Gen Z 'hướng nội thích chơi nổi' và đam mê làm đồ thủ công đậm hồn Việt
Với sự kết hợp giữa nét hoài cổ và chất hiện đại, Huy Tiêu biến những ý tưởng độc đáo thành hiện thực, tạo nên các sản phẩm vừa đậm tính văn hóa vừa thỏa mãn tính cách 'hướng nội thích chơi nổi'.
Bắt đầu từ cái đẹp của nghề may
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Đồng Tháp, Huy Tiêu may mắn thừa hưởng đôi tay khéo léo và gu thẩm mỹ từ mẹ, một thợ may "chuẩn không cần chỉnh".
"Mẹ mình cẩn thận đến từng đường kim mũi chỉ, nên chắc mình cũng bị "lây" tính kỹ lưỡng đó", Huy Tiêu chia sẻ. Có lẽ cũng từ đây mà chàng trai Gen Z này tự nhận mình bị "OCD nghề nghiệp", luôn ám ảnh về sự hoàn hảo trong từng sản phẩm thủ công.
Thế nhưng, đam mê của chàng sinh viên Bách Khoa không phải lúc nào cũng khiến mẹ tự hào. Ngược lại, nó từng là "nỗi lo không hồi kết" vì "Mẹ sợ mình loay hoay với đam mê mà chẳng làm đúng ngành học", Huy Tiêu nhớ lại.
Dẫu vậy, sự gắn bó với cái đẹp qua từng thước vải đã trở thành nguồn cảm hứng nuôi dưỡng hành trình của chàng trai này. Đội nón lá đi học hay tự làm phụ kiện đơn giản, cậu bạn Gen Z ấy đã sớm tìm được "sân chơi" để thể hiện cá tính.
Bước "chuyển mình" của những chiếc nón
Năm 2018, giữa lúc hai bộ phim cung đấu đình đám gây sốt, Huy Tiêu đã bắt đầu hành trình sáng tạo của mình từ một ý tưởng khác biệt. "Mình không chú ý quá nhiều vào cốt truyện mà sẽ để ý đến trang phục, lễ tiết. Mình tự hỏi: Vào từng thời kì, Việt Nam có những nét đặc trưng gì" - Huy Tiêu chia sẻ.
Chiếc mũ đầu tay, Cửu Long Thông Thiên, là cả một hành trình chắt chiu. "Vì nguyên liệu Việt Nam có giá thành cao, mình phải thay thế bằng đất sét tự nặn hoặc đặt một số thứ từ nước ngoài. Dù là bản mô phỏng, nhưng mình cố gắng làm những chi tiết giống thực tế nhất có thể", Huy Tiêu kể. Sản phẩm ra đời không chỉ giúp chàng trai Gen Z khẳng định khả năng mà còn nhận được sự yêu thích từ cộng đồng mạng.
Sau Cửu Long Thông Thiên, Huy Tiêu tìm về với nét đẹp truyền thống để thổi hồn sáng tạo vào những chiếc nón lá. Đặc biệt trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, hai mẫu nón lá mang đậm tính nghệ thuật ra đời trước nguồn cảm hứng "chụp choẹt" đón Xuân.
Chiếc nón lá hoa sen được trang trí với hình ảnh hoa sen hồng - biểu tượng của thanh cao và tinh khiết. Những cánh sen được Huy Tiêu sắp xếp tỉ mỉ trên nền chiếc nón lá truyền thống, tạo nên một tác phẩm hài hòa giữa giá trị văn hóa và vẻ đẹp hiện đại.
Trong khi đó, nón lá con mãng và mây như ý lại là câu chuyện của quyền uy và phồn thịnh. Huy Tiêu lấy cảm hứng từ hình ảnh rồng 4 móng và đám mây cát tường của triều Nguyễn để tái hiện nét nghệ thuật đầy uy nghiêm.
"Bố cục và số lượng các chi tiết trên nón được cân nhắc sao cho giữ được trọn vẹn ý nghĩa của họa tiết nhưng vẫn không làm mất đi hình dáng của chiếc nón lá", Huy Tiêu chia sẻ.
Những chiếc nón lá này không chỉ dùng để che mưa nắng mà còn là chiếc "micro di động" kể chuyện lịch sử. Chúng mang tinh thần sáng tạo "hướng nội nhưng thích chơi nổi" - một dấu ấn rất riêng của người con Đồng Tháp.
Lan tỏa văn hóa qua những câu chuyện nhỏ
Không dừng lại ở mỹ nghệ truyền thống, chàng trai Gen Z còn sáng tạo các sản phẩm ứng dụng như dây đeo thẻ nhằm phục vụ mục đích "hướng nội thích chơi nổi". Huy Tiêu hài hước chia sẻ: "Trong lớp cô hay gọi những bạn mặc đồ nổi, khi nào mình chuẩn bị bài thì mình dùng dây đeo thẻ đó".
Điều Huy Tiêu tự hào nhất không phải là những sản phẩm cầu kỳ, mà là cách cậu lan tỏa tinh thần yêu văn hóa Việt qua những buổi trò chuyện, chia sẻ. "Không cần quá rình rang, mình chỉ mong những sản phẩm của mình truyền cảm hứng đến người yêu văn hóa", cậu bạn bộc bạch.
Hành trình của Huy Tiêu không chỉ là câu chuyện về một chàng trai Gen Z "hướng nội mà thích chơi nổi", mà còn là hình ảnh của thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm và mang nét đẹp Việt đi xa hơn.