Gen Z thời 'bão giá': Tự nấu ăn ở nhà, chăm mua đồ secondhand, tiết kiệm là thượng sách

Gen Z bấy lâu nay thường được gắn mác với hình ảnh tự do, phóng khoáng và sẵn sàng chi tiêu tới bến để 'nuông chiều' bản thân. Tuy nhiên hiện nay, không ít bạn trẻ lại hướng tới lối sống tối giản để có thể 'thắt chặt chi tiêu'.

Giá cả tăng cao, teen “quay xe” sống tối giản

Hai năm qua, Gen Z đã phải trải qua “cú sốc đầu đời” vì đại dịch, nền kinh tế toàn cầu bị chững nhịp. Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, Minh Phương (Hà Nội) cho biết bản thân cô bạn từng có lúc bị kẹt giữa lối sống YOLO (tận hưởng cuộc sống) hay là nên tiết kiệm cho tương lai sau này.

Đại dịch COVID-19 ập đến như một dấu hiệu nhắc nhở để cô nàng lựa chọn lối sống tiết kiệm, đi theo chủ nghĩa tối giản. “Người ta hay nói phải tranh thủ tận hưởng cuộc sống vì ta chỉ sống một lần trên đời. Nhưng trải qua đợt dịch bệnh vừa rồi, mọi thứ thay đổi, điển hình là giá cả tăng nhanh khiến mình càng kiên định đi theo lối sống tiết kiệm” - Minh Phương chia sẻ.

Minh Phương “chấm điểm 10” lối sống tiết kiệm, tối giản hóa cuộc sống. Ảnh: NVCC

Minh Phương “chấm điểm 10” lối sống tiết kiệm, tối giản hóa cuộc sống. Ảnh: NVCC

Minh Phương bắt đầu tiết kiệm tiền bằng việc nấu ăn ở nhà nhiều hơn là đi ăn ngoài hàng. Cô bạn cũng lựa chọn mua đồ secondhand nhưng vẫn bắt trend thay vì mua quá nhiều đồ mới, và làm thêm nhiều công việc để tăng thu nhập chứ không đơn thuần chỉ làm một công việc để lấy lương tháng. Minh Phương khẳng định tiết kiệm được là rất đáng quý, nhưng cần phân biệt rõ giữa tiết kiệm và sống “tằn tiện”. Tức là, chúng ta chỉ nên tiết kiệm ở mức độ phù hợp.

Khánh Linh (Hà Nội) chia sẻ bản thân có thể tiết kiệm được 2 triệu đồng mỗi tháng khi giảm tần suất mua sắm và đi chơi với bạn bè: “Mình còn là sinh viên, nên khoản thu nhập hằng tháng của mình không đều, và phần lớn vẫn phụ thuộc vào trợ cấp của gia đình. Nhưng chỉ cần tiết kiệm một chút bằng việc không thức đêm săn sale, không đi chơi quá nhiều, mình đã dư dả một khoản tiền khá lớn”.

Chỉ cần tiết kiệm thôi, Khánh Linh đã có được số tiền bằng cả tháng đi làm thêm. Ảnh: NVCC

Chỉ cần tiết kiệm thôi, Khánh Linh đã có được số tiền bằng cả tháng đi làm thêm. Ảnh: NVCC

“Trend” sống tiết kiệm đang lên ngôi

Khi mà lối sống tiết kiệm đang dần trở nên thịnh hành, nhiều bạn trẻ không ngại “bắt trend” này. Huy Bảo (TP.HCM) bị hấp dẫn bởi những vlog về cuộc sống tối giản, tiết kiệm nên cậu bạn đã thử đi theo lối sống này và nhận lại được những kết quả không ngờ.

“Mình hay follow mấy page về học tập, tư duy tích cực, xem vlog về cuộc sống tối giản. Có một dạo mình thấy các bài ủng hộ sống tiết kiệm, dạo đấy nó như thành một phong trào. Mỗi lần mình rủ bạn đi ăn đi chơi, các bạn bảo là “sống tiết kiệm lên”. Thông tin được nạp vào đầu mình nhiều như vậy nên mình dù không muốn cũng phải tiếp nhận. Rồi mình thấy cũng hay nên đã thử” - Huy Bảo chia sẻ.

Huy Bảo đã từ bỏ việc thức khuya săn sale. Ảnh: NVCC

Huy Bảo đã từ bỏ việc thức khuya săn sale. Ảnh: NVCC

Sau khi thực hành tiết kiệm được một thời gian, Huy Bảo nhận ra rằng trước kia bản thân đã rất hoang phí vì sợ không mua nhanh sẽ hết.

“Mọi người thường nghĩ con gái hay thức khuya săn sale, nhưng mình là con trai cũng không tránh được cám dỗ giảm giá. Mình đã đốt nhiều tiền vào những vật dụng săn được, nhưng cuối cùng lại chẳng có tác dụng gì cho cuộc sống của mình. Từ khi bắt đầu sống tiết kiệm, chỉ mua những thứ cần và đủ xài, tính ra mỗi tháng mình đã không lãng phí 500.000 - 600.000 đồng”.

Teen nói “không” với “chi tiêu trước - tiết kiệm sau”

Xu hướng lựa chọn sống tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu của không ít bạn trẻ hiện nay. Điều này giúp các teen không bị “viêm màng túi” và dễ dàng thực hiện được các mục tiêu trong tương lai.

Phạm Hải Ly (Thái Bình) chia sẻ: “Mình đang là sinh viên nên chưa có nguồn thu nhập ổn định và chi phí sinh hoạt vẫn còn do bố mẹ hỗ trợ. Chính vì vậy, mình cố gắng hạn chế việc chi tiêu nhất có thể để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho bố mẹ”.

Hải Ly tạo thói quen xây dựng kế hoạch chi tiêu cụ thể để tránh tình trạng “cháy túi” cuối tháng. Ảnh: NVCC

Hải Ly tạo thói quen xây dựng kế hoạch chi tiêu cụ thể để tránh tình trạng “cháy túi” cuối tháng. Ảnh: NVCC

Cô bạn cho biết việc tiết kiệm tiền sẽ giúp bản thân xoay sở và ứng phó khi không may gặp phải những khó khăn. Bên cạnh đó, cô bạn cũng cố gắng tích lũy một khoản tiền để có thể thực hiện ước mơ “xê dịch” trong tương lai.

“Mình đang theo đuổi lối sống Danshari (một phong cách sống tối giản của người Nhật Bản) nên mình chỉ mua những gì thực sự cần thiết và loại bỏ những vật không dùng đến. Điều này không chỉ giúp mình tiết kiệm được một khoản tiền mà còn khiến cuộc sống tinh thần cũng trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn và tránh được những âu lo, bộn bề trong cuộc sống” - Hải Ly tâm sự.

Vân Anh - Hoài Lan

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/gen-z-thoi-bao-gia-tu-nau-an-o-nha-cham-mua-do-secondhand-tiet-kiem-la-thuong-sach-post1480608.tpo