Gen Z bắt đầu chán cảnh làm việc từ xa?

Nhiều nhân sự Gen Z muốn tới văn phòng để có trải nghiệm thực tế phong phú, được học hỏi từ cấp trên và tìm kiếm cơ hội thăng tiến.

Những năm qua, văn hóa làm việc đã có sự thay đổi lớn. Nhân viên có yêu cầu ngày càng lớn đối với đặc quyền và sự hỗ trợ khác nhau như làm việc từ xa linh hoạt, được chăm sóc sức khỏe mở rộng.

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Học giả Trung học Quốc gia (NSHSS) ở Mỹ, đối với thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012), kỳ vọng về nơi làm việc đã có những thay đổi đáng kể, CNBC đưa tin.

Khảo sát Sở thích nghề nghiệp năm 2022 của NSHSS đi sâu vào tìm hiểu "động lực nghề nghiệp" của Gen Z, thế hệ nhân tài tiếp theo của lực lượng lao động. Khảo sát này chỉ ra mối quan tâm, ưu tiên của 11.495 học sinh phổ thông và sinh viên đại học.

Theo đó, với Gen Z, công bằng ở nơi làm việc là điều quan trọng hàng đầu, những mối lo ngại về đại dịch Covid-19 không còn khiến họ bận tâm như hai năm trước.

Đặc biệt, nhiều người trẻ đã chán cảnh làm việc tại nhà. Họ muốn tới văn phòng để trải nghiệm, học hỏi từ cấp trên và tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp.

Khủng hoảng làm việc từ xa

Trong số những người tham gia khảo sát, 22% cho biết trải nghiệm cá nhân về bất bình đẳng chủng tộc và phân biệt đối xử đã ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của họ.

Doanh nghiệp đối xử công bằng với các nhân viên thuộc chủng tộc và giới tính khác nhau là điều quan trọng hàng đầu đối với thế hệ Gen Z.

Mối quan tâm tiếp theo của họ là chất lượng cuộc sống, tính linh hoạt, khả năng thích ứng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

James Lewis, Chủ tịch NSHSS nói rằng mong muốn của Gen Z về một nơi làm việc bình đẳng là "đáng ngưỡng mộ", cũng là điều các nhà tuyển dụng cần chú ý.

"Quan trọng là nhà tuyển dụng cần hiểu và lắng nghe người trẻ tuổi. Công bằng cho mọi người là ưu tiên lớn, bởi họ muốn gắn kết với một tổ chức đối xử công bằng với mọi người. Phía sử dụng lao động cần đào tạo và cung cấp môi trường đa dạng và hòa nhập".

Lewis nói thêm đó là cách duy nhất để khiến những ứng viên chất lượng cao hào hứng trở thành một phần của tổ chức và giữ chân họ làm việc lâu dài.

 Các chuyên gia cho rằng làm việc từ xa lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp lẫn sức khỏe tinh thần của người trẻ.

Các chuyên gia cho rằng làm việc từ xa lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp lẫn sức khỏe tinh thần của người trẻ.

Mong muốn tác động tích cực đến thế giới và thực hiện trách nhiệm xã hội cũng là những yếu tố của doanh nghiệp được ứng viên quan tâm. 35% Gen Z muốn làm việc trong lĩnh vực nhân quyền.

Số liệu từ khảo sát của NSHSS cũng chỉ ra rằng Gen Z đã "mệt mỏi" với đào tạo trực tuyến, sau hai năm đại dịch học sinh phải học tập từ xa và người mới đi làm có trải nghiệm công sở tồi tệ.

Theo Wall Street Journal, do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều lao động thuộc Gen Z chưa từng đến văn phòng. Một số chuyên gia cho rằng nó có thể tác động tiêu cực lên cuộc sống và sự nghiệp của giới trẻ trong tương lai.

Hai tiến sĩ Santor Nishizaki và James DellaNeve đã cùng viết cuốn sách về Gen Z và lực lượng lao động tương lai. Họ cho rằng gần 50% người trả lời đã rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm khi làm việc tại nhà, dù ưa chuộng hình thức này.

"Gen Z là nhóm có ít tương tác thực tế nhất vì dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình máy tính", ông Nishizaki nói.

Tới văn phòng để gia tăng cơ hội

Hiện tại, thế hệ Gen Z muốn làm việc, học tập trực tiếp để có được kinh nghiệm thực tế.

Chỉ 23% người được hỏi cho biết làm việc từ xa là điều kiện quan trọng. Có 63% Gen Z muốn được đào tạo trực tiếp từ nhà tuyển dụng, chỉ 13% ủng hộ đào tạo trực tuyến.

"Chúng tôi nhận ra rằng thế hệ nhân viên và lãnh đạo tương lai không muốn làm việc tại nhà. Họ muốn có trải nghiệm phong phú ở văn phòng, để có thể theo dõi và học hỏi từ những người quản lý trực tiếp của mình", Lewis nói, cho rằng đây là "tin vui" đối với nhiều công ty vì người lao động đã muốn trở lại văn phòng như trước.

 Gen Z muốn đến văn phòng để có cơ hội học hỏi từ cấp trên và phát triển sự nghiệp.

Gen Z muốn đến văn phòng để có cơ hội học hỏi từ cấp trên và phát triển sự nghiệp.

Jeffrey Arnett, giáo sư Tâm lý học tại ĐH Clark (Mỹ), cũng nhận định môi trường công sở có thể giúp người trẻ kết nối thêm các mối quan hệ xã hội như cấp trên - dưới, đối tác, đồng nghiệp.

Johnny C. Taylor Jr., Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ, cho rằng giới trẻ chọn không tới văn phòng là thiệt thòi vì họ sẽ thiếu cơ hội xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp.

Nhìn chung, Gen Z có hứng thú hơn với những công ty tạo điều kiện để họ có cơ hội học tập và phát triển lên cao. Đây được xem là yếu tố để các nhà tuyển dụng thu hút nhân tài.

Khi nói về lựa chọn công việc toàn thời gian đầu tiên, 67% người trả lời khảo sát muốn làm tại các công ty sẽ cho phép họ "học các kỹ năng để thăng tiến trong sự nghiệp".

65% Gen Z cho biết họ còn rất nhiều điều phải học nhưng rất hào hứng để thực hiện chúng.

"Các bạn trẻ ngày nay thích học. Và họ học nhanh hơn so với các thế hệ trước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tạo ra một môi trường cùng học tập trong văn phòng. Làm sao để tạo ra cơ hội cũng như thách thức, thúc đẩy tinh thần học hỏi mạnh mẽ của ứng viên là điều cần lưu tâm", Lewis nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gen-z-bat-dau-chan-canh-lam-viec-tu-xa-post1328368.html