Gen Z 'đại tu' nơi làm việc

Thế hệ Z đang định hình lại nơi làm việc với phong cách làm việc linh hoạt, ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, làm việc từ xa và các giờ làm việc không cố định.

Lực lượng lao động thế hệ Z chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu, những ngành nghề đóng vai trò trọng yếu trong sự phát triển của xã hội.

Lớn lên trong môi trường kỹ thuật số, thế hệ Z sở hữu lợi thế vượt trội so với các thế hệ trước về khả năng tiếp cận và xử lý thông tin, thể hiện sự linh hoạt trong phong cách làm việc. Đây là một đặc điểm nổi bật của thế hệ Z.

Gen Z đã quen với phong cách làm việc sử dụng công nghệ. Ảnh: Hoàng Anh.

Gen Z đã quen với phong cách làm việc sử dụng công nghệ. Ảnh: Hoàng Anh.

Góc nhìn đa chiều về sự linh hoạt trong phong cách làm việc

Sự linh hoạt là đặc trưng nổi bật trong phong cách làm việc của gen Z. Tuy nhiên, sự linh hoạt này được thể hiện như thế nào, lại là câu hỏi được nhiều người, kể cả chính những nhân sự thuộc thế hệ này, đặt ra.

Chị Khánh Linh, một nhà phân tích kinh doanh, lý giải sự linh hoạt trong phong cách làm việc là khả năng thích nghi với mọi môi trường và ưu tiên công việc dựa trên bối cảnh cụ thể.

"Tôi ưa chuộng làm việc tại những không gian mở, chẳng hạn như quán cà phê, thư viện hay thậm chí là tại nhà, miễn là đảm bảo hiệu quả công việc. Thời gian cũng linh hoạt, tôi thường phân chia các nhiệm vụ và xen kẽ những khoảng nghỉ ngắn để duy trì sự tập trung, thay vì ngồi cố định trong 8 tiếng theo cách truyền thống", chị chia sẻ.

Chị Thảo Nguyễn, một nhân viên thiết kế, lại cho rằng sự linh hoạt thể hiện qua khả năng sáng tạo ý tưởng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chị có thể thay đổi phong cách thiết kế cho phù hợp với yêu cầu riêng của mỗi khách hàng, đồng thời sở hữu những kỹ năng cần thiết để theo sát từng bước trong quá trình làm việc.

Chị Thảo cũng khẳng định sự linh hoạt trong giờ giấc làm việc là một yếu tố quan trọng, giúp chị không bị ràng buộc với một khách hàng duy nhất, từ đó có thể tìm kiếm cơ hội ở nhiều nguồn khác nhau đồng thời có thể dành thời gian cho cá nhân.

Không chỉ là chị Thảo, một khảo sát cuối năm 2023 của Anphabe với 63.878 người đi làm và 9.638 sinh viên trên toàn quốc cho thấy, khoảng 72% gen Z mong muốn làm việc trong một môi trường cho phép họ cân bằng cuộc sống công việc với cuộc sống riêng tư và trách nhiệm gia đình.

Phong cách làm việc thường chịu ảnh hưởng từ sự kết hợp của hai yếu tố: thế hệ và môi trường làm việc. Với thế hệ Z, sự phát triển của công nghệ và khả năng tiếp cận thông tin từ internet đã giúp họ tự học và tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng. Chính điều này là chìa khóa tạo nên sự linh hoạt trong cách họ làm việc.

Theo chị Linh, môi trường làm việc cũng đóng vai trò quan trọng. Nơi nào cởi mở và đề cao sự linh động sẽ dễ dàng thúc đẩy gen Z phát huy phong cách này. Ngược lại, môi trường đóng cửa, quá quy củ sẽ khiến họ cảm thấy ngột ngạt và khó thể hiện sự linh hoạt của mình.

Đối với chị Thảo, sự linh hoạt trong ngành nghề của chị là một kỹ năng cần được rèn luyện trong từng môi trường làm việc.

“Thông thường, những năm đầu tiên khi mới vào nghề thì chu trình làm việc trong một công ty của chúng tôi không dài, trong khoảng thời gian đó chúng tôi sẽ nỗ lực để học hỏi và trau dồi bản thân ở các lĩnh vực mà công ty này hoạt động trước khi thay đổi môi trường khác”, chị Thảo giãi bày.

Bản chất của công việc thiết kế để thích ứng với mỗi môi trường thì cần phải liên tục cập nhật và linh hoạt trong tư duy, để có thể thích nghi với mỗi môi trường làm việc. Và vì xu hướng của mỗi năm đều có sự thay đổi, để bắt kịp với nhu cầu của khách hàng hiện tại thì họ cũng cần có những sự thay đổi thích hợp để đáp ứng với mong đợi từ khách hàng.

Tuy nhiên không thể không nhắc tới thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 đã để lại dấu ấn sâu sắc trên thị trường lao động, không chỉ riêng với gen Z. Cách thức làm việc truyền thống đã phải thích nghi và chuyển đổi sang mô hình trực tuyến, mang đến những thay đổi đáng kể trong thói quen và tư duy của người lao động.

Chị Linh chia sẻ từ khi phải làm việc và học tập từ xa, chị quen với việc sắp xếp công việc một cách độc lập, không phụ thuộc vào ai quá nhiều. Việc này giúp chị tự lập hơn, biết cách quản lý thời gian và tập trung vào mục tiêu chính.

Sự phát triển của mô hình làm việc từ xa đã tạo điều kiện cho các ngành sáng tạo có nhiều không gian và thời gian làm việc linh hoạt hơn. Điều này giúp người lao động có thể lựa chọn nhiều công việc cùng lúc, từ đó gia tăng thu nhập. Đại dịch cũng đã thúc đẩy các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp nhìn nhận lại rằng năng suất lao động không phụ thuộc vào vị trí làm việc hay thời gian làm việc truyền thống, mà nằm ở năng lực và phương thức làm việc hiệu quả.

Coffee badging và góc nhìn của gen Z

Sau đại dịch Covid-19, khái niệm "coffee badging" đã xuất hiện, miêu tả hành vi nhân viên đến văn phòng vào sáng sớm, xác nhận sự có mặt với cấp trên, nhưng sau đó nhanh chóng rời đi sau khi thưởng thức một ly cà phê. Họ tiếp tục công việc tại nhà hoặc bất kỳ nơi nào họ cảm thấy hiệu quả hơn. Hành vi này có thể được xem là một chiến lược "đánh lừa" quản lý về thời gian làm việc tại văn phòng.

Quan điểm về "coffee badging" là đa chiều. Một số nhà tuyển dụng đánh giá đây là hành vi tiêu cực, trong khi những người khác lại nhìn nhận nó như một biểu hiện tích cực của sự linh hoạt. Từ góc độ nhân viên, "coffee badging" được xem là giải pháp tối ưu hóa hiệu quả làm việc từ xa, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển.

Chị Linh nhận định "coffee badging" là một phần của xu hướng làm việc linh hoạt đang thịnh hành. Việc đến văn phòng vào buổi sáng để chào hỏi đồng nghiệp và khẳng định sự hiện diện sau đó rời đi, không phải là vấn đề nếu nhân viên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Coffee badging thực chất là một cách để duy trì sự kết nối tối thiểu với công ty, đồng thời đảm bảo không gian làm việc phù hợp cho bản thân. Tuy nhiên, hiệu quả của phương thức này phụ thuộc vào sự tin tưởng từ cấp quản lý", chị bày tỏ.

Sự khác biệt về phong cách làm việc giữa thế hệ Z và các thế hệ trước được thể hiện rõ nét qua cách nhìn nhận về thời gian và không gian làm việc. Thế hệ đi trước thường làm việc theo giờ hành chính, coi sự hiện diện tại văn phòng là điều bắt buộc, là minh chứng cho sự "có công việc ổn định".

Ví dụ cụ thể hơn, thế hệ X ưu tiên làm việc tại văn phòng với thời gian cố định, họ mong muốn chứng kiến tận mắt quy trình làm việc của người khác để đảm bảo tiến độ. Thế hệ này nỗ lực, kiên nhẫn, có thể chấp nhận khó khăn với thái độ cầu tiến. Gen Y lại có sự cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân, họ có tư tưởng thoáng hơn và ưa chuộng phong cách làm việc cộng tác hơn so với thế hệ X.

Còn gen Z, đa phần vừa bắt đầu bước chân vào môi trường làm việc có sự quan tâm lớn hơn với quyền lợi bản thân, họ ưu tiên các cơ hội có thể vừa giúp mình trau dồi và phát triển, vừa phù hợp với đam mê và nhu cầu của mình, đồng thời họ chú trọng vào khả năng hoàn thành công việc, chứ không phải ngồi ở văn phòng cho đủ giờ. Gen Z cũng có nhiều tự do hơn trong việc lựa chọn các lĩnh vực công việc, và cả thời gian lẫn không gian làm việc hơn.

Với nhiều người, môi trường văn phòng là một không gian phù hợp để tập trung và trao đổi công việc với đồng nghiệp, nhưng không phải không gian để có nhiều ý tưởng làm việc.

Theo thời gian, khi cá nhân chứng minh năng lực và đạt hiệu quả làm việc ổn định, việc đánh giá hiệu quả dựa trên kết quả đạt được là yếu tố quan trọng. Nếu môi trường làm việc hiện tại không phù hợp với phong cách làm việc và năng suất của cá nhân, dẫn đến sự thiếu hiệu quả và hiệu năng thấp, việc chuyển đổi môi trường làm việc có thể là lựa chọn tối ưu để phát huy tối đa tiềm năng và khả năng của bản thân.

Chuyên đề: Quản trị nhân sự gen Z – Thách thức và cơ hội

Gen Z đang dần trở thành lực lượng lao động chủ chốt với những đặc điểm và kỳ vọng khác biệt. Tuy nhiên, chính sự khác biệt về thế hệ cũng khiến các doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong việc duy trì sự gắn kết và tối ưu hóa hiệu quả công việc.

Chuyên đề này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những xu hướng, phương pháp và kinh nghiệm từ các nhà quản trị hàng đầu trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân sự gen Z. Từ việc hiểu rõ nhu cầu và động lực của thế hệ này đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp, các bài viết sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ thích ứng mà còn biến thế hệ mới thành động lực thúc đẩy cho phát triển bền vững.

Chúng tôi hy vọng chuyên đề sẽ mang lại cái nhìn toàn diện và hữu ích để tối ưu hóa quản trị nhân sự gen Z, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững và sáng tạo của doanh nghiệp.

Bài 1: Phá bỏ định kiến, sẵn sàng đón gen Z
Bài 2: Thấu hiểu gen Z: Chìa khóa quản trị hiệu quả nhân sự thế hệ mới
Bài 3: Gen Z mong đợi gì ở nơi làm việc?
Bài 4: Áp lực bủa vây gen Z: Doanh nghiệp cần làm gì để giải tỏa?
Bài 5: Talentnet bày cách tối đa hóa sức mạnh gen Z trong môi trường đa thế hệ
Bài 6: Cách DKSH hóa giải thách thức quản trị nhân sự đa thế hệ
Bài 7: Chiến lược trẻ hóa đội ngũ ở PNJ
Bài 8: Tạo động lực cho gen Z: Đừng để phản tác dụng
Bài 9: Đập tan định kiến: Bản lĩnh lãnh đạo gen Z ở Nabu Global
Bài 10: Làm việc tự do: Hạnh phúc có bền lâu?
Bài 11: Gen Z chân trong chân ngoài: Làm thế nào để quản trị hiệu quả?
Bài 12: Môi trường làm việc Gen Z đang tìm kiếm
Bài 13: CEO Emakase bật mí cách truyền lửa cho gen Z trong doanh nghiệp

Ngọc Hân

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/gen-z-dai-tu-noi-lam-viec-d37962.html