Từ vụ livestream đánh 'vợ hờ': Xã hội văn minh cần loại bỏ những hành vi bệnh hoạn

Trong một xã hội đang ngày càng đề cao giá trị văn minh, bình đẳng và tôn trọng nhân phẩm, việc một người đàn ông ngang nhiên hành hung một phụ nữ đang bế con nhỏ trong căn phòng trọ ở phường Thủ Dầu Một, TPHCM và livestream lên mạng xã hội không chỉ là tội ác...

Clip được phát tán tối 12/7 vừa qua không chỉ ghi lại hành vi bạo lực thể xác, mà còn là sự bạo hành về tâm lý ở mức độ nghiêm trọng. Người đàn ông có tên Trần Văn Trung không chỉ liên tục tát vào mặt cô gái trẻ tên T. (sống với hắn như vợ chồng) đang run rẩy ôm con trong góc phòng, mà còn làm điều đó với thái độ thản nhiên, như một trò giải trí rẻ tiền trên sóng livestream.

Những cái tát vang lên giữa tiếng khóc thét của đứa trẻ chưa đầy tuổi không chỉ chạm đến giới hạn chịu đựng của một người mẹ mà là giới hạn chịu đựng của những người chứng kiến.

Biểu hiện của sự lệch chuẩn nghiêm trọng về đạo đức

Trần Văn Trung không phải là người duy nhất đánh phụ nữ. Nhưng việc anh ta quay phát trực tiếp và thản nhiên hỏi "nghe không mọi người?" sau mỗi cái tát cho thấy một thứ tâm lý lệch chuẩn đáng sợ - nơi hành vi bạo lực được coi là một loại thành tích, một sản phẩm giải trí để câu like, thu hút chú ý.

Trần Văn Trung đánh đập cô gái ôm con nhỏ

Trần Văn Trung đánh đập cô gái ôm con nhỏ

Đây không còn đơn thuần là hành vi "cố ý gây thương tích" hay "làm nhục người khác" như những điều luật hình sự có thể gọi tên. Nó là một triệu chứng nghiêm trọng của một kiểu lệch chuẩn đạo đức - nơi con người sẵn sàng dùng nỗi đau của người khác để tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân.

Không khó để nhận ra những yếu tố khiến vụ việc gây chấn động: nạn nhân là một người mẹ trẻ, tay còn đang bế đứa con chưa đầy một tuổi; không có bất kỳ hành vi chống cự, không có ai can thiệp - ngoại trừ gia đình chỉ biết cầu cứu qua màn hình. Sự bất lực tuyệt đối của nạn nhân phản ánh một thực tế đau lòng: nhiều phụ nữ đang sống trong các mối quan hệ độc hại nhưng không có kỹ năng, không có sự hỗ trợ để thoát ra.

Câu hỏi đặt ra không chỉ là "Trung sẽ bị xử lý như thế nào?", mà là: có bao nhiêu người đàn ông như Trung vẫn đang tồn tại, sống bình thường, thậm chí tự cho mình cái quyền bạo hành? Và có bao nhiêu phụ nữ như chị T. vẫn đang âm thầm chịu đựng, hy vọng sai lầm rằng kẻ bạo lực sẽ thay đổi?

Không thể bình thường hóa sự lệch chuẩn

Cơ quan chức năng chắc chắn sẽ xử lý nghiêm đối tượng Trần Văn Trung. Nhưng bài học lớn hơn thuộc về cộng đồng. Chúng ta không thể chờ đến khi máu đổ, nước mắt rơi rồi mới lên tiếng. Một xã hội văn minh là xã hội mà những hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm - đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em - không được có đất sống, không có khán giả, không có người bấm like.

Và chúng ta cần nhiều hơn là sự phẫn nộ. Cần giáo dục về giới - từ trong nhà trường đến trong gia đình - để thế hệ trẻ không lớn lên với tâm lý "đàn ông là có quyền ra tay". Cần truyền thông tích cực, nêu gương các mối quan hệ lành mạnh, thay vì suốt ngày giật tít những vụ việc giật gân câu view. Và cần một hệ thống pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ nạn nhân - trước khi kẻ thủ ác kịp giơ tay lên lần tiếp theo.

Sự kiện livestream đánh "vợ hờ" không chỉ là vụ bạo lực gia đình mà nó là một cái tát vào nhận thức cộng đồng nếu chúng ta coi đó là "chuyện riêng", "chuyện tình cảm cá nhân". Văn hóa bạo lực, nếu không bị phản kháng kịp thời, sẽ trở thành bình thường hóa. Từ một cú tát có thể dẫn đến cái chết. Từ một livestream có thể trở thành trào lưu nguy hiểm.

Xã hội văn minh phải có điểm dừng. Và điểm dừng ấy, không nằm ở chỗ "chờ công an đến xử lý", mà là khi cộng đồng lên tiếng, dư luận không dung thứ và mỗi người không tiếp tay bằng sự thờ ơ.

Tiểu Di

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-vu-livestream-danh-vo-ho-xa-hoi-van-minh-can-loai-bo-nhung-hanh-vi-benh-hoan-20250717225725424.htm