tính tới quý 4/2022, tổng nợ của thế hệ này đã lên tới 3.800 tỷ USD, theo số liệu của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York.
Con số này tăng 27% so với cuối năm 2019, nhanh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, cũng như là mức tăng cao nhất xét theo nhóm tuổi.
Điều này có thể nới rộng thêm khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm tuổi - vốn đã có chiều hướng gia tăng từ trước đó. Nhiều người thuộc gen Y bắt đầu sự nghiệp trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Với tỷ lệ thất nghiệp cao, họ khó mặc cả với người sử dụng lao động hơn và phải nhận mức lương thấp hơn.
Tình trạng này vẫn để lại ảnh hưởng nhiều năm sau đó. Kể cả khi nền kinh tế khởi sắc, họ vẫn có xu hướng lựa chọn an toàn và ít chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp hay đầu tư.
“Thế hệ Gen Y dường như chịu tác động tiêu cực từ mọi hướng”, bà Charlotte Principato, chuyên gia phân tích tài chính tại công ty nghiên cứu Morning Consult, nhận định. “Họ không cảm thấy có thể kiểm soát tài chính của mình”.
Vấn đề trên không chỉ là điều không vui với Gen Y, mà còn cả với các thế hệ sau. “Gen Z nhiều khả năng sẽ tiếp bước họ”, bà Principato nói.
Thế hệ khó khăn nhất
Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ lúc này vẫn tương đối ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm, trong khi doanh số bán lẻ vẫn ở mức cao. Tỷ lệ lạm phát thì đang có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình với Gen Y không được khả quan như vậy. Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng trung bình của thế hệ này trong tháng 1 là 6.750 USD, tăng 26% so với ba năm trước đó.
Đối với Gen X (những người sinh từ giữa thập niên 1960 tới đầu thập niên 1980) và các thế hệ lớn tuổi hơn, tỷ lệ này lần lượt chỉ là 11% và 15%.
Các thế hệ trẻ hơn và ít giàu có hơn “đang phải đối mặt với áp lực tài chính do chi phí sinh hoạt tăng cao và lạm phát vượt mức tăng thu nhập”, ông Silvio Tavares, Giám đốc điều hành công ty đánh giá điểm tín dụng khách hàng VantageScore, nhận định. Ông Tavares cho biết điều này không xảy ra với thế hệ già hơn và giàu có hơn.
Theo chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York, tỷ lệ người trẻ không thể hoàn thành khoản trả góp mua ôtô cao hơn so với các lứa tuổi khác. Tỷ lệ này cũng có xu hướng tăng khi giá xe tăng trong những năm qua.
Theo công ty theo dõi thẻ tín dụng TransUnion, ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Gen Y không thể trả các khoản đã tiêu từ thẻ tín dụng, trái ngược với đà giảm ở các nhóm tuổi lớn hơn. Một số cơ sở cho vay đã phải thiết lập các quỹ dự phòng trong trường hợp số người vay không trả nợ tăng lên.
Về phần mình, tình hình tài chính của gia đình Danielle Smith đã khả quan hơn, giúp cô thoát khỏi vòng luẩn quẩn vay nợ - chi tiêu - vay nợ. Họ dùng số tiền hỗ trợ từ gói kích thích của chính phủ để trả nợ thẻ tín dụng, trong khi được tạm hoãn khoản nợ sinh viên.
Tuy vậy, chính sách hoãn các khoản thanh toán nợ sinh viên tại Mỹ - vốn được đưa ra trong đại dịch - có thể sẽ hết hạn ngay vào mùa hè năm nay, tạo thêm gánh nặng cho thế hệ Gen Y - vốn là những người gánh chịu các khoản nợ sinh viên nhiều nhất, theo chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu điều này có thể gây tác động tới các sản phẩm tín dụng khác hay không”, một nhà nghiên cứu của cơ quan trên nói với báo giới.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gen-y-tai-my-ngap-trong-no-tin-dung-post1407346.html