Gen Z theo xu hướng làm 'bạn tình' với người yêu cũ
Sau khi chia tay mối tình 4 năm, thay vì đường ai nấy đi, Trần Đăng Khôi nói vẫn vừa làm bạn vừa duy trì quan hệ tình dục với người yêu cũ.

Quỳnh Như, 24 tuổi, ở Hà Nội, chọn làm "bạn tình" với người yêu cũ để bớt cô đơn
Lựa chọn theo thói quen và có cảm giác an toàn
Khôi, 25 tuổi, ở Hà Nội, cho biết, dù không còn tình cảm nhưng vẫn muốn gặp gỡ người cũ bởi đối phương đã quá quen thuộc trong cuộc sống của anh. Từng thử qua lại với các cô gái khác, Khôi nói không ai hiểu và đáp ứng được nhu cầu sinh lý của anh được như người yêu cũ.
"Chúng tôi làm bạn tình với nhau đến nay được ba năm, tuần gặp nhau một lần, cả hai đều thấy thoải mái khi duy trì mối quan hệ không ràng buộc này", Khôi nói.
Chàng trai người Hà Nội kể, anh và người yêu cũ học cùng trường cấp ba, sau đó lại chung lớp đại học. Một lần, cả hai tình cờ cùng tham gia hoạt động của trường và đã phải lòng nhau. Sau tốt nghiệp đi làm, Khôi nói anh và bạn gái chia tay vì không dành nhiều thời gian được cho nhau. Đối phương thường xuyên trách móc, hờn dỗi, còn Khôi bận tập trung gây dựng sự nghiệp. Nhưng khi chấm dứt yêu đương, cả hai vẫn nhắn tin, thậm chí chia sẻ nhiều hơn trước.
"Trước đây yêu nhau, tôi áp lực vì phải tập trung làm giàu, có kinh tế để lo cho bạn gái nhưng giờ là bạn bè, cả hai không đòi hỏi hay làm phiền đến cuộc sống của nhau, việc tình dục cũng là tự nguyện", chàng trai 25 tuổi nói.
Còn với Quỳnh Như, 24 tuổi, ở Hà Nội, cô cho biết vừa chấm dứt với mối tình kéo dài hơn một năm. Dù là người chủ động chia tay nhưng sau đó Như và bạn trai cũ vẫn thường xuyên gặp gỡ.
"Muốn một mình nhưng sợ cô đơn, không có thời gian tìm hiểu người mới, người cũ cho tôi cảm giác an toàn kể cả khi làm bạn hay khi quan hệ tình dục", Như nói.

Ảnh minh họa
Như chia sẻ cô quyết định chia tay bởi khi yêu, đối phương không cho cô cảm giác tin tưởng. Bản thân Như cũng mệt mỏi vì phải ghen tuông, cãi vã khi người yêu lén lút tán tỉnh với các cô gái khác. Từ người yêu thành bạn, Như thấy thoải mái hơn, không còn phải kiểm soát, đặt kỳ vọng nhiều vào đối phương như trước.
"Anh ấy thừa nhận vẫn còn tình cảm với tôi nhưng cả hai thấy dễ thở với mối quan hệ hiện tại. Khi một trong hai tìm được người mới, chúng tôi sẽ chấm dứt", Như cho biết.
Tiềm ẩn nhiều hệ lụy có ảnh hưởng lâu dài
Việc vừa là bạn bè vừa có tình dục của Khôi và Như là một trong những biểu hiện của Friends with benefits (chỉ những mối quan hệ bạn bè có yếu tố tình dục, nhưng không ràng buộc về mặt tình cảm).
Xuất hiện từ năm 2011 ở các nước phương Tây nhưng xu hướng quan hệ này phổ biến ở Việt Nam hơn một năm trở lại đây. Trên mạng xã hội, có gần chục hội nhóm về tìm bạn tình, có nhu cầu "Friends with benefits". Mỗi nhóm từ vài nghìn đến vài chục nghìn thành viên tham gia. Trên Tiktok cũng có hơn 40.000 người tìm kiếm và đăng tải nội dung về Friends with benefits.
"Họ thường là những người không muốn có sự cam kết trong mối quan hệ, người thì có nhu cầu vừa làm bạn vừa quan hệ tình dục, người muốn quan hệ tình dục trước nếu hợp nhau thì có thể tìm hiểu về tính cách để trở thành người yêu, một số lại làm bạn tình với người yêu cũ", quản trị viên một nhóm tìm "Friends with benefits" chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TPHCM), bản chất của mối quan hệ "Friends with benefits" là phát triển từ bạn bè, đã có thời gian dài tìm hiểu về cuộc sống của nhau. Cả hai không muốn ràng buộc hay nhu cầu kết nối cảm xúc sâu sắc mà chỉ gần gũi về thể xác.
Thay vì phát triển quá trình từ bạn bè đến bạn tình, nhiều người trẻ, đặc biệt là Gen Z chọn quan hệ tình dục với người yêu cũ. Họ cảm thấy an toàn khi bắt đầu với người mà bản thân đã nắm rõ về cuộc sống, tính cách cũng như nhu cầu sinh lý. Thay vì yêu đương, phải đáp ứng mong muốn của nhau, chuẩn bị cho hôn nhân, xu hướng "Friends with benefit" khiến cho người trẻ bớt mệt mỏi, áp lực.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Thảo, đây là mối quan hệ tạm bợ, không lành mạnh, chỉ giải quyết được nhu cầu sinh lý, khi không còn thỏa mãn sẽ rời đi. Điều này khiến người trẻ hình thành lối sống bất cần, mất niềm tin vào hôn nhân, sự thủy chung, gắn bó trong tình yêu.
Hiện nay, trên các ứng dụng hẹn hò, nhiều người trẻ không ngại ngần đăng tìm người vừa làm bạn vừa để quan hệ tình dục. Chuyên gia Thảo cho rằng, đây là biến tướng của "Friends with benefits", có thể dẫn tới việc mua dâm, bởi một số thậm chí chỉ nói chuyện với nhau vài câu, không hiểu về cuộc sống của đối phương nhưng sẵn sàng quan hệ tình dục.
"Điều này có thể khiến họ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn nếu không chủ động phòng tránh", chuyên gia Thảo nói.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị Da liễu toàn quốc năm 2023, Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi năm điều trị 4.000-5.000 ca bệnh tình dục. Trong đó, gần 30% bệnh nhân tuổi 15-24, với tỷ lệ học sinh tuổi 12-18 chiếm 4,2% và nhóm sinh viên 18-22 tuổi chiếm 22,6%.
Sau vài tháng làm bạn tình với người cũ, Ngọc Diệp, 25 tuổi, ở TP HCM nói bị bạn bè, người thân phát hiện và chửi mắng, thậm chí coi thường. Bản thân cô cũng thấy hối hận, chỉ vì sự thỏa mãn nhất thời của bản thân, để vơi đi cảm giác cô đơn mà có những hành động sai trái.
"Sau khi chấm dứt, tôi bị đối phương dọa sẽ phơi bày mọi chuyện nhưng tôi sẵn sàng trả giá, dù có thể sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc đích thực", cô gái 25 tuổi cho biết.
TS Nguyễn Thanh Nga, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng đưa ra lý do ngày càng nhiều người trẻ chọn quan hệ "Friend with benefit" là bởi họ có sự thay đổi trong cách nhìn nhận về tình yêu và sự ràng buộc. Họ chú trọng nhiều hơn đến quyền tự do cá nhân, muốn có những trải nghiệm tình cảm hoặc thể xác nhưng không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong mối quan hệ, cả hai phải tự chịu trách nhiệm với bản thân nếu có hậu quả ngoài ý muốn xảy ra.
"Người trẻ nên yêu đương lành mạnh, nghiêm túc, đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc, cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống và đừng coi tình yêu chỉ là nơi thỏa mãn nhu cầu tình dục", chuyên gia Nga chia sẻ.