Gen Z 'khịa' 8X, đầu 9X quê mùa
Gen Z ngày nay đang chế giễu thế hệ Millennials từ cách đi tất, mặc quần jeans, đến kiểu chụp ảnh selfie.

Gen Z có xu hướng "khịa" các thế hệ trước lỗi thời. Ảnh: Ticket Arena.
“Tôi sẽ không bao giờ đi tất dài!”, Natalie Ormond (43 tuổi) tuyên bố chắc nịch. Cô trung thành với kiểu tất ngắn giấu trong giày thể thao và không hiểu vì sao Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) lại chuộng tất cao đến tận bắp chân, nhất là khi mặc cùng quần thể thao bó sát.
Gen Z thích quần rộng, cạp trễ - hoàn toàn trái ngược với kiểu quần skinny hoặc “mom jeans” (quần jean nữ lưng cao) mà Millennials (những người sinh năm 1981-1996) từng lăng xê, theo The Guardian.
Bữa sáng với bơ nghiền, món “gây sốt” của thế hệ 8X, nay bị thay thế bằng matcha hoặc đồ uống mới mẻ hơn. Ngay cả biểu tượng cảm xúc “cười ra nước mắt” cũng bị chê là già. Gen Z chọn biểu tượng đầu lâu để thể hiện sự buồn cười “tới chết”.
Millennials còn bị chỉ trích vì “khoảng dừng lạ lùng” khi quay video - vài giây im lặng để kiểm tra xem máy quay đã hoạt động hay chưa. Trong khi gen Z quay clip nhanh, gọn, đầy tự tin, hành động đó lại làm Millennials trông vụng về.
Giờ đây, mọi thứ của Millennials dường như đã lỗi thời trong mắt lớp trẻ mới lớn.
Từ người tiên phong đến gán mác là "già"
Từng là thế hệ tiên phong trong công nghệ, vượt trội hơn thế hệ X (những người sinh năm 1965-1980) và Baby Boomer (những người sinh năm 1946-1964), Millennials giờ đây lại trở thành đối tượng bị trêu chọc. Trên TikTok, nhiều người chế giễu qua các hashtag như #millennialsoftiktok.
Tác giả bài viết - một người sinh năm 1991 - vẫn nhớ rõ thời chưa có điện thoại thông minh, từng chờ đợi đĩa DVD từ Netflix và chỉ dùng Facebook khi còn học phổ thông. Thế hệ này từng bị gán mác “lười biếng”, “yếu đuối” hay “không biết tiết kiệm”.
Họ bị trách vì không mua nổi nhà, dù giá bất động sản tăng cao, học phí đắt đỏ và lương không theo kịp cuộc sống.

Gen Z ưa chuộng tất dài trong khi Millennials vẫn thích tất ngắn hơn. Ảnh: Edith Pritchett/The Guardian.
Thế nhưng, Millennials vẫn tự hào vì là chiếc cầu nối giữa thời đại analog (truyền hình tương tự mặt đất) và kỹ thuật số. Họ lớn lên cùng băng cassette, nhưng cũng là những người đầu tiên chạm tay vào mạng xã hội.
Không phải ai cũng vui vẻ chấp nhận sự thay đổi. Lily Saujani (37 tuổi) chia sẻ cảm giác khó chịu khi bị Gen Z gọi là “già” chỉ vì sinh trước năm 1992. “Chúng tôi bị đánh giá bởi một thế hệ nghĩ rằng họ phát minh ra mọi thứ, trong khi thực tế, họ chỉ đang làm lại những điều chúng tôi từng làm trước đó”, cô nói.
Thực tế, nhiều điều Gen Z đang “bùng nổ” ngày nay đều bắt nguồn từ Millennials. Những tài khoản TikTok triệu view được lấy cảm hứng từ thời kỳ MySpace và những đêm chat MSN của 8X. Các trào lưu thời trang “mới lạ” chẳng qua là phiên bản hiện đại hóa của phong cách ngày xưa.
Natalie Ormond - người yêu thích tất ngắn - cũng nhấn mạnh rằng ý thức bảo vệ môi trường của Gen Z chính là hạt giống do thế hệ cô gieo trồng từ sớm.
Theo nhà báo Lizzie Cernik, bước ngoặt xảy ra từ đại dịch Covid-19. Khi thế hệ 8X bắt đầu bước qua tuổi tiệc tùng, Gen Z lại vươn lên chiếm lĩnh văn hóa đại chúng. Sau thời gian giãn cách, lớp trẻ trở lại mạnh mẽ với xu hướng mới, phong cách mới và Millennials bỗng nhiên thành “người cũ”.
Khác biệt về mọi mặt
Chuyên gia làm đẹp Laura Pearson (40 tuổi) kể rằng mạng xã hội từng là sân chơi riêng của mình.
Nhưng rồi Gen Z xuất hiện, trẻ, ít kinh nghiệm hơn nhưng lại nổi tiếng nhanh chóng nhờ TikTok và Instagram. Tuy vậy, cô vẫn tự tin: “Tôi không để một cái nhãn như ‘Millennials’ định nghĩa bản thân”.
Sự khác biệt thế hệ đôi khi đến từ những điều rất nhỏ. Tiến sĩ Carolina Are, chuyên gia nghiên cứu mạng xã hội tại Đại học Northumbria (Anh), kể rằng khi hỏi em trai và bạn bè thuộc Gen Z điều gì khiến Millennials trông “quê”, cô nhận lại một câu trả lời khá buốt: “Ngay cả tin nhắn chị nhờ làm khảo sát cũng rất millennial bởi quá tử tế, quá lịch sự”.
Một điểm dễ nhận thấy là cách chụp ảnh. Millennials thích chụp selfie bằng camera trước, từ trên xuống, gương mặt chiếm gần hết khung hình, cười kiểu “gồng”.
Gen Z thì dùng camera sau, ống kính góc rộng 0.5x, bấm bằng nút âm lượng. Kết quả là ảnh trông tự nhiên, tay dài ngoằng, đôi khi méo mó nhưng thật.
Millennials thích ảnh đẹp, sáng sủa, chỉn chu, kể cả khi đang cho con bú hay đi công viên. Trong khi đó, Gen Z không ngại ảnh xấu, ảnh dìm, miễn là vui và thật.
Tiến sĩ Are nói: “Gen Z chấp nhận sự lộn xộn. Họ biết mạng xã hội có hại, nhưng không cố ‘tô màu’ bản thân. Còn Millennials thì lo giữ hình ảnh. Điều này khiến họ trông quê trong mắt người trẻ”.

Millennials chọn phong cách selfie đẹp và sáng sủa. Ảnh: Freepik.
Không chỉ phong cách, đến cả khiếu hài hước cũng chia 2 thế hệ. Millennials thường thích đùa kiểu “tự dìm”, gần gũi, dễ cảm. Gen Z thì thiên về châm biếm, nhiều tầng nghĩa, có phần kỳ quặc. Nếu Millennials tạo meme, thì Gen Z lại đùa về meme đó.
Một phần sự khác biệt này bắt nguồn từ hoàn cảnh. Gen Z lớn lên trong thời kỳ đầy biến động: khủng hoảng tài chính, giá nhà cao, môi trường ô nhiễm và tin tức tiêu cực dồn dập.
Em trai của tác giả nói: “Gen Z cười kiểu ‘tôi biết đời khổ, nên đành cười cho qua’”.
Có lẽ, điều đơn giản chỉ là thời thế đã đổi. “Ngôi vua” của văn hóa mạng đã chuyển từ Millennials sang Gen Z. Và Millennials cần học cách chấp nhận điều đó.
Sam Harrington-Lowe (55 tuổi), Tổng biên tập tạp chí Silver Magazine, lại cho rằng thế hệ X mới thật sự “ngầu”. Bởi họ chẳng quan tâm mình có ngầu hay không. Gen Z chê Millennials quê thì dễ, chứ chọc giận Boomer mới vui.
Còn nhà báo văn hóa Daisy Jones (32 tuổi) - từng viết cho Vogue, lại chọn cách sống khác. Từ năm 2019 đến nay, cô chỉ đăng vỏn vẹn 27 bài trên Instagram. Không cà phê, không chó cưng, không ảnh brunch. “Tôi nghĩ ‘ngầu’ là không cần cố tỏ ra ngầu. Cứ chạy theo trend mãi thì mệt lắm”, cô nói.
Điều duy nhất khiến cô thấy phiền là Gen Z tưởng mình là thế hệ đầu tiên lớn lên với internet. “Tôi 12 tuổi đã dùng MySpace rồi, chứ không phải đang nhặt hạt dẻ đâu nhé!”.
Cuối cùng, “ngầu” là chuyện cảm nhận. Có người thấy selfie đẹp là ngầu, có người lại nghĩ chụp ảnh méo mới cá tính. Không có công thức chung nào cho sự sành điệu. Điều quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái với chính mình.
Và có lẽ, câu nói của Natalie Ormond - người phụ nữ trung thành với tất ngắn - đã nói lên điều đó: “Khi bạn lớn lên, bạn hiểu rõ mình hơn. Và đó mới là điều ngầu nhất khi làm một Millennial”.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gen-z-khia-8x-dau-9x-que-mua-post1552012.html