Gen Z nhìn về ngày 30/4: Khi lịch sử sống động trong thời đại số

Tháng Tư về, những ký ức ngày 30/4 lịch sử được nhắc nhớ trên khắp các phương tiện truyền thông. Với Gen Z – thế hệ lớn lên trong thời đại số, cách tiếp cận lịch sử không đơn thuần gói gọn trong những bài giảng trên lớp, mà còn hiện hữu qua mạng xã hội, triển lãm nghệ thuật tương tác và những dự án sáng tạo. Lịch sử, với họ, là một phần sống động của hiện tại, là bài học để xây dựng tương lai.

Đối với Gen Z, lịch sử là nguồn cảm hứng giúp họ sống có trách nhiệm và hoàn thiện bản thân, chứ không đơn thuần là ký ức của quá khứ. Võ Hồng Ánh (sinh năm 2005, Hà Nội) chia sẻ rằng ngày 30/4 là dịp để cô trở về bên gia đình, đồng thời là khoảng thời gian nhìn lại và tri ân những người đã hy sinh cho hòa bình hôm nay. Cô tự nhủ phải sống có trách nhiệm và xứng đáng với những giá trị của độc lập - tự do. Đây là biểu hiện rõ nét của tinh thần “tri ân và hành động” mà thế hệ trẻ đang hướng tới.

Cùng với sự phát triển của truyền thông đa phương tiện, Gen Z đã có những phương thức mới để tiếp cận lịch sử. Ngoài tư liệu sách giáo khoa, báo giấy hay các bộ phim truyền hình, ngày nay các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram đã mở ra không gian sáng tạo phong phú, nơi lịch sử được kể lại bằng những ngôn ngữ trẻ trung, sinh động hơn. Các cuộc thi tìm hiểu lịch sử trong nhà trường, các chiến dịch truyền thông do tổ chức xã hội thực hiện cũng góp phần khơi dậy niềm quan tâm lịch sử trong giới trẻ. Hồng Ánh chia sẻ, cô từng tham gia hoạt động văn nghệ kỷ niệm ngày 30/4 khi còn nhỏ, và hiện nay tiếp tục chủ động tham gia các cuộc thi tại trường đại học, đọc tập san ngày 30/4 của báo Nhân Dân, như một cách để giữ gìn và lan tỏa những giá trị truyền thống.

Công nghệ đã làm thay đổi cách giới trẻ tiếp cận lịch sử dân tộc.

Công nghệ đã làm thay đổi cách giới trẻ tiếp cận lịch sử dân tộc.

Trong quá trình tiếp cận lịch sử, tinh thần khách quan và đa chiều là yêu cầu đặt ra đối với thế hệ trẻ. Hoa Nữ Hoa Quỳnh (sinh năm 2005, Nghệ An), sinh viên chuyên ngành Quan hệ quốc tế, cho biết việc học đòi hỏi cô phải khai thác nhiều nguồn tài liệu trong nước và quốc tế. Quỳnh lựa chọn các tài liệu đáng tin cậy, tránh rơi vào cái nhìn phiến diện hoặc bị chi phối bởi những luận điệu tiêu cực từ một số nguồn nước ngoài. Việc đối chiếu, phân tích và đánh giá thông tin đã giúp cô mở rộng tri thức, tiếp cận lịch sử 30/4 từ nhiều khía cạnh, qua đó càng thêm tự hào và hiểu rõ hơn về giá trị của nền độc lập mà cha ông đã giành được.

Bên cạnh tinh thần truy vấn khách quan, sự kết nối tình cảm với lịch sử cũng là yếu tố quan trọng. Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2005, Bắc Ninh) tiếp cận thông tin lịch sử từ sách vở, truyền hình đến mạng xã hội, tham gia các triển lãm, chương trình kỷ niệm ngày 30/4. Đặc biệt, việc tìm hiểu ý nghĩa của lá cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đã giúp Lan Anh cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần dân tộc. Với Lan Anh, ngày 30/4 không chỉ là dấu ấn lịch sử, mà còn là niềm tự hào của thế hệ trẻ được hưởng hòa bình.

Trong dòng chảy của thời đại số, lịch sử đã trở thành dòng mạch sống động, được thế hệ trẻ tiếp nhận, tái tạo và lan tỏa theo những cách thức mới. Gen Z biết cách kết nối lịch sử với hiện tại, biến lòng biết ơn thành động lực học tập, lao động và cống hiến. Qua những hành động như sáng tạo nội dung về lịch sử trên mạng xã hội, tham gia tìm hiểu các dấu mốc lịch sử, tổ chức các dự án cộng đồng, thế hệ trẻ hôm nay đang viết tiếp câu chuyện Việt Nam bằng chính nhiệt huyết và trách nhiệm của mình.

Xuân Nhàn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gen-z-nhin-ve-ngay-304-khi-lich-su-song-dong-trong-thoi-dai-so-post1738267.tpo